Anh: Sinh viên đòi hoàn học phí

GD&TĐ - Sinh viên Anh đang đối mặt với năm thứ 3 liên tiếp học trực tuyến vì hầu hết các cơ sở giáo dục chưa có kế hoạch tổ chức dạy trực tiếp năm học 2021 - 2022.

Sinh viên Anh phản đối học trực tuyến.
Sinh viên Anh phản đối học trực tuyến.

Điều này khiến sinh viên khắp cả nước cảm thấy bất bình. Các em yêu cầu được hoàn trả ít nhất một phần học phí nếu vẫn phải học trực tuyến.

Văn phòng Sinh viên cho biết, ban lãnh đạo các trường đại học đã rất thất vọng khi chính phủ thiếu quan tâm đến lĩnh vực đại học. Dù năm học mới dự kiến bắt đầu từ tháng 9/2021, chính phủ vẫn chưa công bố hướng dẫn phòng, chống dịch trong khuôn viên trường. Sự chậm trễ khiến các trường phải tự phác thảo kế hoạch. Trong khi sinh viên nhận được những thông tin thiếu rõ ràng, gây bối rối.

Khoảng 17 trường đại học tại Anh đã thành lập hai kịch bản chính cho năm học mới. Đầu tiên, nhiều trường quyết định chấm dứt gần như hoàn toàn các quy định giãn cách xã hội để tái mở cửa bình thường.

Tuy nhiên, phần đông chọn mở cửa nhưng sinh viên, nhân viên trường phải giữ khoảng cách 1m, giảm công suất hoạt động. Trường sẽ chỉ mở lại 1/4 các lớp học và hội thảo nghiên cứu. Kế hoạch kết hợp này phụ thuộc vào quy định giãn cách xã hội của Bộ Y tế và tốc độ tiêm vắc-xin liều thứ 2 cho thanh thiếu niên.

Rhian Shillabeer, sinh viên ngành Chính trị học, Trường Đại học Kent cho biết: “Thật không công bằng nếu tôi phải trả hơn 9.000 bảng (khoảng 280 triệu đồng) một năm chỉ để học trên Youtube. Các trường đại học nên ưu tiên mở lại lớp học”.

Ban lãnh đạo nhóm các trường đại học Russell đã yêu cầu chính phủ tăng cường hỗ trợ cơ sở giáo dục đại học tổ chức tiêm chủng vào đầu học kỳ mùa thu. Điều này có thể giúp ngăn chặn các đợt bùng phát dịch trong khuôn viên trường, thúc đẩy quá trình mở lại hoàn toàn các lớp học.

Ông Charlie Jeffrey, Hiệu phó Trường Đại học York, cho biết: “Tiêm chủng cần phải được ưu tiên hàng đầu. Đây là điều kiện tiên quyết để đưa các trường đại học vào trạng thái bình thường mới.

Tôi muốn chính phủ quan tâm hơn nữa đến sinh viên, khi các em phải đối mặt với nhiều âu lo, căng thẳng từ lần đầu tiên đất nước phong tỏa. Sinh viên đang rất không hài lòng trước những phản ứng của chính phủ”.

Ông David Gordon, Tổng thư ký Hội Sinh viên Trường Kinh tế London, dự đoán nếu sinh viên phải học trực tuyến phần lớn thời gian của năm học 2021 - 2022, các em sẽ kịch liệt yêu cầu hoàn trả học phí.

“Tôi nghĩ sinh viên thích học trực tuyến. Nhưng nếu các em bị cấm đến trường, không thể tương tác với giảng viên, bạn bè, các em sẽ cảm thấy không hài lòng với chất lượng đào tạo”, ông Gordon cho biết.

Sinh viên Anh đã nhiều lần kêu gọi hoàn trả học phí hoặc hoàn trả một phần khoản nợ học phí khi chất lượng giáo dục trực tuyến được đánh giá không hiệu quả như giáo dục trực tiếp. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá yêu cầu này không công bằng với sinh viên quốc tế vì nhóm này vẫn trả học phí, thậm chí cao hơn. Sinh viên quốc tế cũng không được vay vốn và mất tiền thuê nhà, sinh hoạt phí khác.

Trong đợt kiến nghị này, sinh viên đã yêu cầu hoàn trả học phí trước khi năm học 2021 - 2022 bắt đầu. Nguyên nhân đến từ việc vấn đề học phí của năm học vừa qua chưa được giải quyết ổn thoả trong khi năm học mới có nguy cơ đi vào vết xe đổ. Sinh viên được khuyến khích làm việc với các trường đại học trước khi tìm phương án khác.

Theo The Guardian

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.