Asanzo trốn thuế, vi phạm quyền sở hữu công nghệ

GD&TĐ - Trong cuộc họp báo chiều 24/10, Tổng cục Hải quan cho biết, Asanzo có dấu hiệu vi phạm quyền sở hữu công nghệ về nhãn hiệu và trốn thuế. Theo Cục Thuế TPHCM, doanh thu mỗi năm của Công ty Asanzo lên đến 1.400 tỷ đồng nhưng chỉ kê khai, nộp thuế hơn 50 triệu đồng.

Các sản phẩm của Asanzo đã được tung ra thị trường từ lâu nhưng đến giờ người tiêu dùng mới ngã ngửa là sản phẩm vi phạm… Ảnh: IT
Các sản phẩm của Asanzo đã được tung ra thị trường từ lâu nhưng đến giờ người tiêu dùng mới ngã ngửa là sản phẩm vi phạm… Ảnh: IT

Cơ quan chức năng vào cuộc

Tiếp theo Cục Thuế TPHCM, Cục Điều tra chống buôn lậu (CĐTCBL) thuộc Tổng cục Hải quan cũng vừa chuyển vụ việc của Asanzo sang Bộ Công an vì nhiều nghi vấn công ty này có dấu hiệu trốn thuế tiêu thụ đặc biệt, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, có dấu hiệu lừa dối khách hàng… Theo đó, ngày 16/10, Tổng cục Hải quan đã có văn bản về việc chuyển hồ sơ vụ việc Asanzo sang Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (C03), Bộ Công an để điều tra làm rõ thêm và mở rộng vụ việc của Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo và các đơn vị liên quan.

Trước đó, ngày 1/7 của Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an (C03) đã đề nghị Tổng cục Hải quan cung cấp thông tin, tài liệu, kết quả kiểm tra, xác minh vụ việc tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo và các đơn vị liên quan.

Văn bản của CĐTCBL nêu rõ, căn cứ biên bản họp thống nhất xử lý vi phạm đối với các công ty liên quan đến nhãn hiệu Asanzo ngày 4/10 giữa CĐTCBL thuộc Tổng cục Hải quan và Vụ 3 (Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao) và C03, các cơ quan đã thống nhất: “Với kết quả điều tra xác minh đến nay chỉ có căn cứ xác định có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, thuế (có dấu hiệu trốn thuế tiêu thụ đặc biệt), dấu hiệu lừa dối khách hàng; cần tiếp tục điều tra, làm rõ để xác định vi phạm hành chính hay hình sự?”.

Bên cạnh đó, CĐTCBL cũng thông tin sẽ tiếp tục tạm giữ, quản lý, giám sát 14 container của Công ty TNHH Đầu tư sản xuất Phương Nguyên Asanzo và Công ty TNHH Đầu tư thương mại Việt Tài. Theo đó, CĐTCBL cho biết đã phối hợp với các Chi cục Hải quan tại Hải Phòng, Chi cục Hải quan TPHCM và các nơi đang được lưu giữ hàng hóa của các công ty liên quan tại Chi cục Hải quan Hải Phòng và Cảng Cát Lái để phục vụ quá trình điều tra.

Dấu hiệu trốn thuế

Ngày 16/10, ông Lê Duy Minh – Phó cục trưởng Cục Thuế TPHCM đã ký Quyết định chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi trốn thuế đối với Asanzo cho Công an TPHCM và Bộ Công an. Trước đó, Cục Thuế TPHCM đã ban hành kết luận Thanh tra thuế, ký ngày 15/10 và các hồ sơ liên quan thể hiện Asanzo thành lập 19 công ty liên kết do gia đình và nhân viên công ty đứng tên (nay đã bỏ địa chỉ kinh doanh - Công ty “ma”) để các công ty này nhập hàng về bán lại cho Asanzo.

Theo kết luận Thanh tra thuế, Asanzo mua linh kiện điện lạnh từ các công ty liên kết rồi thuê gia công lại một phần, lắp ráp thành phẩm, dán tem Asanzo và bán cho doanh nghiệp cũng thuộc Tập đoàn Asanzo. Mặt khác, Asanzo mua linh kiện nhưng lại ghi nội dung hóa đơn là mặt hàng thành phẩm để không khai thuế tiêu thụ đặc biệt; sau đó bán hàng thành phẩm không xuất hóa đơn… Do vậy, Cục Thuế TPHCM đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với Asanzo. Tổng số tiền phạt, truy thu, chậm nộp của Asanzo là 68 tỷ đồng.

Đại diện Cục Thuế TPHCM cho biết, do vi phạm có dấu hiệu hình sự nên sau khi chuyển hồ sơ cho công an khởi tố vụ án hình sự, cơ quan thuế sẽ rút lại phần quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 26,3 tỷ đồng, để bảo đảm một hành vi vi phạm không bị xử phạt 2 lần (vừa hành chính, vừa hình sự).

Ngoài ra, Cục Thuế TPHCM cũng phát hiện Asanzo mua bán với các công ty liên kết với giá 1 đồng nhưng kê khai giá bán thành 4 đồng, rồi sau đó tiền được chuyển ngược lại cho công ty thuộc hệ thống Tập đoàn Asanzo, trong đó cá nhân bà Nguyễn Thị Hiền (vợ của ông Phạm Văn Tam) và nhân viên tại các công ty thuộc Tập đoàn Asanzo rút tiền ra với tổng số tiền hơn 500 tỷ đồng. Đó là lý do doanh thu mỗi năm của Công ty Asanzo lên đến 1.400 tỷ đồng nhưng chỉ kê khai, nộp thuế hơn 50 triệu đồng!

Chỉ rõ sai phạm

Trong cuộc họp báo chuyên đề của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chiều 24/10, Tổng cục Hải quan cho biết, Asanzo có dấu hiệu vi phạm quyền sở hữu công nghệ về nhãn hiệu và trốn thuế.

Ông Nguyễn Văn Ba – CĐTCBL (Tổng cục Hải quan) cho biết đã tham mưu cho Bộ Tài chính dự kiến họp tất cả các bộ, ngành được Thủ tướng giao xử lý vụ việc của Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo vào đầu tuần tới để đánh giá trách nhiệm của từng đơn vị. Sau buổi họp này, Tổng cục Hải quan sẽ tổ chức họp báo riêng để cung cấp số liệu, chứng cứ chính xác, đầy đủ hơn. Ông Ba cho biết thêm, hiện số liệu điều tra của mỗi đơn vị vẫn tản mạn, chưa được tập trung nên cần khớp số liệu vào cuộc họp tuần tới.

Về việc Thủ tướng chỉ đạo đến 30/8 phải có kết luận vụ Asanzo, nhưng đến nay mới có những chứng cứ điều tra ban đầu, ông Ba cho biết, Công văn số 2648 ngày 19/9 của Văn phòng Chính phủ đã thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo 389 quốc gia, gia hạn thời gian công bố kết luận vụ việc đến 30/10.

Liên quan đến việc hồ sơ được chuyển qua cơ quan điều tra, Chủ tịch Asanzo Phạm Văn Tam cho biết, đây chưa phải kết luận cuối cùng. Doanh nghiệp ông đang khiếu nại một số khoản trong báo cáo của cơ quan thuế, cũng như xem xét việc khởi kiện các quyết định trên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ