Áp lực không đáng có

GD&TĐ - Mới đây, mạng xã hội lan truyền thông báo có đóng dấu đỏ được cho là Hiệu trưởng Trường THCS Mỹ Hạnh (Đức Hòa, Long An) ký ngày 30/11.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Theo đó yêu cầu giáo viên chủ nhiệm thông báo với những học sinh chưa tiêm chuẩn bị tinh thần. Nếu địa phương có lịch thì phải đi tiêm. Điều gây chú ý ở thông báo này là phần nội dung được in đậm: “Nếu sau này vào học trực tiếp mà chưa tiêm thì không được vào học. Dự kiến ngày học trực tiếp là 20/12/2021”.

Lãnh đạo ngành Giáo dục địa phương khẳng định, nội dung này là không đúng, bởi hiện tại chưa có quy định nào như trên. Trước đó, Bộ GD&ĐT cũng hướng dẫn, các địa phương căn cứ vào đánh giá, xác định cấp độ dịch theo từng địa bàn để quyết định cho học sinh tới trường trên nguyên tắc: Nơi nào đảm bảo an toàn, kiểm soát được dịch thì chủ động cho học sinh trở lại trường học tập… Tất nhiên, không có dòng nào quy định: Học sinh phải được tiêm chủng ngừa Covid-19 mới được đến trường.

Thực tế, không riêng gì tỉnh Long An, mà hầu hết các địa phương đều xác định tâm thế mở cửa trường học, đón học sinh trở trong điều kiện bình thường mới. Tuy nhiên, để học sinh đi học trực tiếp an toàn, ngoài việc chuẩn bị tốt các điều kiện cơ sở vật chất, bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19, các địa phương cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, khuyến khích phụ huynh cho con tiêm vắc-xin ngừa Covid-19; thực hiện nghiêm quy tắc 5K trong suốt buổi học.

Vì thế, nhiều người bất ngờ và không khỏi bức xúc khi Trường THCS Mỹ Hạnh phát hành thông báo với nội dung như trên. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, thông báo này đã vi phạm quyền được đến trường học tập của trẻ em. Việc tiêm chủng hay không, không phụ thuộc vào các em, mà do chính quyền địa phương, ngành y tế; trong đó có một phần trách nhiệm của phụ huynh. Hơn thế, các chuyên gia dịch tễ cũng khẳng định, vắc-xin không phải là giải pháp hữu hiệu và duy nhất để phòng  chống dịch.

Học sinh dần trở lại trường học. Yếu tố an toàn luôn được đặt lên hàng đầu và vắc-xin là một trong giải pháp được lựa chọn. Tuy nhiên, đôi khi sự quan tâm không đúng lúc, lời nói vô tình của thầy cô tạo thêm áp lực cho học trò bởi đằng sau đó là sự phân định ranh giới giữa trẻ đã tiêm và chưa tiêm trong lớp học.

Dịch bệnh Covid-19 hoành hành khiến việc dạy – học phải chuyển sang hình thức trực tuyến. Hàng chục triệu trẻ em không được học trực tiếp dài ngày, ảnh hưởng đến tâm lý, chất lượng dạy - học và làm đảo lộn cuộc sống của hàng triệu gia đình. Đây đã là thiệt thòi của học sinh nên rất cần các thầy, cô giáo, nhà trường quan tâm chia sẻ, đồng cảm và đồng hành.

Thực tế, giáo viên, phụ huynh và học sinh mong ngóng từng ngày về việc mở cửa trường học, để các em được vui bước đến trường. Nhận được thông tin nhà trường đủ điều kiện đón học sinh trở lại học trực tiếp, thầy – trò vô cùng phấn khích. Ấy vậy mà chỉ với dòng chữ “Nếu sau này vào học trực tiếp mà chưa tiêm thì không được vào học” đã làm vỡ vụn sự phấn khích, hứng khởi của các em và khiến bao người hụt hẫng. Ai cũng hiểu, bảo vệ sức khoẻ cho thầy – trò và an toàn trường học là tốt, nhưng cũng không nên cực đoan và càng không nên sáng tạo thêm những quy định, hướng dẫn của cơ quan chức năng.

Nói như Thủ tướng Phạm Minh Chính, mục tiêu của chúng ta là không để trẻ nào phải bỏ học do đại dịch, do hoàn cảnh, không để ai bị bỏ lại phía sau trong thực hiện quyền được học tập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ