Ao ước được sống đúng là mình

Ao ước được sống đúng là mình

“Làm nhà thơ cũng đủ lắm rồi”

Nét đặc sắc trong thơ Hoàng Trung Thông thường chân mộc, rất hiếm tìm thấy trong thơ ông những liên tưởng đặc sắc. Cái đẹp mang tính lý tưởng của mẫu nhân vật mới chính là sức chiếm lĩnh bạn đọc một thời của thơ ông. Hoàng Trung Thông trước sau vẫn là nhà thơ của đời thường cơm áo, của những thân phận "thấp cổ bé họng" trong xã hội. Ông lắng nhìn, cảm nghe và cảm thông với từng tiếng thở dài của họ. Chỉ có nhất mực yêu thương con người, lấy con người làm "chuẩn" cho thơ ca, tác giả mới có thể viết nên những câu ngậm ngùi cảm thương đến vậy. Trong bài "Quét lá", nhà thơ ghi lại hình ảnh một bà đi quét lá sấu rụng. Bà đi xiên xẹo, vì bị lá to hơn người, chốc chốc lại phải ngồi nghỉ. Và nhà thơ kết luận: "Ôi tôi ngồi làm thơ/ Sấu chín nhìn vui sướng/ Có biết ai mong chờ/ Lá sấu vàng rụng xuống". Một sự cảm thức chỉ có ở người giàu lòng trắc ẩn và luôn biết tự vấn lương tâm.

Với đồng nghiệp và các bậc đàn em, những người yêu mến Hoàng Trung Thông nhớ tới ông là nhớ tới một nhà thơ nổi tiếng cương trực, người mà thời còn làm Viện trưởng Viện Văn học đã thẳng thừng từ chối việc chuẩn bị hồ sơ để được phong hàm giáo sư với lý do "làm một nhà thơ là đủ lắm rồi". Ông cũng là người chủ động viết đơn xin nghỉ hưu trước khi có ý kiến của cấp trên - một chuyện hiếm gặp trong giới công chức nước ta. Ông từng đảm nhiệm nhiều các chức vụ rất quan trọng: Giám đốc NXB Văn học, Vụ trưởng Vụ Văn nghệ Ban Tuyên huấn, Viện trưởng Viện Văn học... Nhưng dường như chỉ khi đã đối diện với chén rượu, câu thơ, Hoàng Trung Thông mới hoàn toàn trút bỏ chiếc áo của ông “quan” văn nghệ.

Ao ước được sống đúng là mình ảnh 1
Nhà thơ Hoàng Trung Thông

Chỉ có rượu và thơ

"Tôi muốn uống rượu trong/ Lại phải uống rượu đục/ Chao! Sông cũng như người/ Có khúc và có lúc" (Tứ tuyệt), hay "Nâng chén thưởng trăng, trăng tỏ/ Ai rõ lòng ta đang nhớ tới xa xăm/ Ai rõ trăng vẫn soi lòng ta như thế đó/ Thế rồi ta cất chén cùng tri âm/ Không phải chén quỳnh đâu đừng trầm ngâm/ Một mình ta mời trăng mời bạn/ Trăng biết đâu lòng ta lệ đầm" (Mời trăng). Rất nhiều tâm sự, ký gửi trong những câu thơ "lệ đầm" ấy.

Nhà văn Phong Thu từng kể: Một lần, ông và người bạn cùng trang lứa được thi nhân họ Hoàng đãi rượu ở một tửu quán trên phố Bà Triệu. Khi nâng cốc, anh bạn lên tiếng: "Xin chúc Thủ trưởng". Hoàng Trung Thông nghe vậy thì ngồi yên, giọng lạnh tanh hỏi: "Cậu chúc gì ai đấy?". Anh bạn vội giải thích: "Chúc anh". Hoàng Trung Thông vẫn ngồi im. Phải đến vài giây trong tư thế ấy, ông nhìn chằm chằm vào người vừa buông ra lời chúc, cười nhạt bảo: "Thơ - không có thủ trưởng. Uống đi!". Từ lâu, văn giới vẫn lưu truyền cặp câu đối ông viết tặng nhạc sĩ Đỗ Nhuận trong một cuộc rượu: "Cậu tỉnh, cứ tình ca, chắc chẳng lang bang đấy chứ/ Mình say thường chếnh choáng, đã từng quỵ lụy ai đâu". Đúng là Hoàng Trung Thông sống trung thực, ngay thẳng, như chính cái tên của mình.

Dường như khi ông đảm nhiệm những chức vụ quan trọng, buồn với thời cuộc, phận người nhỏ bé của mình không thể “vỡ đất” nên Hoàng Trung Thông đã triền miên những cơn say. Thương chồng, hiểu chồng, bà Hồ Thị Hoa người vợ hiền yêu quý của nhà thơ Hoàng Trung Thông, biết ông hay rượu, trong nhà bao giờ bà  cũng chăm chút ngâm trữ nhiều loại rượu ngon để chiều chồng và đãi bạn của chồng. Kèm với rượu ngon là những thứ đồ giã rượu phòng khi chồng say. Nhưng khốn nỗi, Hoàng Trung Thông lại không thèm rượu ở nhà. Ông thèm đến nơi đông vui, đến nơi có bạn hữu thì thứ men say kia mới đủ sức quyến rũ làm cho ông thăng hoa. Ngót những năm dài, rượu đã trở thành gánh nặng cho vợ con ông, và trước tiên là bản thân ông. Nhiều khi ông không còn giữ được phong độ của mình, làm cho căn bệnh huyết áp  thêm trầm trọng.

Khi còn đang là Viện trưởng Viện Văn học, ông hay uống rượu ở 91 Bà Triệu (Hà Nội). Bạn bè và nhân viên cũ của ông kể lại: Mỗi buổi sáng, ông thường đi sớm tạt qua đây uống rượu và trò chuyện với bè bạn trước khi đến cơ quan. Buổi chiều đã thấy ông ở đó. Hoàng Trung Thông có thói quen uống rượu từ từ chậm rãi, dường như mượn rượu để trò chuyện nhiều hơn là uống rượu. Rất khác với một nhà văn cũng nổi tiếng về rượu là Tô Hoài. Tô Hoài vào quán lặng lẽ kín đáo. Ngồi uống rượu hồi ấy Tô Hoài ít nói chuyện. Mà có lẽ không có thời giờ để nói chuyện. Vì vào quán Tô Hoài gọi một vài chén vại, mỗi chén làm một hơi là ra đi. Nhà thơ Hoàng Cát kể: Nhân một lần gặp ông hồi tháng 8/1992: "So với những thi sĩ cao niên khác trong làng văn thì nhà thơ Hoàng Trung Thông có hình thể già lão và suy yếu hơn tuổi tác rất nhiều. Râu tóc ông đều bạc trắng như tuyết từ nhiều năm nay. Có người cho rằng vì ông uống nhiều rượu. Nhưng theo tôi hiểu, nếu có tại cái đó, thì cũng chỉ là một phần - thậm chí là một phần rất nhỏ và là rất bề ngoài của con người và của tâm hồn thi sĩ ấy mà thôi. Mà cái chính là do bầu tâm sự về nhân tình thế thái trong sâu kín trái tim nhà thơ".

Những năm cuối đời, nhìn người bơm xe, người uống rượu, nhớ bạn, Hoàng Trung Thông chạnh lòng, nghĩ suy đời người không bằng cái lốp xe, có thể bơm được. Trước trăng uống rượu, ông viết tặng Xuân Diệu và giãi bày mối sầu nhân tình thế thái, khao khát tri âm: Một mình ta mời trăng mời bạn/ Trăng biết đâu lòng ta lệ đầm/ Bạn uống rượu lòng ta không thể chán/ Ta thương ta, thương người xa, thương thầm...

Sinh ra tại làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. từ năm 23 tuổi, Hoàng Trung Thông đã nổi tiếng với bài thơ "Bài ca vỡ đất" (năm 1948): “Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Ông từng nghiên cứu và có những bài viết sâu sắc về thơ Đỗ Phủ, dịch và giới thiệu thơ Haine, thơ Pushkin, thơ Mayakovsky... Mặc dù rất bận với công việc quản lý, ông cũng có tới 9 tập thơ:  Quê hương chiến đấu (1955), Đường chúng ta đi (1960), Những cánh buồm (1964), Đầu sóng (1968), Trong gió lửa (1971), Như đi trong mơ (1977), Hương mùa thơ (1984), Tiếng thơ không dứt (1989), Mời trăng (1992). Ngoài thơ, ông còn viết văn xuôi và phê bình, tiểu luận: Chặng đường mới của văn học chúng ta (1961), Cuộc sống thơ và thơ cuộc sống (1979), Những người thân những người bạn (2008). Nhân dịp 20 năm ngày mất của nhà thơ (1993-2013), ngày 20/4/2013 – Viện Văn học đã tổ chức Hội thảo thơ Hoàng Trung Thông, để tưởng nhớ nhà thơ và đánh giá những đóng góp của ông đối với nền văn học nước nhà. Bài viết sau đây của tác giả Trần Minh Tuấn là một sự sẻ chia, tri ân và tưởng nhớ đối với tác giả của “Bài ca vỡ đất”.

Trần Minh Tuấn

* Hoàng Trung Thông (1925 – 1993)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ