“Ăn, ngủ” cùng đề thi

GD&TĐ - Trong mỗi kỳ thi, việc vận chuyển và bảo vệ đề thi, bài làm của thí sinh là một trong những khâu vô cùng quan trọng. Với những người được giao trọng trách này, dù thành thục mọi công đoạn, nhưng áp lực vẫn bủa vây họ, bởi chỉ một sơ suất nhỏ có thể ảnh hưởng toàn bộ điểm thi.

Ông Mai Văn Trinh (người thứ 2 bên phải qua) Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT chứng kiến việc giao nhận đề thi tại một điểm thi ở Thanh Hóa.
Ông Mai Văn Trinh (người thứ 2 bên phải qua) Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT chứng kiến việc giao nhận đề thi tại một điểm thi ở Thanh Hóa.

 “Ăn, nằm” với đề thi

Là Hiệu trưởng trường THPT, nên cứ đến Kỳ thi tốt nghiệp THPT hay THPT quốc gia trước đây, thầy Nguyễn Minh Đạo – Hiệu trưởng Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa) lại được điều động đi làm trưởng điểm thi. Kỳ thi cán đích an toàn, những điểm trưởng như thầy Đạo, mới “thở phào” vì đã trải qua những ngày áp lực, căng thẳng.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa rồi, thầy Nguyễn Minh Đạo được Sở GD&ĐT Thanh Hóa điều động về làm điểm trưởng tại Trường THPT Nông Cống 4. Từ huyện Quan Sơn, thầy phải di chuyển gần 200km về điểm thi, để làm nhiệm vụ. 

Tâm sự về công việc của mình, thầy Đạo nói: “Chúng tôi hoàn tất việc nhận đề về điểm thi trước ngày thí sinh đến trường làm thủ tục dự thi. Công tác vận chuyển và bảo vệ đề thi vô cùng quan trọng, nên phải chuẩn bị chu đáo mọi mặt. Sở GD&ĐT là nơi cấp đề cho các điểm thi.

Do đó, Ban chỉ đạo thi của các huyện phải điều động xe biển xanh và công an đi cùng với điểm trưởng, điểm phó để nhận đề. Tại điểm thi, phải dành một phòng riêng để đề thi. Trong phòng phải có tủ đựng đề thi được niêm phong và khóa chắc chắn. Phòng chứa đề thi phải có công an túc trực liên tục trong suốt thời gian diễn ra kỳ thi. Điểm phó phải chịu trách nhiệm “ăn, nằm” với đề thi, để bảo vệ an toàn tuyệt đối”.

Cũng theo thầy Đạo, trong phòng chứa đề thi được gắn thiết bị camera giám sát riêng biệt, không kết nối với hệ thống mạng. Khi có sự cố mất điện, thiết bị camera này vẫn hoạt động bình thường. “Chìa khóa tủ đựng đề do điểm trưởng giữ. Còn điểm phó phải chịu trách nhiệm bảo vệ đề thi cùng với một cán bộ công an.

Nếu điểm phó là nữ, công an huyện cũng phải bố trí một nữ cán bộ, chiến sĩ để cùng bảo vệ đề thi. Khi giao nhận đề thi, phải có điểm trưởng, điểm phó, công an, thanh tra... cùng nhau chứng kiến và ký vào biên bản. Đề thi thuộc diện tài liệu bí mật quốc gia, nên công tác bảo vệ cực kỳ nghiêm ngặt và quan trọng, không cho phép sơ suất dù là một chi tiết nhỏ”, thầy Đạo chia sẻ.

Điểm trưởng điểm thi cấp đề thi cho các giám thị coi thi.
Điểm trưởng điểm thi cấp đề thi cho các giám thị coi thi.

Mưa lũ, nỗi sợ người vận chuyển

Cũng như thầy Nguyễn Minh Đạo, thầy Trần Anh Văn – Hiệu trưởng Trường THPT Mương Lát (Thanh Hóa) không thể quên những ngày “ăn, ngủ” với đề thi. Với thầy Văn, những chuyến vận chuyển đề thi, bảo vệ đề vô cùng vất vả, áp lực và căng thẳng.

Mường Lát là huyện vùng cao, biên giới cách TP Thanh Hóa gần 250 km. Mỗi năm, cứ đến kỳ thi tốt nghiệp THPT, là những ngày căng thẳng, lo âu nhất đối với việc vận chuyển và bảo vệ đề thi. Mỗi chuyến đi nhận, vận chuyển đề là hành trình không thể quên với trưởng điểm thi, bởi bên cạnh việc thực thi nhiệm vụ, họ hiểu mình đang gánh trọn niềm tin của thí sinh, xã hội.

“Là huyện miền núi cao, đường đi lối lại xa xôi đã đành, nhưng sợ nhất là gặp mưa lũ, sạt ở đất, chia cắt đường. Nếu những ngày chuẩn bị tổ chức kỳ thi, mà trời mưa là chúng tôi “ăn không ngon, ngủ không yên”. Điều lo nhất trong lúc vận chuyển đề thi, mà gặp mưa lũ, sạt lở đất, gây tắc đường, thì vô cùng áp lực. Do đó, những phương án vận chuyển, bảo vệ đề thi làm sao cho an toàn tuyệt đối, được Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh và huyện xây dựng rất chặt chẽ. Đề phòng mọi tình huống có thể xảy ra bất cứ lúc nào”, thầy Văn cho hay. 

Cũng theo thầy Văn, vận chuyển đề thi được xây dựng rất nhiều phương án. Khi vận chuyển, đề thi phải được đựng trong thùng tôn có khóa và niêm phong. “Tôi còn nhớ, có lần đi nhận đề vào dịp trời mưa, anh em phải dùng túi nilon bọc cẩn thận bên ngoài, dán niêm phong, rồi mới đưa vào thùng tôn khóa lại.

Làm như vậy, để tránh tình huống không may gặp mưa lũ, đề thi vẫn an toàn, không bị ướt. Phương án vận chuyển và bảo vệ đề thi được Ban chỉ đạo đưa ra, yêu cầu nhà trường phối hợp với lực lượng Biên phòng dọc tuyến quốc lộ 15C. Nếu gặp tình huống mưa lũ, sạt lở đường và bị chia cắt, lực lượng Bộ đội Biên phòng sẽ hỗ trợ, để áp tải đề thi về trường an toàn nhất”, ông Văn cho hay.

Có thể nói, công tác vận chuyển và bảo vệ đề thi vô cùng quan trọng. Một số huyện ở Thanh Hóa do có nhiều điểm thi, nên số lượng xe biển xanh của huyện điều động đi vận chuyển đề không đủ. Do đó, Ban chỉ đạo thi cấp huyện phải điều động thêm cả xe áp giải phạm nhân của lực lượng công an đi nhận đề thi.

“Cứ sau mỗi kỳ thi, khi kết thúc phần niêm phong bài thi và vận chuyển về Sở GD&ĐT nộp xong, điểm trưởng, điểm phó, công an, lực lượng thanh tra.... mới có thể thở phào. Lúc đó, chúng tôi coi như mình đã đã hoàn thành được nhiệm vụ cao cả, mà cấp trên giao phó”, ông Văn chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ