Ẩn họa từ bia rượu

GD&TĐ - Sở thích rượu bia của đàn ông nước ta là động lực thúc đẩy ngành công nghiệp này phát triển. Rượu bia có mặt ở khắp mọi nơi cũng giúp nước ta lọt vào tốp 10 nước ở châu Á và thứ 29 trên thế giới về mức tiêu thụ.

Ẩn họa từ bia rượu

Hãi với số lượng tiêu thụ

Rượu bia là mặt hàng quá quen thuộc với người dân nước ta. Chúng có mặt trong mỗi gia đình, ở mọi hang cùng ngõ hẻm. Từ người có điều kiện kinh tế đến khó khăn đều biết đến đồ uống này.

Có thể nói, rượu bia là đồ uống phổ thông nhất bởi đám hiếu hay hỉ người ta đều có thể sử dụng. Thói quen sử dụng bia rượu trong đời sống hàng ngày của người dân đã nâng mức tiêu thụ lên mức kỷ lục so với nhiều nước trong khu vực.

Nghiên cứu mới đây của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), với mức tiêu thụ khoảng 3,4 tỷ lít bia và 70 triệu lít rượu mỗi năm, Việt Nam đứng thứ 2 về tỷ lệ uống rượu bia ở Đông Nam Á, đứng thứ 10 ở châu Á và đứng thứ 29 trên thế giới. Mặt khác, mỗi năm nước ta còn tiêu thụ khoảng 200 triệu lít rượu không chính thống được nấu trong dân mà cơ quan chức năng không kiểm soát được chất lượng. Rượu bia không còn là đặc quyền của đàn ông mà ngày càng có nhiều chị em sử dụng. Cả nước có 77,3% nam giới sử dụng rượu bia, 11% nữ giới sử dụng rượu bia.

Hiện nay, các cơ quan, công sở đều cấm nhân viên không sử dụng rượu bia để tiếp khách vào bữa trưa, trong giờ làm việc. Quy định của pháp luật cũng xử phạt nặng với người lái xe có độ cồn trong máu cao. Quy định là vậy, nhưng trên thực tế tỷ lệ người uống rượu bia trong giờ hành chính vẫn không có xu hướng giảm. Dạo qua các quán nhậu ở bất kỳ địa phương nào cũng sẽ thấy, rượu bia vẫn là thức uống được ưa chuộng. Ít thì vài ly rượu, 1 chai bia cho hưng phấn, sảng khoái. Nhiều thì mặt mũi tưng bừng, đi đứng đầy khí thế nhưng về đến chỗ làm việc là gục xuống bàn…

Hệ lụy được cảnh báo

Tỷ lệ nam giới uống rượu bia ở Việt Nam gấp 2 lần mức trung bình của thế giới. Đáng lưu ý, hiện có 44,2% số người sử dụng rượu, bia ở mức nguy hại cho sức khỏe và 45% số người sử dụng rượu bia lái xe trong vòng 2 giờ đồng hồ sau uống, đó chính là nguyên nhân gia tăng các bệnh liên quan đến rượu bia và gây ra những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, tình trạng lạm dụng rượu bia ở nước ta tăng nhanh và đến mức báo động. Các nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới đã chứng minh, rượu bia là nguyên nhân gây ung thư khoang miệng, vòm họng, thanh quản, thực quản, đại tràng, gan và ung thư vú. Uống càng nhiều thì nguy cơ càng tăng và ung thư thường xuất hiện sau khi bắt đầu uống từ 2 đến 15 năm, thậm chí ngay cả sau khi đã cai rượu, bia. Theo ước tính của tổ chức này, 4% các trường hợp tử vong trên toàn cầu cũng như ở Việt Nam có liên quan đến rượu bia và gánh nặng về sức khỏe do rượu bia là 4,6%... Một thực tế đáng báo động là tuổi người uống rượu bia ngày càng trẻ hơn. Người trên 50 tuổi uống hằng ngày, người trẻ tần suất sử dụng ít hơn nhưng tổng số lượng sử dụng nhiều hơn người lớn tuổi.

Cũng như thuốc lá, tác hại của rượu bia với sức khỏe người dân, an toàn giao thông, trật tự xã hội cũng như chi phí người dân phải bỏ ra điều trị bệnh, mất sức lao động đã rõ ràng. Do vậy, Bộ Y tế đang chuẩn bị bằng chứng khoa học để tiến tới việc xây dựng dự án Luật Phòng chống tác hại của rượu bia. Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Quang, Bộ tính đến các đề xuất như cấm bán rượu bia sau 22 giờ hoặc 24 giờ, cấm bán rượu cho trẻ vị thành niên, cấm quảng cáo rượu bia ở nơi công cộng hoặc gần trường học…

Lý giải cho việc cấm bán rượu bia từ khung giờ này, ông Quang cho rằng hiện nhiều nước đã thực hiện quy định cấm này và cho thấy hiệu quả rõ rệt. Các nghiên cứu trên thế giới cũng khẳng định uống rượu bia từ 20 - 24 giờ đêm có tác động đến sức khỏe con người rất lớn, ảnh hưởng đến hệ thần kinh, tiêu hóa, hô hấp trong khi đây là thời gian con người cần nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động. Thực tế ở nước ta cho thấy tỷ lệ bị tai nạn giao thông vào giờ này rất cao.

Mỗi năm, người Việt tiêu thụ 3,4 tỷ lít bia, 70 triệu lít rượu có đăng ký và khoảng 200 triệu lít rượu không chính thống. Từ năm 2010 - 2015, sản lượng bia tăng trung bình 7% một năm, sản lượng rượu tăng 4,4% một năm. Giá rượu bia khá rẻ, quảng cáo khuyến mại với bia hầu như thả lỏng hoàn toàn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.