Áp Tết, lao động thời vụ vào mùa

GD&TĐ - Cuối năm cũng là thời điểm có nhiều sự kiện, Tết các doanh nghiệp (DN), cửa hàng hay cá nhân thường có nhu cầu tuyển lao động phục vụ cho công việc bận rộn cuối năm, bởi vậy thời điểm này thị trường lao động thời vụ trở nên sôi động. 

Áp Tết, lao động thời vụ vào mùa

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, cầu nhiều mà cung ít vậy nên giá thuê đang “sốt”, thậm chí không ít người còn phải trả công lao động ngày cao gấp 4 - 5 lần ngày bình thường.

Cầu vượt cung

Năm nào cũng vậy, để đáp ứng công việc sản xuất, kinh doanh trong những ngày cuối năm, hầu hết các DN, cơ sở sản xuất, buôn bán đều có nhu cầu tiếp nhận thêm lao động thời vụ.

Công việc được tăng cường dịp này chủ yếu là: Nhân viên tư vấn, quảng cáo, tiếp thị sản phẩm, gia công, đóng gói bao bì, bán hàng, chuyển hàng, thợ sơn, thợ nề, thợ mộc, thậm chí là cả ô sin giúp việc gia đình... Trong đó, nhu cầu ở các hệ thống siêu thị tăng mạnh, có thể lên đến hàng ngàn người do số lượng khách dịp Tết tăng đột biến.

Anh Nguyễn Văn Quyết – Người điều hành một trung tâm dịch vụ vệ sinh và sửa chữa nhà cửa trên đường Láng – Hà Nội cho biết: “Gần Tết, nhu cầu làm sạch nhà cửa như lau dọn, lăn sơn... tại Hà Nội rất lớn. Hiện, các hợp đồng thuê lau dọn nhà đã tăng 30% so với cận Tết năm ngoái. Vì vậy, trung tâm đã phải tuyển dụng lao động thời vụ ngay từ tháng 9, nhưng đến thời điểm này vẫn đang thiếu người”.

Trên một số các trang website tìm kiếm việc làm như: muaban.net, tuyendung.vn, vieclam24h.com, 123Mua.vn... những mục tuyển dụng lao động thời vụ đang rất sôi động.

Đặc biệt, các DN, siêu thị, cửa hàng cũng như các gia đình còn làm nhiều tờ rơi, biển báo tuyển dụng được dán tràn lan trên gốc cây, tường, bến xe.

Thậm chí, thông tin tuyển dụng được viết trên mảnh giấy nhỏ và được dán trong nhà vệ sinh để tiện “bắt mắt”. Phần lớn, nội dung là tuyển làm theo ca, thời vụ Tết hoặc làm trong ngày.

Tại Trung tâm giới thiệu việc làm trên đường Thái Hà (Hà Nội), gần một tháng nay người đến liên hệ đăng ký tìm người làm khá tấp nập và khẩn trương.

Anh Bùi Đăng Lý - Nhân viên Trung tâm - cho hay: “Mấy ngày nay người đến đăng ký tìm người bán hàng, đóng gói, chở hàng, phát sản phẩm và đặc biệt là tìm người giúp việc gia đình... rất đông.

Chỉ từ đầu tuần đến nay, trung tâm của chúng tôi đã tiếp nhận tới hơn 500 hồ sơ tìm người làm, tuy nhiên chúng tôi chỉ đáp ứng và giải quyết được hơn 150 hồ sơ, số còn lại vẫn đang phải chờ”.

“Cò” việc làm cũng vào... mùa

Theo nhận định của hầu hết các trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm tại Hà Nội, nhu cầu lao động thời vụ đang tăng cao, tiền công cho người lao động cũng cao hơn nhiều năm trước, nhưng vẫn khan hiếm.

Ông Lê Toàn Khang – Phó Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội - cho biết, mức lương của người lao động thời vụ dịp áp Tết năm nay tăng khoảng 20 - 25% so với năm trước.

Trên các trang mạng tìm việc online, nhà tuyển dụng cũng có mức lương tăng tương tự. Cụ thể, nhân viên bán hàng từ 160.000 – 200.000 đồng/ca, lau dọn nhà cửa 100.000 đồng/giờ, giao các mặt hàng và phát quà tặng 150.000 – 180.000 đồng/ca, bán hàng 3.000.000 đồng/tháng (làm việc theo ca)...

Nhờ việc tìm người tại các trung tâm giới thiệu việc làm, cũng như dân “cò mồi” được dịp “kiếm bộn” nhờ đi dẫn mối. Chị Chu Ánh Nguyệt quê Thái Bình ấm ức:

“Vừa được một người môi giới giới thiệu đi bán tại một cửa hàng bánh kẹo, nước giải khát trên đường Thái Hà, mất 400.000 đồng tiền môi giới, lương tháng 2.500.000 đồng - mỗi ngày làm 3 giờ.

Làm được 3 ngày thì chủ cửa hàng này nói không cần người nữa, gọi điện hỏi người môi giới thì người này yêu cầu muốn có việc mới phải đóng tiếp 400.000 đồng nữa”.

Ông Khang khuyến cáo: “Người tìm việc không nên cả tin và cảnh giác trước tình trạng người môi giới yêu cầu trả trước phí giới thiệu với mức quá cao, bất hợp lý”.

Mặt khác, người lao động cần có các cam kết rõ ràng với nhà tuyển dụng. Nếu thông qua các công ty môi giới, phải nắm được việc trả phí môi giới như thế nào, vì sự không rành mạch có thể gây nên những bức xúc, tranh chấp sau này.

Tuy nhiên, ở góc độ người thuê lao động thời vụ, anh Đặng Văn Thụ - Chủ một siêu thị mini trên đường Nguyên Hồng (Hà Nội) cũng có những bức xúc:

“Cuối năm người mua hàng đông và phải thuê thêm người. Đồng thời, để họ nhận biết được giá cả các mặt hàng thì phải đào tạo ít nhất 2 - 3 ngày, thế nhưng khi vừa thạo việc đã thôi, hoặc thấy chỗ khác trả cao hơn là bỏ đi luôn.

Thậm chí không ít trường hợp còn ăn cắp, lấy trộm đồ rồi bỏ trốn... Bởi vậy, năm nay trước khi thuê lao động thời vụ, tôi phải kiểm tra rất kỹ giấy tờ tuỳ thân và bắt làm bản cam kết rất rõ ràng để tránh tình trạng như những năm trước”.

Chuyện tìm người làm thời vụ ngày Tết ở Hà Nội năm nào cũng “sốt”; đây cũng là cơ hội việc làm của nhiều người lao động tỉnh lẻ hoặc sinh viên dịp này.                                                                                                                                                                                Không chỉ được thỏa thuận với giá công cao, nhiều người còn được các DN, cửa hàng hay gia chủ hào phóng “thưởng Tết” nếu như làm tốt công việc được giao trong thời điểm áp Tết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ