Tuy nhiên, trang The Intercept phát hiện, dù Apple không biết rõ nội dung các thông điệp của người dùng, nhưng họ vẫn bạn biết đang trò chuyện với ai thông qua ứng dụng này.
Theo The Intercept, khi bạn cố liên lạc với ai đó thông qua iMessage, ứng dụng nhắn tin này sẽ tự động gửi tín hiệu ping tới các máy chủ của Apple để xem liệu người đó có tài khoản iMessage hay không. Khi quá trình ấy xảy ra, Apple sẽ xem đối tượng bạn đang cố gắng liên lạc và liệu họ có tài khoản iMessage hay không.
Ngoài việc xác định thông tin liên lạc, The Intercept cho biết, Apple còn lưu hồ sơ thời gian và ngày, tháng người dùng tạo thông điệp cũng như địa chỉ IP phát đi thông điệp ấy. Tất cả những dữ liệu này có thể hé lộ thông tin về địa điểm của bạn.
Toàn bộ các dữ liệu trên được lưu giữ trong 30 ngày và sẽ bị xóa bỏ sau đó. Tuy nhiên, iMessage và các ứng dụng khác tích hợp sẵn trong hệ điều hành iOS thỉnh thoảng vẫn kiểm tra đối chiếu với các máy chủ của Apple và tạo ra các hồ sơ mới về việc ai đang liên lạc với ai. Việc kiểm tra kiểu này không phải luôn xảy ra mỗi lần một tin nhắn được gửi đi, nhưng chúng ta có thể hiểu nó xảy ra thường xuyên.
Apple có thể trao bất kỳ thông tin sẵn có này cho cơ quan hành pháp khi có lệnh của tòa án. Trong thực tế, The Intercept phát hiện ra sự thật động trời trên nhờ một bản tóm tắt về những thông tin Apple có thể giao nộp, do một cơ quan hành pháp của bang Florida, Mỹ cung cấp.
Mặc dù các thông tin Apple thu thập qua iMessage chỉ cho thấy các đối tượng liên lạc, chứ không phải nội dung của các thông điệp, nhưng chúng cũng dấy lên lo ngại về nguy cơ bị lộ thông tin người dùng. Cơ quan hành pháp về cơ bản có khả năng thu được danh sách về bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào mà người dùng iPhone đã liên lạc gần đây.