Bị đối phương “ăn vạ” theo kiểu nếu chia tay sẽ… hóa điên, có hành động muốn hủy hoại bản thân… cũng là nguyên nhân khiến nhiều người không nỡ dứt áo ra đi.
Cú sốc
Gương mặt hốc hác, đôi mắt thâm quầng sau một đêm mất ngủ vì phải… dỗ chồng, chị Phan Nhiên (Q.3, TP.HCM) mếu máo: “Hiện em không biết phải làm sao. Bỏ thì thương, vương thì tội. Nhưng ngày nào còn sống với nhau, có khi, người phát điên, muốn… chết không phải anh ấy mà chính là em”.
Theo chị Nhiên, anh Quý - chồng chị là người có tinh thần rất… yếu, sức chịu đựng kém nên đứng trước nguy cơ gia đình tan vỡ, anh thấy sốc và muốn phát điên.
Tối qua, sau cuộc cãi nhau, chị Nhiên bất ngờ cho biết sẽ ly hôn, rồi chị đưa hai con về quê sống, anh Quý đã bỏ nhà đi bụi trong tình trạng quần đùi, áo cộc, đi chân không. Người quen thấy anh lang thang như một… thằng điên liền báo tin cho chị.
Lúc tìm thấy chồng, chị tá hỏa trước hình ảnh anh ngồi vắt vẻo trên thành cầu Bình Triệu (Q.Thủ Đức, TP.HCM). Chị hết hỏi thăm đến dỗ dành nhưng anh Quý không nói gì, lại nhiều lần có biểu hiện muốn… cắm đầu xuống sông.
Mãi đến 4g sáng, mặc kệ vợ lả người ngồi bệt, anh Quý bất ngờ leo xuống rồi như không có chuyện gì, tiếp tục vất vưởng trở về nhà. Trong giấc ngủ muộn màng của anh, chị Nhiên nghe được những ú ớ vô nghĩa phát ra từ cơn mê sảng: “giết nó chết!”, “dừng lại đi!”.
Tin rằng chồng vừa trải qua cú sốc trước yêu cầu ly hôn của mình, chị Nhiên đâm băn khoăn: “Hay là tôi không ly hôn nữa. Nhỡ đâu ảnh làm điều dại dột, tôi sẽ ân hận suốt đời”. Nhưng chị lại tự mâu thuẫn khi chia sẻ là không thể tiếp tục chung sống với người chồng vô trách nhiệm đó nữa.
Vợ chồng chị mở một cửa hàng gas. Thay vì giúp đỡ vợ, anh Quý ngày thì theo bạn đi đá gà, đêm tụ tập vừa xem vừa cá độ đá banh, không quan tâm gì đến công việc, gia đình. Khách gọi đến mua gas, vợ gọi anh nhưng điện thoại luôn ngoài vùng phủ sóng. T
hân đàn bà, bao phen phải chở gas cho khách giữa nắng trưa chang chang trong khi chồng mải mê chơi khiến chị Nhiên ấm ức, tủi bực.
Sự chịu đựng của chị bung vỡ vào trưa qua, chồng điện thoại năn nỉ chị mang đến 40 triệu đồng để kịp chung độ bóng đá vì anh lỡ “dây” phải một “đàn anh”, nên không thể tiếp tục khất nợ.
Vật cản
Trước khi đến với nhau, anh Vân (Q.7, TP.HCM) đã chứng kiến một “thảm kịch” từ người thân của chị Liên - vợ anh bây giờ. Người thân ấy có họ hàng xa với chị Liên, từng phát bệnh tâm thần, phải nhập viện điều trị ba tháng, sau khi bị vợ bỏ đi ôm theo tất cả tài sản anh cật lực làm suốt 10 năm xuất khẩu lao động.
Anh Vân cho rằng, đó là lý do anh đang ráng… “vùi mình” trong cuộc hôn nhân, sợ chị Liên… tinh thần yếu, sẽ phát điên giống người bà con này.
Nỗi lo của anh Vân là có cơ sở. Đó là lần, chỉ vì phát hiện điện thoại anh có tin nhắn “mùi mẫn” từ số máy lạ, chị Liên lồng lộn ghen tuông, hết chửi bới, nguyền rủa chồng bằng những lời lẽ… không thể viết ra, đến điên tiết đập phá đồ đạc. Khi biết đó chỉ là tin nhắn gửi nhầm, chị mới nhẹ nhàng xin lỗi chồng vì đã không kiểm soát được bản thân.
Anh Vân là cán bộ tư pháp tại một phường, chị Liên ở nhà nội trợ, mở cửa hàng tạp hóa buôn bán lặt vặt. Sau khi sinh bé Pin, cuộc sống càng chật vật khiến hai vợ chồng thường xuyên cãi vã. “Cuộc chiến” luôn kết thúc với màn vợ đập phá, xới tung căn nhà, còn chồng ngán ngẩm bỏ đi.
Một lần, trong “cuộc chiến”, anh Vân lớn giọng rằng, không thể sống tiếp với người vợ thiếu cảm thông, không biết điều, rồi dập cửa bỏ đi. Lúc trở về, thấy vợ ngồi ủ rũ, gương mặt đờ đẫn, tay khư khư con dao lam khiến anh hốt hoảng, vội lao đến dỗ dành.
Anh càng… sởn tóc gáy khi nghe vợ, khi bình tĩnh lại, cho biết cũng không hiểu vì sao mình lại có biểu hiện muốn tự vẫn trong cơn tuyệt vọng sợ chồng bỏ rơi.
Anh Vân kể, hai năm nay, anh luôn muốn ly hôn nhưng không dám viết đơn, chỉ vì sợ vợ nghĩ quẫn, không chịu nổi cú sốc này. Chị Liên rất yêu chồng, nhưng cách chị ứng xử khiến anh Vân nghẹt thở. Mỗi ngày anh đi làm về, chị hết… ngửi áo, chộp điện thoại kiểm tra đến dò xét rồi đoán già đoán non từng nét mặt vui buồn của anh. C
hị thường than thở kinh tế ngày càng túng, nhưng hễ chồng tìm việc làm thêm ngoài giờ là chị “nhảy đổng” lên, bóng gió anh có quan hệ ngoài luồng mới đi sớm về trễ.
Không phải bệnh lý tâm thần
Khi đứng trước quyết định ly hôn, bất cứ người trong cuộc nào, dù tinh thần mạnh hay yếu, nếu chưa sẵn sàng, đều thấy sốc, hụt hẫng. Có người do không chấp nhận nổi sự thật, hoặc muốn níu kéo, đã đắm mình trong các cảm xúc tiêu cực, thậm chí nghĩ ra nhiều “chiêu trò” khắc nghiệt như một sự “ăn vạ”; gây ngộ nhận cho không ít người.
Theo thạc sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân (Sở LĐ-TB-XH TP.HCM), thực ra đó chưa hẳn là các triệu chứng của bệnh lý tâm thần như nhiều người vẫn nghĩ. Bệnh lý tâm thần không chỉ bộc phát khi đứng trước cú sốc lớn, mà còn “phát bệnh” trong quá trình sống bằng các biểu hiện bệnh rõ ràng.
Họ cần được thăm khám và điều trị kịp thời. Còn đứng trước mối nguy hôn nhân tan vỡ, nếu có những ứng xử tiêu cực như tự hủy hoại bản thân, hành động dại dột… thì lại thuộc về nhận thức, thể hiện kỹ năng ứng phó kém của mỗi người khi tiếp nhận sự việc.
Lo ngại đối phương… yếu tinh thần, không chịu đựng nổi cú sốc ly hôn để phải tự trói buộc mình, tiếp tục cam chịu cuộc sống chung không hạnh phúc là điều không nên, bởi đó là nỗi lo… hão huyền, không đáng. T
uy nhiên, trong cuộc hôn nhân, nguyên tắc chung thuộc về ý thức trách nhiệm trong quyết định chia tay là giảm thiểu tổn thương cho đối phương, ngăn ngừa những hành vi quá khích (nếu có) của họ bằng cách tránh những tuyên bố, quyết định đường đột, gây bất ngờ.
Suy cho cùng, việc chung sống bất thành, đều đã có một lộ trình mâu thuẫn, rạn nứt, đủ để người trong cuộc kịp nắm bắt tình trạng hôn nhân và có sự chuẩn bị tâm lý.
Nếu ai đó vì muốn níu kéo bằng những biểu hiện bốc đồng, thì đó chỉ là cách họ đang “ăn vạ” hôn nhân, đòi hỏi người phối ngẫu phải khéo léo, cương quyết, có cách giải quyết phù hợp thông qua đối thoại.