Anh đừng khen em

GD&TĐ - Bài thơ có hai đoạn, dài ngắn khác nhau. Toàn bộ đoạn thơ đầu, chiếm gần hai phần ba độ dài của bài, nhân vật em liệt kê một loạt những lời khen ngợi của người yêu dành cho mình.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Lần đầu khi mới làm quen

Anh khen cái nhìn em đẹp

Trời mưa òa cơn nắng đến

Anh khen đôi má em hồng

Gặp người tàn tật em khóc

Anh khen em nhạy cảm thông

Thấy em sợ sét né giông

Anh khen sao em hiền thế

Thấy em nâng niu con trẻ

Anh khen em thật dịu dàng

Khi hôn lên câu thơ hay

Ấp trang sách vào mái ngực

Em nghe tim mình thổn thức

Thương người làm thơ đã mất

Trái tim giờ ở nơi đâu

Khi đọc một cuộc đời buồn

Lòng em xót xa ấm ức

Anh khen em giầu cảm xúc

Và bao điều nữa... anh khen.

Em sợ lời khen của anh

Như sợ đêm về trời tối

Nhiều khi ngồi buồn một mình

Trách anh sao mà nông nổi

Hãy chỉ cho em cái kém

Để em nên người tốt lành

Hãy chỉ nơi anh cái xấu

Để em chăm chút đời anh

Anh ơi anh có biết không

Vì anh em buồn biết mấy

Tình yêu khắt khe thế đấy

Anh ơi anh đừng khen em.

Lâm Thị Mỹ Dạ

Lời bình của Đặng Toán

Bài thơ có hai đoạn, dài ngắn khác nhau. Toàn bộ đoạn thơ đầu, chiếm gần hai phần ba độ dài của bài, nhân vật em liệt kê một loạt những lời khen ngợi của người yêu dành cho mình: Anh khen cô có ánh nhìn (mắt) đẹp, có đôi má hồng; cô hiền hậu, dịu dàng; cô rất giàu cảm xúc và lòng trắc ẩn...

Người ta vẫn thường nói, con gái yêu bằng tai. Liệu có người thiếu nữ nào lại không xao xuyến, cảm động và sung sướng trước những lời có cánh như thế? Nhân vật cô gái xưng em trong bài thơ có lẽ cũng không ngoại lệ.

Vì nếu không cô đã chẳng mất thì giờ kể ra hàng loạt những ngợi khen và cũng chính là khoe ra những đức tính, phẩm chất tốt đẹp của mình, mà theo như người yêu cô thì, “còn bao điều nữa” ở cô cũng rất đáng được tụng ca.

Song sự thực lại không đúng như những gì mà có người đã suy đoán. Nhân vật em, mà ở đây có lẽ cũng chính là tác giả, đã cố ý dành khá nhiều “đất” cho việc liệt kê chẳng đặng đừng kia, không phải là không có mục đích.

Nếu cứ chiếu theo những gì mà người yêu cô khen tặng, thì nhân vật em quả là một con người quá ư hoàn hảo. Điều đó liệu có thực tế không? Có thể chấp nhận được không? Chắc là không. Bởi, nhân vô thập toàn mà.

Có lẽ vậy, nên ngay câu đầu tiên của đoạn thơ thứ hai, cô gái đã phải thú thật: “Em sợ lời khen của anh!”. Lời khen tặng mà anh dành cho, đã không còn khiến em thích thú như cái buổi đầu mình “làm quen” nữa.

Nó đơn điệu, nó hời hợt thậm chí nhàm chán như một điều hiển nhiên, kiểu cứ “đêm về” thì “trời sẽ tối”. Sự “nông nổi” của anh đã làm “em buồn biết mấy” anh có hay không? “Em” chẳng đòi hỏi điều gì to tát nơi anh. Nếu thực sự yêu nhau, hãy thực tế và sâu sắc hơn anh nhé.

Em cần anh “Chỉ cho em cái kém/Để em nên người tốt lành/Hãy chỉ nơi anh cái xấu/Để em chăm chút đời anh”. Bởi “Tình yêu khắt khe thế đấy”. Và thực sự nó phải như thế thì chúng mình mới có thể nắm tay nhau đi qua những ngọt ngào cũng như cay đắng của cuộc sống.

Tác giả đã thật tinh tế trong việc sử dụng kiểu thơ sáu chữ cho tác phẩm, nó thể hiện sự êm đềm, nhẹ nhàng song cũng rất gọn gàng, mạch lạc phù hợp với lối thơ tự sự giàu nữ tính.

Tuy có những dòng, câu chữ còn được dùng hơi dễ dãi: “Anh khen em nhạy cảm thông…/Hãy chỉ nơi anh cái xấu…”. Song với cách cấu tứ rõ ràng, dứt khoát, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã khá thành công khi đề cập đến một khía cạnh hay thường gặp trong tình yêu: Nhìn cuộc sống chỉ toàn thấy màu hồng.

Qua bài thơ, tác giả nhắn nhủ những đôi lứa đang yêu, đã yêu và sắp bước vào khu vườn tình yêu hãy biết nâng niu, trân trọng những điều tốt đẹp cũng như chấp nhận và hoàn thiện thêm những gì chưa được như ý của nhau, để tình yêu mãi tô đẹp cho cuộc đời này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện tranh là một thể loại văn học mạnh mẽ và hữu ích để phát triển khả năng hiểu cũng như phân tích văn học của học sinh. (Ảnh: ITN).

Trẻ đọc truyện tranh có tốt không?

GD&TĐ - Truyện tranh có một sức hấp dẫn khó cưỡng đối với trẻ em lẫn người lớn. Ngoài việc mang lại tiếng cười sảng khoái, giải tỏa căng thẳng...