An Giang triển khai nhiệm vụ năm học 2024 – 2025 đối với Giáo dục Trung học và GDTX

GD&TĐ - Sở GD&ĐT An Giang tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2024 - 2025 đối với Giáo dục Trung học và GDTX.

An Giang triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 đối với giáo dục Trung học và GDTX.
An Giang triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 đối với giáo dục Trung học và GDTX.

Ngày 23/8, Sở GD&ĐT An Giang tổ chức Hội nghị tổng kết nhiệm vụ năm học 2023-2024 triển khai năm học 2024-2025 đối với Giáo dục Trung học và Giáo dục thường xuyên.

Tham dự hội nghị có ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo các phòng giáo dục, các cơ sở giáo dục Trung học và GDTX trên địa bàn.

1000028544.jpg
Đại biểu tham dự Hội nghị.

Kết quả tốt nghiệp THPT đạt top 10 trong cả nước

Tại hội nghị, Sở GD&ĐT An Giang cho biết: Năm học 2023-2024, ngành thực hiện chủ đề năm học là "Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”. Trên cơ sở đó, mGiáo dục bậc Trung học đã nỗ lực triển khai tốt các nhiệm vụ trọng tâm, nâng cao chất lượng giáo dục và đạt được nhiều thành tựu.

Cụ thể, quy mô mạng lưới trường lớp tiếp tục ổn định và phát triển mạnh, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh có 54 trường THPT (trong đó, có 3 trường ngoài công lập) / 1.535 lớp (tăng 19 lớp so với năm học trước); hệ GDTX có 7.365 học viên với 236 lớp.

Nền nếp, kỷ cương của toàn ngành được giữ vững. An ninh, an toàn trường học được đảm bảo. Ngành GD&ĐT An Giang tham mưu thực hiện đúng tiến độ và kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và trường định hướng mô hình chất lượng cao; chủ động đề xuất các chỉ tiêu về phát triển GD&ĐT trên địa bàn.

Cơ sở vật chất trường học được ưu tiên đầu tư đồng bộ, tập trung các nguồn lực, chủ động thực hiện các giải pháp duy trì sĩ số học sinh, tạo nền tảng vững chắc cho công tác giáo dục tại địa phương.

Chất lượng giáo dục THPT đạt kết quả tốt, tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT đạt 99,6%, giữ vững vị trí top 10 tỉnh, thành trong cả nước có điểm trung bình cao nhất và đứng đầu Đồng bằng sông Cửu Long với 7,024 điểm. Khoảng cách chất lượng giáo dục giữa các trường trong tỉnh được rút ngắn.

Đội ngũ cán bộ giáo viên được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ thường xuyên đảm bảo chất lượng, đặc biệt ưu tiên bồi dưỡng đội ngũ giáo viên giảng dạy Chương trình GDPT 2018. Toàn ngành có 96,5% CBQL và 95% giáo viên đạt trình độ chuẩn; 31,94% CBQL và 12,48% giáo viên trên chuẩn. Hầu hết CBQL, GV, NV có tinh thần trách nhiệm cao trong thực thi nhiệm vụ, có chuyên môn vững vàng, đáp ứng tốt yêu cầu của ngành trong giai đoạn đổi mới.

Tập trung mọi nguồn lực thực hiện Chương trình GDPT 2018

Với chủ đề “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng”, năm học 2024 – 2025, bậc Giáo dục Trung học tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như:

Thực hiện linh hoạt việc xây dựng Kế hoạch giáo dục của nhà trường để hoàn thành việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với cấp THCS và THPT. Trong đó, tập trung vào việc triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 9 và lớp 12 để nâng cao chất lượng tuyển sinh vào lớp 10 và nâng cao điểm bình quân Kỳ thi tốt nhiệp THPT 2025.

Tăng cường đổi mới phương pháp, hình thức và kỹ thuật dạy học; kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học; tăng cường kỹ năng thực hành, hoạt động trải nghiệm, triển khai dạy học STEM và nghiên cứu khoa học của học sinh.

Tiếp tục xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo bảo đảm đủ số lượng, chất lượng chuyên môn theo môn học; tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu dạy học trực tuyến, chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trung học, phổ cập giáo dục THCS và thực hiện có hiệu quả giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS và THPT.

Đổi mới cơ chế quản lý, thực hiện quản trị trường học dân chủ, kỷ cương, nền nếp để nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục trong các cơ sở giáo dục trung học; tổ chức các phong trào thi đua, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong công tác dạy học.

Triển khai và thực hiện có hiệu quả Đề án xây dựng Xã hội học tập giai đoạn 2021-2030, phối hợp tốt với Hội Khuyến học tỉnh triển khai các mô hình xây dựng “Công dân học tập”; “Đơn vị học tập”.

Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát theo thẩm quyền, phù hợp thực tiễn. Chuẩn bị tốt cho việc đánh giá, tổng kết triển khai đổi mới chương trình, SGK giai đoạn 2020-2025.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe các tham luận: Một số giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn (Phòng GD&ĐT huyện An Phú); Giải pháp xây dựng Kế hoạch giáo dục nhà trường hiệu quả (Trường THPT Châu Phú); Công tác tổ chức sắp xếp dạy học đối với các môn học lựa chọn theo Chương trình GDPT 2018 (Trường THPT chuyên Thủ Khoa Nghĩa – TP Châu Đốc); Thực trạng và giải pháp dạy học hệ GDTX đạt hiệu quả (Trung tâm GDTX huyện Châu Thành).

1000028545.jpg
Ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tổng kết Hội nghị, ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang lưu ý các trường THPT cần tăng cường tuyên truyền trong CBQL, GV, nhân viên, học sinh, cha mẹ học sinh và cộng đồng nhằm hiểu biết đầy đủ về Chương trình GDPT 2018.

Song song đó, tổ chức xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường năm học 2024-2025 theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT; Chỉ đạo tăng cường sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học, tổ chức các hội thảo, tọa đàm trao đổi về tổ chức thực hiện chương trình... Từ đó, đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình dạy học và điều chỉnh kịp thời kế hoạch dạy học phù hợp với thực tế tại địa phương, cơ sở giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ