Biện pháp bị lên án
Mới đây, loạt hình ảnh được lan truyền trên mạng thông xã hội cho thấy, 50 SV của Trường Dự bị ĐH Bhagat tại quận Haveri, bang Karnataka (Ấn Độ) phải ngồi làm bài kiểm tra môn Hóa trong tình trạng bị hộp các tông che kín đầu.
Chiếc hộp này chỉ được khoét ở phía trước, giúp SV có thể nhìn trong quá trình làm bài, nhưng không thể quay mặt sang hai bên để nhìn bài của thí sinh khác.
Ngay sau khi được một nhân viên trong trường đăng tải lên Facebook, bức ảnh đã nhận được nhiều sự chú ý và thu về hàng loạt bình luận chỉ trích từ cộng đồng mạng. Không ít người đã thể hiện sự bức xúc trước cách làm này của nhà trường.
Biện pháp tránh gian lận thi cử này cũng khiến các quan chức địa phương lên tiếng. Thông qua mạng xã hội, ông S. Suresh Kumar, Bộ trưởng GD tiểu bang đã khẳng định, đây là hành động “không thể chấp nhận được”. “Bất kỳ ai cũng không có quyền đối xử với các SV như động vật. Hành động này sẽ bị xử lý một cách thích đáng”, ông Kumar tuyên bố.
Bên cạnh đó, Phó Giám đốc Ủy ban GD dự bị ĐH địa phương, ông SC Peerjade cũng cho rằng, biện pháp này của nhà trường là “vô nhân đạo”. “Ngay khi vụ việc được báo cáo, tôi đã đến trường dự bị ĐH Bhagat và yêu cầu phía nhà trường chấm dứt hành động này”, ông Peerjade tuyên bố; đồng thời, cho biết đang cân nhắc hình thức kỷ luật đối với lãnh đạo nhà trường.
Sau làn sóng phản đối dữ dội, lãnh đạo và Ban giám đốc nhà trường đã thống nhất bỏ biện pháp này và gửi một lá đơn giải thích cùng lời xin lỗi tới chính quyền địa phương. Phát biểu với truyền thông, ông MB Satish - đại diện Trường dự bị ĐH Bhagat khẳng định, đây chỉ là biện pháp thử nghiệm của nhà trường sau khi tham khảo cách làm ở một số tổ chức GD khác.
Ông Satish cũng nhấn mạnh rằng, các SV không bắt buộc phải đội hộp các tông trong quá trình kiểm tra. Trước đó, nhà trường đã thông báo tới phụ huynh về vấn đề này và chỉ những người học nhận được sự chấp thuận của cha mẹ mới tham gia. Cũng theo đại diện nhà trường, trong số 72 thí sinh tham dự bài kiểm tra giữa kỳ ngày hôm đó, chỉ có 56 người tự nguyện đội hộp các tông.
“Các SV cho biết, họ hoàn toàn cảm thấy thoải mái với sự thử nghiệm này. Nhà trường không hề bạo hành bất kỳ người học nào. Họ đều có quyền lựa chọn. Do đó, một số người đã thử, còn số khác thì không”, ông Satish nói.
Cũng theo chia sẻ từ vị đại diện nhà trường này, các SV đã tự mang hộp các tông của họ đến trường và chỉ sau 15 – 30 phút làm bài kiểm tra, không ít thí sinh đã tháo chiếc hộp ra. Bên cạnh đó, nhà trường đã yêu cầu tất cả SV tháo hộp trong vòng một giờ làm bài.
Áp lực dẫn đến gian lận thi cử
Hãng tin CNN - News 18 cho biết, Trường dự bị ĐH Bhagat đã phải đối mặt với vấn nạn gian lận thi cử những năm qua. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến lãnh đạo nhà trường quyết định đưa ra phương pháp chống gian lận thi cử “bất bình thường” này.
Những năm gần đây, hàng loạt bê bối gian lận tại các tổ chức GD trên khắp Ấn Độ đã xảy ra. Năm 2015, một đoạn video được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội cho thấy, nhiều phụ huynh thậm chí còn trèo lên các tầng của trường học và bám vào cửa sổ - nơi các HS lớp 10 đang làm bài kiểm tra, với mục đích đưa cho con mình những mẩu giấy ghi kết quả để gian lận.
Hơn 1,4 triệu học sinh lớp 10 ở hơn 1.200 trường phổ thông của Ấn Độ đã tham dự kỳ thi này. Vụ việc tại một trường học ở bang Bihar đã gây chấn động khắp Ấn Độ và khiến chính quyền địa phương bày tỏ sự “tuyệt vọng”.
Tại thời điểm đó, truyền thông nhận định, việc gian lận thi cử không hề hiếm tại Ấn Độ. Tuy nhiên, hành động này của các bậc phụ huynh được coi là quá “trắng trợn”. Trả lời truyền thông, Bộ trưởng GD bang Bihar, ông PK Shahi khẳng định, trẻ em sẽ không thể học tập tốt và có sự cải thiện kết quả nếu thường xuyên được gia đình giúp đỡ bằng cách gian lận.
“Chính phủ chỉ có thể tổ chức các kỳ thi công bằng nếu có sự hợp tác của cha mẹ, xã hội và người học”, ông Shahi cho biết; đồng thời nhấn mạnh rằng, đây là trách nhiệm chung của mọi người trong cộng đồng.
Với nền kinh tế đang phát triển như Ấn Độ, GD được coi là một “nguồn vốn” quý giá khi có thể trở thành chìa khóa giúp phần lớn dân số nước này thoát khỏi sự nghèo đói. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc, nhiều SV phải chịu áp lực nặng nề để không chỉ vượt qua các kỳ thi, mà còn có thể vượt qua sự mong đợi của gia đình.
Theo các chuyên gia, chính áp lực lớn như vậy đã trở thành động cơ để người học gian lận trong thi cử. Bên cạnh đó, không ít HS cũng gặp phải tình trạng suy yếu sức khỏe tâm thần do quá áp lực học hành. Đầu năm nay, 19 HS tại bang Telangana ở miền Nam Ấn Độ đã tự tử sau khi nhận kết quả thi.