1. Học cách yêu bản thân mình trước khi yêu thương người khác
Trang Tử từng dạy: “Con người ta phải tu dưỡng đạo đức, lập được thân rồi mới có thể giúp đỡ được người khác".
Cổ nhân cũng có câu "Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ", con người trước hết phải tu được thân, sau đó mới có thể nghĩ đến làm chủ một gia đình, rồi đến quốc gia và thiên hạ. Tu thân là gốc rễ của một con người, mà muốn tu được thân trước hết phải biết trân trọng chính bản thân mình đã.
Đúng vậy, chỉ khi bạn tự bồi dưỡng bản thân thành một người tốt, sống trung thực với chính mình thì mới có thể trung thực với người khác được. Bản thân bạn có thấy hạnh phúc với con người bên trong của mình thì bạn mới có thể có được hạnh phúc lâu dài với bất kì ai đó.
Phải tạo ra sự ổn định trong cuộc sống của mình trước rồi mới nghĩ tới chuyện chia sẻ cuộc sống đó với người khác. Yêu lấy những gì mình đang có, những thứ mình đạt được thì bạn sẽ dễ cảm thông và tôn trọng những thứ mà người khác có.
2. Mọi việc ở đời nên thuận theo lẽ tự nhiên, đừng gò ép miễn cưỡng
Người thông minh luôn biết cách đối mặt với khó khăn, dù có gặp trở ngại gì thì họ cũng không dễ gì dao động. Kể cả là đối diện với thiên tai không cách nào giải quyết thì họ cũng vui vẻ chấp nhận thiên mệnh.
Trang Tử chẳng đã nói: "Mọi suy nghĩ đều nằm trong tâm mình, vui sầu là không thể tránh khỏi, chi bằng chọn vui vẻ để sống". Hay lại có câu chuyện "Ông Tái mất ngựa, sao biết được đó là họa hay phúc".
Vậy mới nói, ở đời buồn vui là lẽ tự nhiên, thay vì gò ép mình phải luôn vui hay luôn phải vượt qua được tất cả khó khăn thì nên học cách đối mặt với chúng, làm sao để tâm mình thanh thản nhất, thì cuộc sống mới thoải mái được. Chẳng thế mà ngày nay thế hệ trẻ lại có câu "Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến" ấy sao.
3. Không nên đi phân định rạch ròi đúng, sai, mọi thứ chỉ là tương đối
Thế giới vô cùng rộng lớn, mỗi người đều là một bản thể riêng biệt, có lập trường, cách nhìn nhận và suy nghĩ với một vấn đề riêng. Mọi thứ đều là tương đối, ngay cả không gian và thời gian vậy thì không có lẽ gì bạn lại phải cố cãi lý lẽ theo ý riêng mình.
Chẳng phải Trang Tử cũng nói: "Đừng trách đúng hay sai, nó vốn dĩ là chuyện hiển nhiên ở đời".
Thay vì đi rạch ròi đúng sai, chúng ta nên học cách lắng nghe ý kiến của những người khác. Biết đặt mình vào người khác để xem xét, thử nhìn sự vật ở một góc nhìn khác đó mới là người trưởng thành.
4. Phải biết lượng sức mình, có năng lực mới làm được việc lớn
Cổ nhân đã dạy: "Châu chấu đá xe, không biết tự lượng sức mình". Cái chân bé tí của châu chấu mà đá vào bánh xe to thì chỉ có gãy chân. Chỉ vì nó hiếu thắng, không hiểu biết nên đã nhận về kết quả thảm hại cho bản thân.
Con người cũng thế, những kẻ hiếu thắng, cao ngạo việc gì cũng cho là mình biết hết thì chẳng bao giờ có kết quả tốt đẹp. Thế giới có hơn 7 tỉ người, bạn chỉ là một hạt cát giữa sa mạc mênh mông. Bạn có thể góp phần khiến sa mạc rộng lớn hơn nhưng bạn không thể là cả một sa mạc. Mỗi người sống đều có sứ mệnh của mình nhưng đừng quan trọng hóa bản thân là cái rốn của vũ trụ.
Ai cũng có ưu điểm, nhược điểm vì thế cần phải biết lượng sức mình, biết khả năng mình đến đâu trước khi làm một việc gì đó thì mới có thể thành công được. Việc đánh giá quá cao hay quá thấp mình đều không tốt, dẫn dễ dẫn đến thất bại hoặc bị bỏ qua cơ hội.
5. Tâm phải luôn sáng mới không sợ lạc đường
Cuối cùng nhưng cũng là quan trọng nhất, điều khiến bạn trở thành một con người đáng được tôn trọng chính là cái Tâm. Trang tử từng nói: "Để cho tâm hồn trống rỗng, ta có thể cảm nhận được hư vô, đưa ta vào trạng thái im lặng, lòng ta trở nên thanh thản".
Con người luôn có những suy nghĩ phức tạp, điều đó khiến trong lòng bạn lúc nào cũng nặng nề, cũng có những điều phải nghĩ ngợi, đó là khi tâm không thanh thản. Mọi điều trong cuộc sống chúng ta có thể dùng tai để nghe, dùng mắt để nhìn nhưng buộc phải dùng tâm để cảm nhận. Nếu cứ vướng bận mọi thứ thì thâm tâm ta sẽ mệt mỏi biết bao?
Cần kiểm soát ham muốn của chính mình mới có thể thể thoát khỏi được những vướng bận, bụi bặm, mới khiến nội tâm trở lên trong sáng, ít mắc sai lầm. Cuộc sống giống như một hồ nước sâu muốn thông thái sáng tỏ thì phải giữ cho tâm hồn luôn vô tư tĩnh lặng.