Áp lực con gầy, con béo …

GD&TĐ - “Bé nặng bao nhiêu cân” là câu cửa miệng mà những bà mẹ có con tuổi mẫu giáo hay hỏi nhau như là một chỉ số để kiểm định trình độ nuôi con. Con gầy, thấp bé thì mẹ xót xa, xấu hổ, thiếu tự tin và cảm thấy thua thiệt mọi đường… Thế nhưng, nếu con thừa cân, béo phì thì không ai khác người mẹ lại lao vào cuộc chiến gian khổ để giảm cân cho con…

Áp lực con gầy, con béo …

Xấu mặt vì con gầy

Cứ mỗi lần nghe ai hỏi “Bạn Cốm được bao nhiêu cân?” là chị Thúy Minh (Khu tập thể Trường ĐH Kinh tế quốc dân - Hà Nội) lại chột dạ. Rồi từ câu hỏi đó dẫn đến câu trả lời dài dòng kèm theo một chuỗi thanh minh mà chị phải “đính kèm” khiến chị chán ngán.

Mỗi lần xem ti vi thấy các hình ảnh quảng cáo sữa toàn là các cô cậu bé mũm mĩm thông minh, xinh xắn khôi ngô tươi cười và tung tăng nô đùa là mẹ chồng chị lại chép miệng. Cái câu “sao trẻ con nhà khác… mà trẻ con nhà này…” mà mẹ chồng hay nói, hay chê khiến chị Minh nhiều khi ấm ức trào nước mắt. Tham khảo tứ tung, ai nói sữa nào tốt, chị đều săn lùng cho bằng được.

Tiền sữa nhập ngoại chị mua cho con hàng tháng gần hết cả tiền lương cơ bản của chị. Rồi tiếng là thuê người giúp việc nhưng việc nấu nướng chuẩn bị các bữa ăn cho con bé, chị cũng tự khuya sớm công phu chuẩn bị. Thế mà con bé còi vẫn hoàn còi. Nhìn con nhanh nhẹn, khỏe mạnh, nói năng lưu loát nhưng bé con con mà lúc nào chị cũng cảm giác là kẻ tội đồ.

“Nếu không cho con ăn đủ những thứ được cho là bổ dưỡng thì lương tâm người mẹ bị giày vò. Nuôi con mà có bao nhiêu người cùng chỉ đạo, góp ý đủ điều khiến vợ chồng cãi nhau.

Ai chưa từng có con còi ở Việt Nam, thì chưa hiểu được cái bệnh nhiệt tình đánh giá, nhiệt tình chê của người xung quanh đâu…” - chị Huyền Trang (Nhà hát Múa rối Trung ương,) có chung cảnh ngộ “con còi” bật ra một tràng khi bị chạm vào đúng tâm trạng bức xúc.

Cần chăm sóc con hợp lý, khoa học

Chia sẻ về chủ đề nhạy cảm này, nhà báo Thu Hà (báo Sinh viên Việt Nam) bày tỏ quan điểm: Người mẹ nào cũng muốn con có tương lai sáng lạn, nhưng chúng ta cần bình tĩnh hơn.

Chị Thu Hà, một người mẹ đã từng khổ sở khi nuôi con còi và đã vượt qua được chặng đường đầy cam go đó để bình tâm giúp con phát triển toàn diện đồng thời trở thành chuyên gia tư vấn, tác giả của cuốn sách “Con nghĩ đi, mẹ không biết!” được bạn đọc yêu thích.

Chị Thu Hà phân tích: Sự thiên lệch trong cái nhìn về sức khỏe đứa trẻ tai hại ở chỗ, một số bé có cân nặng và chiều cao tốt, thế là gia đình chủ quan, không chú ý tới những vấn đề về tâm lý và vận động, như tự kỷ, tăng động, chậm nói, cư xử lệch chuẩn, tính tình khó chịu... Và vô tình bỏ lỡ mất thời kỳ vàng để can thiệp sớm mới hiệu quả.

Bé Xu, cô con gái thứ hai của chị Thu Hà từng rớt hạng suy dinh dưỡng kênh B, thể thấp còi, lúc 8 tháng Xu chỉ nặng 5,9 kg. Bây giờ Xu vẫn còn gầy, nhưng đã đạt sức khỏe kênh A trong một lớp tiểu học có tới gần 2/3 bạn bị thừa cân và béo phì. Nhờ thái độ điềm tĩnh và chế độ chăm sóc khoa học, hợp lý của một người mẹ hiểu biết, bây giờ Xu đã nhảy cao, nhảy xa, chạy nhanh gần nhất lớp và được vào đội tuyển điền kinh của quận.

Trong khi các mẹ có con còi tìm cách vỗ béo cho con thì các mẹ có con mũm mĩm lại khốn khổ tìm mọi cách cấm đoán “bóp mồm bóp miệng” hạn chế sự ăn uống của con. Thật không có cái khổ nào giống cái khổ nào!

Theo số liệu điều tra mà Hội Dinh dưỡng Quốc gia công bố vào năm 2015, tỷ lệ thừa cân - béo phì ở khu vực thành thị là 21,1% và ở nông thôn là 7,6%. Tại Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng… số lượng trẻ suy dinh dưỡng nhẹ cân ước tính khoảng 100 nghìn trẻ, nhưng trẻ thừa cân béo phì cũng đã xấp xỉ con số đó. Như vậy, trẻ thừa cân béo phì và trẻ suy dinh dưỡng ở các thành phố lớn đang gần như ngang nhau. Nguyên nhân thừa cân béo phì trẻ em đều liên quan đến vấn đề chế độ mất cân đối (ăn nhiều chất béo) và ít hoạt động thể lực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

“Góc phố Tết” của Trường Tiểu học Phú Thọ. Ảnh: MA

Cùng bạn nghèo đón Tết

GD&TĐ - Cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các trường học tại TPHCM tổ chức nhiều hoạt động vui xuân, giúp học sinh hiểu thêm về Tết cổ truyền.

Nhóm sinh viên đoạt giải Nhất trong lĩnh vực Khoa học giáo dục Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học.

Bản đồ cho học sinh khiếm thị

GD&TĐ - Học sinh khiếm thị có thể học lịch sử và địa lý qua bản đồ nổi, dễ dàng hình dung, nhận biết, xác định được các vị trí cần thiết để phục vụ học tập.