Áp lực từ đâu?

Áp lực từ đâu?

Để phục vụ kỳ thi tuyển sinh lớp 10, các thành phố lớn đều dốc nhân lực, tài lực nhằm bảo đảm tính nghiêm túc, tạo sự công bằng cho thí sinh. Như TPHCM đã chọn 135 trường trung học có cơ sở vật chất hiện đại, an toàn làm điểm thi, triệu tập 11.446 cán bộ, giáo viên làm công tác coi thi và 3.430 cán bộ, giáo viên làm công tác chấm thi. Hà Nội tổ chức 172 điểm thi, huy động 12 nghìn cán bộ, giáo viên coi thi và giám sát phòng thi, 1.700 nhân viên phục vụ tại các điểm thi.

Không chỉ tốn kém chi phí, nhân lực, vật lực, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập ở Hà Nội và TPHCM còn tạo áp lực lớn cho học sinh, gia đình và nhà trường khi mức độ căng thẳng của nó được đánh giá còn hơn cả thi đại học. Sở dĩ áp lực lớn bởi tổng chỉ tiêu lớp 10 công lập ở các thành phố này đều thấp hơn nhiều so với số lượng học sinh có nhu cầu. Như TPHCM tổng chỉ tiêu lớp 10 công lập chỉ có khoảng 66 nghìn học sinh, còn Hà Nội chỉ có hơn 64 nghìn. 

Công bố tỷ lệ "chọi" các trường tốp đầu ở TPHCM và Hà Nội hồi đầu tháng 6 cho thấy sự tăng vọt so với năm trước. Ở TPHCM, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong là 1 "chọi" 5,64, Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền là 1/4,44. Tại Hà Nội, Trường THPT Chu Văn An (Tây Hồ) là 1 "chọi" 3,4; THPT Kim Liên là 1/2,6; THPT Nhân Chính và THPT Yên Hoà là 1/2,3… Để giành được một suất công lập như ý, học sinh phải có chiến lược học tập sớm, ôn luyện ngày đêm. Phụ huynh long đong đưa đón con học thêm. Nhà trường cũng không kém vất vả lo toan vì tỷ lệ vào công lập cũng được xem như một gạch đầu dòng về thành tích.

Căng thẳng, áp lực cho học sinh, phụ huynh và không ít tốn kém cho địa phương, vì thế những năm gần đây các tỉnh thành có nhiều nỗ lực tìm giải pháp đổi mới nhằm giảm áp lực của kỳ thi. Một số địa phương trong điều kiện quy mô, trường lớp cho phép thay vì tổ chức thi, đã chọn hình thức xét tuyển đối với hệ không chuyên. Tuy nhiên trên thực tế, chuyển biến này vẫn chưa rõ nét, nhất là ở hai thành phố lớn. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến căng thẳng là đa số phụ huynh giữ lối nghĩ cũ, muốn con học lên trung học, rồi vào đại học. Dù các hệ đào tạo nghề sau THCS có nhiều chính sách ưu đãi nhưng vẫn chưa thu hút học sinh rẽ luồng. Các trường trung học ngoài công lập dù mở nhiều nhưng vẫn chưa phải là lựa chọn hàng đầu vì tâm lý chung phải rớt công mới… bất đắc dĩ vào tư.

Giảm áp lực các kỳ thi vào lớp 10 công lập, bên cạnh giải pháp kỹ thuật rất cần chính sách, cơ chế bình đẳng giữa hệ thống trường công và tư, tăng sức hút đối với trường nghề để thúc đẩy phân luồng sau THCS. Quan trọng nhất là cần có giải pháp đồng bộ để thay đổi nhận thức của xã hội về vấn đề học tập. Một khi xã hội thay đổi được nhận thức về ngành nghề, chuyển từ học để thi sang học vì nghề nghiệp, tương lai, con đường học nghề cũng được vinh danh như học thuật, mới mong giảm được áp lực thi cử.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Joshua Zirkzee đang nằm trong kế hoạch mua sắm của Arsenal.

Arsenal nhắm tiền đạo của Bayern Munich

GD&TĐ - Theo Mirror, Arsenal muốn mời tiền đạo ngôi sao của Bologna - Joshua Zirkzee một bản hợp đồng đến năm 2029, với mức lương hàng năm là 5 triệu Bảng.