Australia: Cắt giảm hàng loạt nhân viên trường học

Australia: Cắt giảm hàng loạt nhân viên trường học

Phó Hiệu trưởng Trường ĐH New South Wales - Giáo sư Ian Jacobs cho biết, nhà trường buộc phải cắt giảm nhân sự, do hậu quả nặng nề từ sự bùng phát của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, ngay cả sau khi giảm chi phí từ nhân sự và sử dụng khoản dự trữ, trường ĐH vẫn phải đối mặt với sự thiếu hụt 75 triệu đô la Úc.

Trước bối cảnh này, lãnh đạo trường đề xuất, khoảng 493 học giả và nhân viên nên tình nguyện xin nghỉ việc vào cuối tháng. Một học giả cấp cao tại trường cho biết, cách duy nhất để giải quyết vấn đề thiếu hụt ngân sách là cắt giảm việc làm. Nếu số nhân viên tình nguyện ít, trường sẽ chuyển sang phương án buộc thôi việc.

Trước đó, nhà khoa học Australia - Tiến sĩ Alan Finkel cảnh báo rằng, sẽ có khoảng hơn 21.000 nhân viên tại các trường đại học quốc gia bị mất việc làm, do hậu quả của đại dịch. Bên cạnh đó, những tổ chức GD này cũng được dự đoán phải đối mặt với sự sụt giảm doanh thu lên tới 4,6 tỷ đô la Úc vào năm 2020, trong khi tổn thất cho nghiên cứu ước tính khoảng 2,5 tỷ đô la Úc.

Trong một báo cáo tới chính phủ liên bang, Tiến sĩ Finkel cho biết, lực lượng lao động nghiên cứu Australia sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng kéo dài bởi đại dịch.

Công đoàn GDĐH quốc gia (NTEU) đã chỉ trích Chính phủ Australia vì không mở rộng chương trình "JobKeeper" đối với các trường đại học, nhằm hỗ trợ nhân viên không bị sa thải. JobKeeper sẽ cung cấp tài trợ tới người sử dụng lao động, nhằm duy trì số lượng nhân viên.

Phát ngôn viên của Trường ĐH New South Wales cho biết, quyết định cắt giảm nhân viên cần được thực hiện để đáp ứng những thách thức do đại dịch mang lại.

"Đây là một thực tế đau lòng nhưng không thể tránh khỏi trong hoàn cảnh hiện tại", người phát ngôn nhà trường nói.

Chủ tịch NTEU - ông Alison Barnes nhận định, việc cắt giảm nhân sự là sự thật "tàn khốc". "Có tới gần 500 nhân viên của Trường ĐH New South Wales phải đối mặt với một tương lai hoàn toàn không chắc chắn", ông Barnes nhấn mạnh.

Chủ tịch NTEU đã thẳng thắn cho rằng, Chính phủ Australia cần chịu trách nhiệm đối với những mất mát này. "Chính phủ đã từ chối gia hạn JobKeeper đối với các trường đại học và không cung cấp bất cứ gói hỗ trợ nào khác", ông Barnes cho hay.

Nhà lãnh đạo NTEU nhận định, công việc của hàng trăm lao động trong các trường đại học Australia, bao gồm cả người giữ vị trí cố định, đang bị đe dọa.

"Các nhân viên bị ảnh hưởng bởi đại dịch là những người chịu cú sốc lớn, rơi vào tuyệt vọng và trở nên bất lực. Không ít nhân viên chia sẻ quan điểm rằng, việc cắt giảm việc làm là điều không cần thiết", một quan chức của NTEU cho biết.

Cũng theo người này, hàng loạt nhân viên nhà trường bày tỏ sự phản đối trước quyết định của lãnh đạo nhà trường, cũng như chính phủ liên bang vì không có gói hỗ trợ dành cho nhân viên giáo dục. "Hiện tại, bất cứ ai mất việc vào thời điểm suy thoái kinh tế nghiêm trọng nhất cũng sẽ rất khó để có được một công việc khác", người này nhấn mạnh.

Trong một tuyên bố mới đây, phát ngôn viên của Trường ĐH New South Wales nói rằng, việc cắt giảm là cần thiết vì lượng SV quốc tế giảm do đại dịch. Trong khi đó, số người học đăng ký trong năm tới chưa được chắc chắn.

"Chúng tôi kêu gọi ban quản lý trường học nói chuyện với công đoàn về các lựa chọn thay thế. Chúng tôi cũng sẽ tổ chức một cuộc họp dành cho tất cả nhân viên vào tuần tới. Chúng tôi sẽ linh hoạt việc cắt giảm nhân viên theo cách của chúng tôi", phát ngôn viên khẳng định.

Trước tình hình này, nhiều người nhận định, quyết định cắt giảm nhân viên tại Trường ĐH New South Wales là một lời cảnh báo đối với các tổ chức GD khác trên khắp Australia.

Theo University World News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ