Anh: Chính sách cưỡng bức thôi học gây phẫn nộ

GD&TĐ - Trong vòng 7 năm qua, Trường St Olave"s Grammar School, nằm ở Tây Nam London, âm thầm triển khai chính sách cưỡng bức buộc thôi học đối với những HS không đạt điểm cao trong các đợt kiểm tra đánh giá. Khi sự việc vỡ lở, đã gây nên làn sóng phẫn nộ trong dư luận.

Trường St Olave"s Grammar School vốn được đánh giá là một trong những trường công lập tốt nhất ở Anh
Trường St Olave"s Grammar School vốn được đánh giá là một trong những trường công lập tốt nhất ở Anh

Sự đồng lõa có hệ thống?

Cáo buộc đầu tiên nhằm vào Bộ Giáo dục Anh (DfE). Theo các nhà vận động, trước hết chính những tiêu chí ngày càng nghiêm ngặt trong bảng xếp hạng của DfE đã buộc các trường phải đưa ra các chính sách “hà khắc” và “không đáng tin cậy”. Tới nữa, DfE đã không tiến hành các bước trừng phạt hiệu trưởng Trường St Olave’s, bởi đây là người chịu trách nhiệm triển khai các chính sách phi pháp.

DfE cho biết vào năm 2017, họ đã thông báo cho các trường rằng các chính sách buộc HS thôi học như vậy là bất hợp pháp. Tuy nhiên, trên thực tế, chính sách này đã được đưa ra và giám sát tại St Olave"s Grammar School trong vòng hơn 7 năm, bởi cựu hiệu trưởng Aydin Onac. Mãi đến tận tháng 9 năm ngoái, khi một nhóm các phụ huynh đe dọa sẽ đưa vấn đề ra pháp lý, thì chính sách này mới được xem xét lại và ông Aydin Onac phải từ chức vào cuối năm 2017.

BBC dẫn nguồn tin cho biết, trường hợp của ông Onac hiện đã được chuyển đến bộ phận chức năng Cơ quan điều tiết giảng dạy (TRA) của DfE để xem xét. Thế nhưng theo ông Andrew Gebbett, người có hai con theo học tại St Olave"s, lẽ ra DfE phải thể hiện vai trò đứng đầu của mình từ trước đó.

Trước sự phẫn nộ của các phụ huynh, chuyên gia luật GD Anita Chopra nói rằng việc đơn vị tuyển dụng hay phụ huynh đề nghị xem xét các trường hợp như với ông Onac là điều hết sức bình thường. Theo bà Chopra, nếu TRA quyết định rằng trường hợp của ông Onac đáng phải bị điều tra, thì khi đó ông này có thể bị cấm dạy.

Các hướng dẫn chính thức cũng nói rằng đơn vị tuyển dụng ông Onac, trường hợp này là trường St Olave"s, có nghĩa vụ pháp lý bắt buộc phải trình lên TRA xem xét tất cả những cá nhân liên quan đến việc vi phạm nguyên tắc nghề nghiệp nghiêm trọng, thậm chí ngay cả khi người đó đã từ chức trước thời điểm họ bị sa thải (như trường hợp của ông Onac là chủ động từ chức vào cuối năm 2017, ngay sau khi sự việc vỡ lở). Hiện ban lãnh đạo St Olave"s cho biết họ đã xem xét việc gửi đơn kiến nghị, nhưng sau đó hủy vì thấy không thích hợp, với lý do thiếu bằng chứng. 

“Cuộc đời của những người trẻ tuổi bị hủy hoại”

Debbie Hills, một phụ huynh khác có con từng học ở đây, nói thêm: “Không ai trong số những người này bị gán trách nhiệm, tuy nhiên, cuộc đời của các em HS đã bị hủy hoại, bởi vì tất cả những người có chuyên môn và chức trách để bảo vệ các em lại chọn cách không làm gì cả”.

Trước khi về điều hành trường St Olave"s, ông Onac từng công tác tại Trường Fortismere ở Haringey, nơi ông bị phụ huynh chỉ trích vì cắt giảm dự phòng cho trẻ em cần nhu cầu GD đặc biệt. Báo cáo ủy thác của hội đồng trường cho biết, một nhóm các phụ huynh tại Fortismere đang trong quá trình chuẩn bị đề xuất can thiệp pháp lý với ông Onac, tuy nhiên ông ta rời đi trước khi họ có thể tiến hành các bước tiếp theo. Thế rồi, Onac đến St Olave"s làm hiệu trưởng.

Hầu hết các phụ huynh đều tin rằng St Olave"s chỉ là một phần nổi của tảng băng chìm và việc thực hiện chính sách buộc thôi học đối với HS không đạt thành tích theo yêu cầu đang phổ biến ở Anh. Thống kê cũng chỉ ra rằng năm 2017, hơn 22.000 HS đã bị đuổi ra khỏi các trường công lập, trước khi tham dự kỳ thi tốt nghiệp THCS. Phần lớn trong số các em được thống kê cho thấy đã chuyển sang các cơ sở thay thế khác, nơi mà theo ông Michael Pyke mô tả là hình thức GD đáng ngờ và HS không đạt được điều gì ở đó cả.

Phát ngôn viên của Chiến dịch vì nền GD quốc gia nói hầu hết các trường hợp bị cho thôi học xảy ra ở những trường có HS đến từ các gia đình nghèo khó, nơi không ai lên tiếng thay các em và việc St Olave"s bị phơi bày là bởi vì phụ huynh ở đó đến từ các gia đình thu nhập khá. Ông thêm rằng, đây là trường hợp đáng tiếc, nhưng nó sẽ không ngăn được sự việc tương tự xảy ra với các trường khác.

Hiện, cựu hiệu trưởng Aydin Onac vẫn từ chối sự tiếp cận của truyền thông và không đưa ra bất kỳ bình luận nào liên quan.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ