ASEAN đang đổi thay
ASEAN với mục tiêu góp phần xây dựng một Cộng đồng ASEAN “cam kết nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thông qua các hoạt động hợp tác hướng tới con người, xây dựng một Cộng đồng ASEAN hướng vào người dân, lấy người dân làm trung tâm và có trách nhiệm xã hội nhằm đạt được tình đoàn kết và thống nhất lâu bền giữa các quốc gia và người dân ASEAN thông qua việc tạo dựng một bản sắc chung và một xã hội chia sẻ, đùm bọc, hoà thuận và rộng mở, nơi cuộc sống và phúc lợi của người dân được nâng cao”.
Mỗi quốc gia trong cộng đồng ASEAN có những nét riêng biệt về tâp quán, đời sống linh tế - xã hội. Trong sự khác biệt đó, cộng đồng đề cao vào phát triển những giá trị con người, vào những nội dung thiết thực với cuộc sống của toàn thể người dân trong khu vực. Một cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN vừa có nét chung lại có cái riêng về bản sắc sẽ thúc đẩy sự gắn kết người dân giữa các quốc gia, khuyến khích người dân tham gia vào tiến trình xây dựng và phát triển chung.
Nhìn lại quá trình hợp tác thời gian qua, trong nỗ lực xây dựng một cộng đồng ASEAN phát triển, các quốc gia đều đã hài lòng ghi nhận những thành tựu văn hoá-xã hội quan trọng đạt được trong khuôn khổ xây dựng Cộng đồng ASEAN. Theo đánh giá của giới chức, việc thực hiện Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN nhìn chung là tích cực, trong đó có khoảng 99% các dòng hành động đã được giải quyết thông qua việc tiến hành các hoạt động khác nhau của các cơ quan chuyên ngành ASEAN.
Đáng chú ý, trong vòng hai thập kỷ qua, tỷ lệ người sống dưới mức 1,25 USD/ngày đã giảm từ 1/2 xuống còn 1/8; tất cả các nước thành viên ASEAN đã cho thấy sự cải thiện rõ rệt trong Chỉ số phát triển con người; hầu hết các nước thành viên ASEAN đã ban hành luật pháp, chính sách và chương trình an sinh xã hội để ứng phó với các tác động tiêu cực của hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa đối với các nhóm yếu thế; tỷ lệ phụ nữ tham gia nghị viện đạt mức 18,5%; đã có 24 di sản văn hoá của ASEAN được UNESCO công nhận.
Nỗ lực của Việt Nam
Hướng tới phát triển bền vững ASEAN còn cần phải làm nhiều việc hơn nữa để bảo đảm những lợi ích và kết quả của sự tiến bộ. Đó là, cần phải tìm các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu trong việc xây dựng một ASEAN bền vững, tự cường. Với dân số hiện nay khoảng 650 triệu người, trong đó hơn 300 triệu người tham gia lực lượng lao động và tổng sản lượng hàng năm được ước tính khoảng 2.000 tỷ USD, Cộng đồng ASEAN cần hỗ trợ nhau để trở thành khu vực phát triển đồng đều, hướng đến một Cộng đồng ASEAN lấy người dân làm trung tâm.
Theo nhận định của các nhà ngoại giao và chính trị gia, sự hình thành Cộng đồng ASEAN năm 2015 có ý nghĩa hết sức to lớn. Cụ thể là đã phản ánh được sự lớn mạnh của ASEAN sau 50 năm hình thành và phát triển vươn lên trở thành một cộng đồng liên kết chặt chẽ trên cả 3 trụ cột: Chính trị - An ninh, Kinh tế và Văn hóa - Xã hội, với vị thế ngày càng cao ở cả khu vực và thế giới. Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN vào năm 2025 được kỳ vọng sẽ là một cộng đồng thu hút sự tham gia của người dân và mang lại lợi ích cho người dân, là một cộng đồng đùm bọc, bền vững, tự cường và năng động.
Việt Nam với vai trò và trách nhiệm của mình đã và đang thực hiện đầy đủ nghĩa vụ góp phần quan trọng vào sự phát triển và thành công chung. Trong năm Chủ tịch ASEAN 2010, Việt Nam đã đưa ra sáng kiến, chủ trì xây dựng và trình các nhà Lãnh đạo Cấp cao ASEAN thông qua hai văn kiện quan trọng của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN là Tuyên bố Hà Nội về Phúc lợi và Phát triển cho phụ nữ và trẻ em trong ASEAN và Tuyên bố của Lãnh đạo cấp cao ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực và kỹ năng nghề cho phục hồi kinh tế và phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã đưa ra sáng kiến và cùng các nước ASEAN nỗ lực xây dựng các Tuyên bố khác như: Tuyên bố ASEAN về Tăng cường an sinh xã hội; Tuyên bố về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và xóa bỏ bạo lực đối với trẻ em trong ASEAN; Tuyên bố Bandar Seri Begawan về thanh niên tình nguyện và doanh nhân trẻ; Tuyên bố ASEAN về tăng cường hợp tác trong quản lý thảm họa. Đây là các văn kiện quan trọng, định hướng hoạt động cũng như thúc đẩy quá trình xây dựng một Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.
Một năm Chủ tịch Cộng đồng ASEAN 2020 của Việt Nam đã thành công với nhiều dấu ấn hết sức tốt đẹp. Nhiều năm qua, Việt Nam được đánh giá là một thành viên có nhiều cố gắng trong việc lồng ghép thực hiện các mục tiêu vào các chương trình, dự án quốc gia và đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, môi trường, khoa học và công nghệ. Việt Nam và ASEAN đang tiếp tục nỗ lực hướng tới một cộng đồng phát triển chung với nhiều thành tựu mới.