Theo nghiên cứu này, trẻ em thường xuyên ăn thức ăn nhanh có kết quả học tập kém hơn các bạn đồng trang lứa.
Nghiên cứu thực hiện trên 8.500 học sinh ở Mỹ, những em này đã dùng thức ăn nhanh vào năm 10 tuổi. Ba năm sau, các nhà nghiên cứu kiểm tra kết quả học tập của các em.
Sau khi loại trừ hàng chục yếu tố có thể làm sai lệch kết quả học tập của các em, các nhà nghiên cứu nhận thấy những em ăn nhiều thức ăn nhanh có điểm học tập kém hơn các bạn khác.
Ví dụ ở môn khoa học, những em ăn thức ăn nhanh hàng ngày chỉ đạt trung bình 79 điểm trong khi các bạn khác được 83 điểm. Sự khác biệt này cũng tương tự đối với môn đọc và toán.
"Nghiên cứu của chúng tôi tập trung vào vai trò của ăn uống đối với tình trạng béo phì ở trẻ em, nhưng kết quả thu được lại cung cấp bằng chứng rằng ăn thức ăn nhanh có liên quan tới một vấn đề khác: kết quả học tập kém hơn" - TS Kelly Purtell thuộc ĐH bang Ohio, trưởng nhóm nghiên cứu, nói.
Theo Telegraph ngày 20/12, các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết là thiếu sắt do ăn thức ăn nhanh đã làm chậm các quá trình xử lý của não khiến học sinh học kém.
Một giả thuyết khác là chế độ ăn uống giàu chất béo và thêm đường có ảnh hưởng xấu đến quá trình tiếp thu, học tập của các em.