Đó là những gì đã và đang diễn ra tại lớp học “Môi trường vì một Việt Nam xanh” do Trường THCS Mỹ Đình II (Nam Từ Liêm, Hà Nội) tổ chức. Đây được coi là một trong những cách làm sáng tạo của nhà trường trong việc giáo dục học sinh bảo vệ môi trường và phòng chống biến đổi khí hậu.
Hào hứng với hình thức học trực quan
Trực tiếp tham dự lớp học, chúng tôi nhận thấy các em rất hào hứng “nhập môn” với chủ đề: “Nguyên nhân, ảnh hưởng và giải pháp đối với hiện tượng nóng lên toàn cầu”. Bằng hình thức học qua các slide và video sinh động, bài học đã thu hút các em khi tìm hiểu về vấn đề môi trường. Các em không chỉ được hướng dẫn chi tiết những kiến thức về lý thuyết mà còn được trang bị những kỹ năng mềm, các hành động đơn giản và thực tế mà các em có thể thực hiện nhằm giảm thiểu phát thải khí CO2 để ngăn chặn hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Em Nguyễn Minh - lớp 6A2 hồ hởi cho biết: “Em rất vui khi được tham gia lớp học này. Sau khi được xem những hình ảnh, những đoạn clip, em đã hiểu hơn về môi trường xanh – sạch – đẹp có ý nghĩa như thế nào đối với cuộc sống của chúng ta.
Với lứa tuổi học sinh như chúng em bảo vệ môi trường không phải là những công việc to tát mà chỉ cần là những hành động, những việc làm nhỏ như: Không vứt rác bừa bãi, bỏ rác đúng nơi quy định, trồng và chăm sóc cây xanh… Vì vậy, sau lớp học này em sẽ tham gia vào đội tuyên truyền của nhà trường nhằm góp phần nhân lên những hành động đẹp, những việc làm có ý nghĩa để bảo vệ cảnh quan, môi trường sư phạm nói riêng và bảo vệ môi trường đường phố, khu dân cư nói chung”.
Đến với lớp học, các em học sinh còn được tham gia chương trình thực nghiệm khoa học “Cùng làm pin khô”. Cô Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổ trường Tổ Khoa học Xã hội, Trường THCS Mỹ Đình II cho biết: Đây là một chương trình độc đáo mà chúng tôi đã hợp tác với Công ty Panasonic Việt Nam để thiết kế riêng cho các em học sinh. Theo đó, các em được học cách tạo ra pin khô một cách rất đơn giản và mang tính khoa học thực tiễn và thân thiện với môi trường.
Không giấu nổi niềm vui vì được trực tiếp chế tạo ra những chiếc pin khô, em Phạm Thị Huyền Thanh bộc bạch: Từ hoạt động trải nghiệm thực tế này, chúng em đã hiểu nếu sử dụng các loại pin không chứa các chất phụ gia độc hại thì sẽ giúp bảo vệ môi trường và không gây hại sức khỏe cho người sử dụng.
Bảo vệ môi trường: Tuổi nhỏ làm việc nhỏ…
Liên quan đến vấn đề tổ chức lớp học như trên, ông Nguyễn Văn Tài – Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho hay: “Trong năm 2016, chúng tôi dự kiến sẽ tiếp tục phối hợp với Công ty Panasonic Việt Nam để tổ chức cho hơn 1.000 học sinh tại 5 tỉnh, thành có cơ hội tham dự những lớp học giáo dục môi trường, thực nghiệm tương tự như hình thức lớp học “Môi trường vì một Việt Nam xanh” nhằm hướng dẫn các em tạo ra năng lượng sử dụng nguồn tài nguyên thay thế”.
Có thể nói, thông qua bài học về môi trường và chương trình thực nghiệm khoa học “Cùng làm pin khô”, các em học sinh đã hiểu được nguyên nhân tại sao xảy ra hiện tượng nóng lên toàn cầu và ý nghĩa của việc kết hợp 2 nguồn năng lượng và tận dụng năng lượng tự nhiên, giảm thiểu phát thải khí CO2 để làm giảm nhiệt độ trung bình của Trái đất, ngăn ngừa hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Đến với lớp học, các em không chỉ được học lý thuyết mà còn được hướng dẫn thực hành để biết các ứng dụng vào thực tế. Đây là cách giáo dục thực tế bổ ích nhằm giúp các em học sinh hiểu và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, khi nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và hiểu được nguyên nhân môi trường bị ảnh hưởng xấu từ đâu, các em sẽ có những hành động đúng và thiết thực để bảo vệ môi trường thêm xanh - sạch - đẹp.
“Thực ra, khi tổ chức lớp học “Môi trường vì một Việt Nam xanh” chúng tôi không có tham vọng lớn, mà chỉ muốn các em có cái nhìn trực quan về những nguyên nhân khiến môi trường của chúng ta bị ảnh hưởng xấu, từ đó, các em sẽ có những nhận thức đúng đắn và việc làm hữu ích để bảo vệ môi trường. Chẳng hạn như: Các em sẽ trở thành những tuyên truyền viên tích cực trong việc bảo vệ môi trường hoặc có những hành động thiết thực, cho dù là rất nhỏ như: Nhận chăm sóc một cây xanh trong trường, không xả rác bừa bãi… Quan điểm của chúng tôi là: Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình” - cô Thảo chia sẻ.