Huỳnh Hoàng Huy không chỉ là thủ khoa đầu vào của Trường Đại học Y Dược TPHCM mà sau 6 năm, chàng trai quê Vĩnh Long còn tiếp tục là thủ khoa đầu ra với điểm số xếp loại xuất sắc.
Giấc mơ “blouse trắng”
Là cựu học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Vĩnh Long), Hoàng Huy được biết đến là thủ khoa toàn quốc khối B00 năm 2017 với 3 môn Toán, Hóa, Sinh đều đạt điểm tuyệt đối. Số điểm này giúp Hoàng Huy trúng tuyển vào ngành Y đa khoa và trở thành thủ khoa đầu vào của Trường Đại học Y Dược TPHCM lúc bấy giờ.
Sau 6 năm học tập, chàng trai ấy một lần nữa khiến nhiều người bất ngờ khi cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp ngành Y đa khoa loại xuất sắc với số điểm GPA 3.69/4.0. “Em nghĩ ai trở thành thủ khoa cũng bất ngờ. Tuy nhiên, dù ở THPT hay đại học, mục tiêu duy nhất của em chỉ là trở thành bác sĩ, được chữa bệnh cứu người như cha em”, Huy chia sẻ. Ký ức thuở bé của Huy đã in sâu hình ảnh cha khám, chữa bệnh tại trạm xá nhỏ ở xã Thới Hòa. Giấc mơ “blouse trắng” cũng lớn dần từ đó.
Thế nhưng chặng đường theo đuổi ngành Y cũng có lúc trắc trở. Dù là thủ khoa đầu vào nhưng Huy vẫn không tránh khỏi bị choáng ngợp bởi khối lượng bài vở và cách giảng dạy ở đại học. Nỗi ám ảnh của chàng thủ khoa khi mới vào giảng đường đại học là 3 môn: Hóa sinh, Sinh di truyền, Vi sinh.
Hoàng Huy nửa đùa nửa thật kể: “Dù là thủ khoa đi chăng nữa thì mình hay bất kỳ bạn sinh viên nào cũng đều có những điểm số không được như ý. Tuy nhiên, cũng nhờ bị điểm thấp một vài lần mà mình đúc kết được phương pháp học tập cho bản thân”.
Kể từ đó, bên cạnh việc ôn tập bài giảng trên lớp, Huy đã duy trì tính nghiêm túc trong học tập và chủ động tìm tòi, nghiên cứu từ sách vở, tài liệu.
“Nhiều người bảo sinh viên ngành Y là ‘mọt sách’. Em thấy điều đó không sai. Bởi lẽ, các bài tập và thi cử đòi hỏi sinh viên ngành Y phải tự học và nghiên cứu rất nhiều từ sách vở. Đặc biệt là thi trắc nghiệm thì kiến thức rất rộng và trải dài. Thế nên, nếu không là ‘mọt sách’ thì có lẽ khó mà qua môn”, Huy kể. Với Huy, việc ghi nhớ hàng trăm trang sách trong một tuần là điều không quá xa lạ. Đôi khi, kiến thức trong sách vẫn chưa đủ, chàng trai còn mày mò tìm thêm tài liệu.
Chia sẻ về bí quyết học tập của mình, Huy cho rằng: “Việc học sẽ hiệu quả hơn nếu mình tham gia vào một nhóm bạn. Vì các bạn khi đã vào Trường Đại học Y Dược TPHCM thì ai cũng giỏi và tinh thần học tập tốt. Mọi người cùng học, cùng đi lâm sàng, gắn bó suốt 6 năm là kỷ niệm rất khó quên ở thời sinh viên”.
Ngoài việc học, Huy còn sinh hoạt trong câu lạc bộ cờ vua ở trường và tham gia các hoạt động tình nguyện như tổ chức Trung thu cho trẻ em nghèo, làm đường, xây cầu hay Chiến dịch Xuân tình nguyện. Đó cũng là cách mà chàng thủ khoa giảm áp lực học tập.
Huỳnh Hoàng Huy (thứ hai từ trái qua) cùng nhóm bạn thân tại Trường Đại học Y Dược TPHCM. Ảnh: NVCC |
Thay đổi để thích nghi
Khi bước sang năm thứ hai, sinh viên Trường Đại học Y Dược TPHCM bắt đầu được tiếp xúc với môi trường làm việc thực tế tại bệnh viện tuyến quận. Hành trình đi lâm sàng bắt đầu từ những công việc cơ bản của điều dưỡng như tiêm chích, thay băng, hỏi bệnh, khám bệnh. Không ít lần, Huy phải ngậm ngùi khi bị bệnh nhân từ chối cho thăm khám.
“Mình phải học cách lấy lòng để bệnh nhân cho thăm khám. Bắt đầu từ những việc như đẩy xe lăn cho bệnh nhân đi làm xét nghiệm, hay đến bệnh viện từ sớm để đo huyết áp, lấy sinh hiệu,... Những việc tuy nhỏ nhặt nhưng bệnh nhân cảm thấy được quan tâm thì dù khó tính đến mấy vẫn sẽ hợp tác với mình”, Huy bật mí.
Mỗi giai đoạn học ngành Y đều có thách thức khác nhau, đòi hỏi bản thân phải thay đổi để thích nghi và trưởng thành. Càng về những năm cuối, guồng quay học - thi - đi lâm sàng khiến cho chàng thủ khoa cảm thấy bị kiệt sức. Một ngày mới của Huy bắt đầu việc đi thực tập lâm sàng, chiều quay lại trường học để học lý thuyết, tối lại quay về bệnh viện trực đêm. Có hôm về nhà lúc tối muộn nhưng vẫn học bài đến khuya rồi sáng lại thức sớm đi tới bệnh viện.
Những lúc vùi đầu vào bài vở, Huy không khỏi chạnh lòng khi nghĩ về bạn bè đồng trang lứa với công việc làm ổn định, thu nhập khá. Để vượt qua những áp lực đó, chàng trai luôn tự nhủ: “Sáu năm là một hành trình dài đối với sinh viên. Bên cạnh sự quyết tâm và kiên trì rất lớn, mình phải luôn duy trì ngọn lửa đam mê, tìm được sự yêu thích trong việc học cũng như ngành nghề mà bản thân đã lựa chọn”.
Mỗi ngày trôi qua ở bệnh viện khiến chàng thủ khoa trưởng thành hơn. Không chỉ tích lũy thêm kiến thức thực tiễn mà còn được rèn giũa các kỹ năng mềm về giao tiếp, ứng xử. Cảm giác được túc trực tại bệnh viện, thăm khám cho bệnh nhân khiến Hoàng Huy thấy bản thân như một bác sĩ thực thụ. Giấc mơ khoác trên mình chiếc áo blouse trắng bắt đầu từ sở thích rồi lớn dần thành đam mê.
Ký ức khó phai nhất trong thời gian học ngành y phải kể đến giai đoạn cả nước phải cách ly để phòng chống dịch Covid-19. Lúc đó, không chỉ Huy mà nhiều sinh viên y khoa đã tham gia hoạt động theo dõi F0 từ xa. Huy nhớ lại: “Mình tư vấn về thuốc, ăn uống, theo dõi tình trạng sức khỏe hằng ngày để bệnh nhân yên tâm điều trị tại nhà. Việc đồng hành cùng họ từ khi có triệu chứng cho đến lúc khỏi bệnh là điều mình cảm thấy rất tự hào và càng trân trọng nghề y”.
Nhìn lại hành trình 6 năm tại Trường Đại học Y Dược TPHCM, Huy không thể xác định mình yêu nghề từ khi nào. Chỉ biết rằng, tình yêu và sự trân trọng được tích lũy dần dần qua mỗi buổi thực tập, những lần tiếp xúc với bệnh nhân hay các buổi lễ của ngành như Macchabée (lễ tri ân những người hiến thân thể cho y học).
Hoàng Huy cho rằng việc trở thành thủ khoa chỉ là dấu mốc đáng nhớ của chặng đường đã qua và chặng đường tương lai vẫn cần sự nỗ lực và phấn đấu hơn rất nhiều. Sau khi tốt nghiệp cử nhân, chàng thủ khoa sẽ tiếp tục theo học nội trú để trở thành một bác sĩ nội khoa giỏi.
Ngoài Huỳnh Hoàng Huy là thủ khoa đầu ra năm 2023 ở Khoa Y và toàn trường, Trường Đại học Y Dược TPHCM còn có Nguyễn Thị Diễm Mi, thủ khoa Khoa Răng Hàm Mặt (ngành Kỹ thuật Phục hình răng) xếp loại tốt nghiệp xuất sắc. Hằng năm, Trường Đại học Y Dược TPHCM có hàng nghìn sinh viên tốt nghiệp nhưng số người đạt loại xuất sắc rất hiếm.