Anh: Tỷ lệ sinh viên tự sát cao ở mức kỷ lục

GD&TĐ - Theo một nghiên cứu, ngày càng có nhiều sinh viên Anh mắc phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Nghiên cứu này cũng cho thấy số sinh viên tự sát đang ở mức kỷ lục trong những năm gần đây.  

Một sinh viên Anh trong thư viện
Một sinh viên Anh trong thư viện

Quy mô cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần tại các trường đại học của Anh được một nghiên cứu của tổ chức IPPR đưa ra. Nó cho thấy số sinh viên tiết lộ các vấn đề về sức khỏe tâm thần trong năm đầu tiên đã tăng gấp 5 lần, đạt con số 15.395 người chỉ trong một thập kỷ.

Những phân tích cũng cho thấy, năm 2015, số sinh viên tự sát cao ở mức kỷ lục là 134 người, cũng trong năm này, số sinh viên bị các vấn đề về sức khỏe tâm thần phải bỏ học cũng ở mức cao nhất.

Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân của tình trạng trên là do áp lực mà sinh viên phải chịu. Khi mới vào trường đại học, họ lo lắng không biết mình sẽ được nhận loại bằng gì, sau đó là việc sẽ tốt nghiệp với một khoản nợ lớn.

Phát ngôn viên Mark Salter của Tổ chức Royal College of Psychiatrists cho rằng đây là mức “báo động” khi số sinh viên tự sát đã cao gần gấp đôi so với thập kỷ trước.

“Chúng tôi biết rằng chính phủ cần làm nhiều hơn để ngăn mọi người không bị áp lực tới mức phải kết liễu đời mình. Việc tự sát có thể ngăn chặn được… Nếu không có các nguồn tài chính, chúng ta sẽ không thể giảm được tình trạng tự sát ở Anh” – ông Mark Salter nói.

Nghiên cứu cấp cao Crag Thorley của IPPR cho rằng việc học hành của những sinh viên đang có nguy cơ bị gián đoạn. “Các trường phải sẵn sàng hỗ trợ những sinh viên này. Tuy nhiên, mức độ hỗ trợ này hiện rất khác nhau và nhiều dịch vụ ở các trường đang bị quá tải”.

Bản báo cáo trên kêu gọi các trường đại học phải đảm bảo dịch vụ tư vấn của mình có liên kết chặt chẽ với các phòng khám và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần địa phương.

Một nghiên cứu mới khác còn cho biết trong năm học 2015-2016, sinh viên nữ năm thứ nhất thường dễ thể hiện vấn đề về sức khỏe tâm thần hơn so với các bạn nam, tuy rằng 4 năm trước, mức độ này ở 2 giới đều bằng nhau.

Phó hiệu trưởng Đại học Buckingham, ông Anthony Seldon, cho biết kết quả cuộc nghiên cứu rất “gây sốc” và nên coi đây là điều làm thức tỉnh các trường đại học để họ quan tâm tới lĩnh vực này hơn.

Theo ông Anthony Seldon, “Một số phó hiệu trưởng vẫn nghĩ rằng chăm sóc sức khỏe tâm thần không phải là việc của nhà trường và nó chỉ là vấn đề phát triển của trí óc, tuy nhiên, sự phát triển trí óc sẽ không có nghĩa lý gì nếu trường không giúp mọi người biết cách xử lý và sẵn sàng học tập”.

Theo The Guardian

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ