Nhằm giải quyết vấn đề trên, Bộ Giáo dục Ấn Độ đã ban hành hướng dẫn mới cho các trung tâm luyện thi.
Bộ Giáo dục Ấn Độ mới đây công bố hướng dẫn cho các trung tâm luyện thi trên toàn quốc trong bối cảnh ngành dạy thêm tạo thêm áp lực cho học sinh. Hướng dẫn nhằm bảo vệ lợi ích của học viên, đề xuất các yêu cầu tối thiểu đối với các trung tâm luyện thi tư nhân.
Một trong những nội dung ưu tiên là tổ chức hoạt động ngoại khoá, hướng nghiệp, tư vấn tâm lý để bảo vệ sức khoẻ tinh thần cho học viên. Đơn cử, theo hướng dẫn, Bộ Giáo dục khuyến khích giáo viên tại trung tâm luyện thi tham gia khoá đào tạo về sức khoẻ tâm thần để hỗ trợ học viên.
Ngoài ra, theo hướng dẫn, các trung tâm luyện thi không được phép tuyển sinh học viên dưới 16 tuổi. Họ chỉ được nhận học viên đã tốt nghiệp THCS, tương đương 17 tuổi.
Các trung tâm không được đăng quảng cáo sai sự thật về chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất; không đăng tải kết quả của học viên đã theo học tại trung tâm. Đơn cử, các trung tâm không được hứa sẽ giúp học viên giành được một thứ hạng cụ thể trong kỳ thi tuyển sinh đại học hay đạt điểm tốt. Điều này có thể sinh ra ảo mộng cho học viên, phụ huynh.
Bộ Giáo dục thông tin họ sẽ phạt hoặc đóng cửa những trung tâm thu phí “cắt cổ” khiến học viên, phụ huynh gặp áp lực tài chính.
Hướng dẫn được đưa ra trong bối cảnh luyện thi đại học tại Ấn Độ ngày càng khắc nghiệt. Tại thành phố Kota, nơi được coi là “thủ phủ” luyện thi tại Ấn Độ, chỉ tính riêng trong năm 2023, 27 học viên đã tự tử. Còn trong giai đoạn 2019 - 2021, gần 36 nghìn học sinh, sinh viên Ấn Độ tự tử.
Theo các chuyên gia, những con số này gây ra bởi các trung tâm luyện thi, nơi học phí cao cắt cổ, áp lực học tập khiến học viên “ngạt thở”, muốn tìm cách kết thúc mọi việc. Để ôn luyện cho kỳ thi tuyển sinh đại học, nhiều học sinh ở lại các trung tâm luyện thi tại Kota một năm, không tiếp xúc với gia đình hoặc giải trí. Mỗi ngày, các em đều lên lớp học xong trở về phòng trọ và tiếp tục ôn luyện.
Tuy nhiên, tháng 11 năm ngoái, Toà án Tối cao Ấn Độ đã bác bỏ những cáo buộc nhắm vào trung tâm luyện thi. Theo kết luận của Toà án Tối cao, vấn nạn học sinh tự tử không phải do ôn thi mà đến từ sự kỳ vọng của gia đình rằng các em phải đạt điểm cao, trúng tuyển vào những trường đại học hàng đầu. Ở Ấn Độ, bằng kỹ sư công nghệ (IIT) hoặc bằng y khoa được coi là chìa khoá dẫn đến thành công trong cuộc sống.
Sau khi Bộ công bố hướng dẫn, nhiều học viên tại các trung tâm luyện thi cho rằng nó sẽ không mang lại hiệu quả ngăn chặn tự tử. Nhiều người thừa nhận họ chịu áp lực từ gia đình.
Học viên Prabir Banerjee cho biết: “Khi một người trẻ cảm thấy mình không thể thành công, họ sẽ tuyệt vọng, đi đến bước cực đoan. Vấn đề của họ phải được lắng nghe và giải quyết. Chỉ khi đó, tình trạng tự tử mới giảm bớt”.