Hai lần thay đổi tội danh
Ngày 19/12, TAND TP Cẩm Phả xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Trung Thắng (SN 1983, trú tại phường Giếng Đáy, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh). Ông Thắng nguyên là nhân viên kinh doanh Công ty Cổ phẩn Cơ Kim Khí Việt Mỹ (Công ty Việt Mỹ).
Công ty này có trụ sở tại TP Hà Nội. Ông Thắng bị truy tố về hành vi “Tham ô tài sản” với số tiền bị quy kết đã chiếm đoạt của Công ty Việt Mỹ là hơn 41 triệu đồng.
Trong giai đoạn điều tra, Công an TP Cẩm Phả đã hai lần thay đổi tội danh với bị can. Đầu tiên ông Thắng bị khởi tố về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, sau đó đổi thành “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, cuối cùng là “Tham ô tài sản”.
Theo điều tra, sau khi đại lý trả tiền hàng cho công ty, ông Thắng đã tự ý giữ lại số tiền hơn 11 triệu đồng để chi tiêu. Thời điểm đó, Công ty Việt Mỹ nợ lương và công tác phí của ông Thắng. Ông Thắng đánh mất 30 triệu đồng của công ty. Số tiền này được định danh là “tham ô”.
Chiếm đoạt hay chậm thực hiện nghĩa vụ
Tại tòa, bên nguyên đã rút truy tố số tiền 30 triệu đồng ông Thắng đánh mất. Chỉ truy tố ông Thắng “tham ô” hơn 11 triệu đồng. Các luật sư Đinh Anh Tuấn (Đoàn Luật sư Hà Nội) và Vũ Quang Ninh (Đoàn Luật sư Quảng Ninh) bào chữa cho ông Thắng nêu quan điểm: Ngay cả với số tiền hơn 11 triệu đồng, hành vi của bị cáo không cấu thành tội phạm.
Việc bị cáo tự ý giữ lại tiền của công ty để chi tiêu cho cá nhân, về bản chất đây là hành vi “chậm thực hiện nghĩa vụ” của người lao động. Nó nằm trong quan hệ Hợp đồng lao động với công ty.
Và cũng phải đặt trong bối cảnh Công ty Việt Mỹ đang chậm thực hiện nghĩa vụ đối với người lao động. Ông Thắng không chủ định chiếm đoạt, mà chỉ nhằm mục đích đối trừ với tiền lương và tiền công tác phí đang bị công ty nợ.
Các luật sư bào chữa cũng nêu ra hàng loạt sai phạm của Công ty Việt Mỹ đối với người lao động như: Giữ bằng gốc; thu tiền hằng tháng từ lương của người lao động để làm tài sản thế chấp; chậm trả lương và tiền công tác phí; phạt và khấu trừ trái pháp luật vào tiền lương...
Những vi phạm Luật Lao động của Công ty Việt Mỹ đã tác động tới hành vi người lao động giữ lại tiền hàng để nuôi sống bản thân, tái sản xuất lao động.
Các luật sư phía công tố nhận định, việc bị cáo tự ý giữ lại tiền của là có ý thức chiếm đoạt. Nó vi phạm quy định của công ty: Sau khi thu tiền hàng phải nộp về trong vòng 24 giờ. Việc tự ý đối trừ nợ là không được phép bởi Công ty Việt Mỹ không có thỏa thuận nào với bị cáo về việc này.
Phía bào chữa đã trích dẫn tài liệu có trong hồ sơ để khẳng định đã đưa số tiền hơn 11 triệu đồng vào công nợ cá nhân của ông Thắng với công ty. Theo cách tính lương của công ty, số tiền này sẽ được đối trừ với tiền lương của ông Thắng.
Điều tra không đúng thẩm quyền?
Tại tòa, các luật sư bào chữa cho ông Thắng nêu ra hàng loạt sai phạm trong hoạt động tố tụng như bắt tạm giam bị can không đúng pháp luật. Thời hạn xác minh đơn tố giác bị kéo dài. Biên bản làm việc của điều tra viên sai lệch ngày tháng. Liên tục thay đổi tội danh…
Các luật sư cho rằng, Công an TP Cẩm Phả thụ lý điều tra vụ án này là sai về thẩm quyền. Dấu hiệu tội phạm theo đơn tố giác diễn ra ở nhiều nơi, TP Cẩm Phả không có “Chi nhánh” của Công ty Việt Mỹ mà ở đây chỉ có một kho hàng. Hành vi ông Thắng chậm nộp tiền về công ty không phải diễn ra tại kho hàng này.
Các luật sư đề nghị Hội đồng xét xử tuyên ông Thắng không phạm tội “Tham ô tài sản” và trả tự do cho bị cáo ngay tại phiên tòa. Nói lời cuối cùng, ông Thắng khẳng định không tham ô, bị truy tố oan. Hội đồng xét xử cho rằng, vụ án phức tạp cần nghị án kéo dài. Hội đồng sẽ tạm dừng phiên tòa và đến chiều ngày 26/12 sẽ tuyên án.