Nha Trang: Tan hoang chưa từng thấy trong hơn 20 năm
Khoảng 5h30 sáng 4/11, bão số 12 kèm theo mưa lớn, gió giật mạnh với sức gió trên 100km đã đổ bộ vào Nha Trang. Cơn bão khiến Nha Trang có mưa to, gió lớn, cây cối đổ la liệt, khắp nơi chỉ thấy tôn bay, sắt gãy ngổn ngang, một số người đi xe máy còn bị gió thổi ra đường khi đang lưu thông theo hướng từ Vạn Ninh đi Khánh Hòa, khu vực đường Nguyễn Thiện Thuật - Tp Nha Trang.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bão số 12 đổ bộ vào sáng 4/11 đã làm đường dây tại khu vực Khánh Hòa thuộc lưới điện 220kV, 500kV bị sự cố; do đó, tại Khánh Hòa, trừ TP.Cam Ranh, toàn bộ tỉnh Khánh Hoà mất điện.
Ông Lê Hồng Sơn, Phó giám đốc Chi nhánh vận tải đường sắt Nha Trang cho biết, có 6 chuyến tàu với khoảng 1.500 hành khách đang kẹt lại ở các toa đoạn từ Tháp Chàm (Ninh Thuận) đến Tam Quan (Bình Định). Hiện hành khách được ngành bố trí lương thực miễn phí; đồng thời ngành đường sắt đang tích cực thông tuyến ở 6-7 điểm trên đoạn đường này vì sạt lở, vật cản.
Bão số 12 đổ bộ vào tỉnh Khánh Hòa đã sập nhiều biển bảng, đè bẹp nhiều ô tô, làm sập, hư hỏng, tốc nái hơn 16.000 ngôi nhà, một con số thiệt hại do bão lớn nhất chưa từng xảy ra tại tỉnh này. Bên cạnh đó, nhiều ngôi nhà nổi bị bão phá hư hỏng toàn bộ trôi dạt trên bờ biển.
Theo UBND huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa) - nơi thiệt hại nặng nhất, ước tính tổng thiệt hại hàng trăm tỉ đồng: tính đến 16 giờ ngày 4/11 đã có 108 người bị chết, thương tích và mất tích; ước tính 25.000 nhà tốc mái, 100 căn nhà sập, 1.900 ha lúa hoa màu hư hại, 12.000 bè lồng bị đánh tan.
Quốc lộ 26 bị sụt trượt tại KM 30+500 tại địa bàn Khánh Hòa, trên Quốc lộ 1A tại vị trí KM 1474+600 bị mái che của nhà dân chắn ngang đường gây ách tắc một chiều. Ông Tạ Thanh Tình, chi cục trưởng Chi cục Đường bộ 3.3, Cục Quản lý đường bộ 3, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết đang tập trung nhân lực khắc phục hậu quả sạt lở; khối lượng sạt lở tương đối lớn, gây ách tắc giao thông hoàn toàn. "Thiệt hại là rất lớn, đơn vị chưa thống kê hết được"- ông Tình nói.
Khoảng 10h15 trưa 4/11, sau nhiều giờ tàn phá, cơn bão 12 đã tan nhưng theo người dân thành phố Nha Trang, Khánh Hòa, bão số 12 đã tàn phá khủng khiếp để lại sự tan hoang chưa từng thấy từ 20 năm nay.
Tính đến chiều tối 4/11, biển Nha Trang vẫn có sóng lớn, nhiều cơn sóng dâng cao đến 2m đánh vào bờ.
Bình Định: 7 tàu hàng bị chìm, đang nỗ lực tìm kiếm 12 thuyền viên mất tích
Tính đến chiều 4/11, Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn thống kê đã có 7 tàu hàng bị chìm trên vùng biển Quy Nhơn, trong đó có các tàu: Biển Bắc 16, Hoa Mai 68, Jupiter, Nam Khánh 26, Long Sơn 08, Hà Trung 98 (còn 1 tàu chưa xác định). Các lực lượng chức năng đã cứu được 68 thuyền viên.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu thông tin, hiện lực lượng cứu hộ đã cứu được 71 thuyền viên trong vụ chìm tàu hàng trên biển Quy Nhơn, nhưng vẫn còn 12 thuyền viên chưa được tìm thấy.
Lực lượng chức tỉnh Bình Định đang nỗ lực tiếp cận hiện trường tìm kiếm các thuyền viên này. Tuy nhiên, công tác tìm kiếm gặp nhiều khó khăn bởi vào thời điển này, tại tỉnh mưa vẫn rất to, vùng biển có sóng lớn. Tỉnh cũng đã huy động 90 chiến sĩ bộ đội biên phòng tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn cùng nhiều tàu lớn để tìm kiếm.
Gia Lai: Hàng chục nhà dân bị sập, ít nhất 50 nhà bị tốc mái
Do ảnh hưởng của cơn bão số 12, trong nhiều giờ qua, khu vực tỉnh Gia Lai có mưa nhiều nơi, khiến lượng mưa phổ biến tăng từ 10 - 20.0mm, riêng ở An khê đạt 59mm; mực nước trên các sông, suối phổ biến có dao động với biên độ từ 0.20 – 0.50m.
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, từ ngày 5/11, tỉnh Gia Lai chịu ảnh hưởng phía Bắc hoàn lưu cơn bão số 12 trên khu vực các tỉnh Nam Trung Bộ tiếp tục đi sâu vào đất liền, kết hợp rìa phía Nam lưỡi áp cao lạnh lục địa tăng cường, trời nhiều mây, có mưa nhiều nơi, lượng mưa dao động từ 15 - 30mm. Riêng khu vực phía Đông tỉnh có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 30 - 60mm.
Theo cảnh báo, mực nưới trên các sông suối lên nhanh, đề phòng ngật lụt ở vùng thấp và sạt lở đất ở các triền dốc. Mực nước trên các sông, suối phổ biến có dao động với biên độ từ 0.30-0.60m, theo xu thế tăng và ở mức cao; sông suối vừa và nhỏ thuộc vùng phía Đông có dao động với biên độ từ 0.40-0.80m; cá biệt có nơi xuất hiện lũ với biên độ từ 1.50-2.50m, có nơi lớn hơn 2.50m.
Theo báo cáo sơ bộ, toàn tỉnh Gia Lai có nhiều nhà bị sập và tốc mái, cây xanh ngã đổ, nước ngập ở một số nơi. Huyện Kông Chro bị thiệt hại nặng nhất với 9 căn nhà bị sập và khoảng 40 căn nhà bị tốc mái. Tiếp đến là xã Đất Bằng (huyện Krông Pa, Gia Lai) có 7 nhà dân bị tốc mái; xã Đê Ar (huyện Mang Yang) bị tốc mái trụ sở cũ. Nhiều cây xanh ở các tỉnh phía Đông và Đông Nam của tỉnh bị gãy đổ.