Áp lực cần có

GD&TĐ - Công khai kết quả đối sánh điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ là quyết định dũng cảm của người làm công tác quản lý giáo dục.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Năm 2020 là năm đầu tiên chúng ta chuyển từ Kỳ thi THPT quốc gia thành Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Điểm khác biệt đáng kể là độ khó của đề thi được điều chỉnh để phù hợp với điều kiện dạy học trong tình hình dịch bệnh, nội dung thi giới hạn theo chương trình đã tinh giản, thời gian thi rút ngắn… Đặc biệt, địa phương chịu trách nhiệm cao hơn; theo đó, UBND cấp tỉnh chủ trì tổ chức và chịu trách nhiệm về sự an toàn, nghiêm túc, chất lượng của kỳ thi.

Những điều chỉnh này, bên cạnh thực hiện Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực thi hành từ 1/7/2020, còn là tình thế bắt buộc trong bối cảnh học sinh vì dịch bệnh không thể học trực tiếp tại trường trong thời gian dài. Bảo đảm tính nghiêm túc, trung thực, kết quả thi chính xác, khách quan, tin cậy, nhiều giải pháp được đặt ra, trong đó có việc công bố đối sánh kết quả thi tốt nghiệp THPT với điểm trong học bạ. Giải pháp lần đầu tiên được đưa ra trong năm 2020 này nhằm đánh giá thực chất hơn chất lượng giáo dục phổ thông và tính trung thực trong tổ chức kỳ thi của địa phương.

Tối 27/7, lần thứ 2 kết quả đối sánh điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 với kết quả học bạ lớp 12 được Bộ GD&ĐT công bố, và lần này thông tin chi tiết hơn rất nhiều. Năm 2020, kết quả đối sánh có 1 bảng duy nhất so sánh điểm trung bình 9 môn thi tốt nghiệp THPT 2020 với điểm trung bình học bạ lớp 12 của 9 môn học tương ứng. Tuy nhiên, năm nay thông tin được công bố chi tiết đến từng môn thi. Toàn bộ mức độ chênh lệch giữa điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm trung bình học bạ lớp 12 của từng môn thi, tại từng địa phương được công khai, minh bạch.

Việc công bố kết quả đối sánh điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ được đồng tình cao cả về mặt khoa học giáo dục cũng như ý nghĩa trong thực tiễn. Công bố này cung cấp thông tin về mức độ phù hợp giữa kết quả đánh giá qua bài thi tốt nghiệp THPT và kết quả đánh giá quá trình trong nhà trường. Trường hợp lý tưởng là kết quả đánh giá tương đồng hoặc chênh lệch thấp. Điểm đối sánh chênh nhau nhiều cho thấy sự thiếu tương đồng giữa đánh giá quá trình và đánh giá kết thúc; từ đó cần khảo sát thêm cho rõ nguyên nhân để có điều chỉnh phù hợp.

Ngoài ra, độ chênh của địa phương nào đó lớn so với trung bình cả nước, địa phương đó cần tìm hiểu để tiếp tục điều chỉnh quá trình dạy học, nâng cao hơn nữa chất lượng và đánh giá trong nhà trường cho sát với yêu cầu. Kết quả đối sánh đồng thời cung cấp thông tin cho các cơ sở giáo dục đại học có xét tuyển dựa trên kết quả học bạ để quyết định phù hợp, bảo đảm công bằng, khách quan, chất lượng hơn.

Ở một khía cạnh khác, công khai, minh bạch con số này sẽ tạo áp lực cho ngành Giáo dục các địa phương. Nhưng đó là áp lực nên có, cần có để xã hội có thể giám sát và các nhà trường, địa phương liên tục điều chỉnh nhằm nâng cao chất lượng, thực hiện học thật, thi thật. Mặc dù vậy, chúng ta, trong đó có các kênh truyền thông, nên tiếp cận bảng đối sánh này như một kênh tham khảo tin cậy; không nên chỉ dựa vào kết quả này để đưa ra kết luận vội vàng về giáo dục một địa phương nào đó khi chưa đủ căn cứ toàn diện, xác đáng, khoa học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ