(GD&TĐ) - Chúng ta biết gì về Ấn Độ? Một đất nước có dân số hơn 1 tỷ người với nền kinh tế đang vươn lên như vũ bão? Có trà đen “Ba con voi” ngon nổi tiếng và là nơi sản xuất nhiều phim nhất thế giới? Ấn Độ có con sông Hằng linh thiêng, có đền thờ Taj Mahal lộng lẫy... Tuy nhiên đó chưa phải là tất cả. Gần đây, Ấn Độ nổi tiếng với nạn hiếp dâm, cứ 22 phút xảy ra một vụ. Bạo lực phụ nữ và trẻ em gái đang là vấn đề nhức nhối trong đời sống xã hội quốc gia này.
Hiếp dâm hoành hành
Hàng trăm người đã diễu hành trên đường phố New Delhi ngày Chủ nhật (21/4) đòi tử hình kẻ hãm hiếp cháu bé 5 tuổi. Kẻ thủ ác (22 tuổi) đã bắt cóc và hãm hiếp cháu bé trong 40 tiếng đồng hồ. Gần đây, những vụ hiếp dâm ở Ấn Độ xảy ra như cơm bữa. Ngày 15/3 tại một khu rừng ở quận Dachoong, (bang Madhya Pradesh), đôi vợ chồng khách du lịch người Thụy Sĩ cắm trại qua đêm đã bị nhóm 8-10 thanh niên tấn công và hãm hiếp người vợ. Ngày 23/4, cảnh sát quận Pune, (bang Maharashtra) đã bắt giữ một thanh niên 20 tuổi, sau khi một nữ sinh 14 tuổi tố cáo bị hắn cưỡng hiếp ngay trong trường học. Tại bang Goa cũng vừa xảy ra vụ cưỡng hiếp một bé gái 7 tuổi học lớp 2 ngay trong nhà vệ sinh của trường. Cha mẹ cô bé sốc khi biết rằng nhà vệ sinh ấy chỉ ở cách phòng hiệu trưởng không xa.
Vụ hãm hiếp tập thể cách đây chưa lâu đã dấy lên làn sóng biểu tình rộng khắp trên đất nước Ấn Độ. 6 người đàn ông say rượu đã thay nhau hãm hiếp nữ sinh Jyoti Singh (23 tuổi) trên xe buýt rồi đẩy cô xuống đường trong tình trạng không mảnh vải che thân. Cái chết của Jioti Singh như một hồi chuông cảnh báo mặt tối của xã hội Ấn Độ đương thời. Theo con số thống kê, cứ 22 phút ở Ấn Độ lại xảy ra một vụ hiếp dâm.
Biểu tình đòi Chính phủ Ấn Độ phải có biện pháp bảo vệ phụ nữ |
Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã yêu cầu các cơ quan chức năng ở nước này nhanh chóng cải thiện tình hình an ninh đối với phụ nữ và trẻ em. Ngay sau đó, Quốc hội Ấn Độ vừa thông qua đạo luật cứng rắn hơn trong việc áp hình phạt với tội hiếp dâm, theo đó, người mắc tội này có thể bị tử hình.
Tuy nhiên, đa số người dân khi được hỏi đều cho rằng không thể trông chờ vào sự bảo vệ của chính quyền. Gần đây, nhóm sinh viên Ấn Độ đã thiết kế một loại đồ lót bảo vệ phụ nữ khỏi bị tấn công tình dục. Loại đồ lót này có gắn thiết bị GPS nhằm gửi thông tin về vị trí của nạn nhân đồng thời có khả năng phóng ra một luồng điện khá mạnh (lên tới 3800 kV) nhằm vào kẻ tấn công. Điều làm dư luận hết sức bức xúc rằng cảnh sát Ấn Độ không những điều tra quá chậm các vụ hiếp dâm mà còn rất ít thủ phạm bị đưa ra trừng trị. Năm 2012 có cả thảy trên 24 ngàn vụ bạo lực tình dục với phụ nữ nhưng chỉ có 26% tội phạm bị phạt tù. Các động thái kiểm tra công việc của cảnh sát được tăng cường, tuy nhiên, số phụ nữ bị hãm hiếp không hề giảm. Người Ấn Độ cáo buộc cảnh sát thờ ơ, không bảo vệ dân thường cũng như không mạnh tay trấn áp tội phạm tình dục.
Tại sao hiếp dâm lại trở thành “đại dịch”?
Giải thích gia tăng số vụ hiếp dâm ở Ấn Độ, các nhà phân tích khẳng định có 2 nguyên nhân chính: Thái độ thờ ơ của cảnh sát và sự mất cân bằng giới tính. Phụ nữ Ấn Độ trở thành nạn nhân của các vụ tấn công tình dục vì họ ít hơn đàn ông khá nhiều. Theo thống kê, trong năm 2011 tỷ lệ sinh của nam - nữ là 1000 - 914, trong khi 30 năm trước là 1000 - 962.
Dư luận ở Ấn Độ lên án phim ảnh cũng góp phần không nhỏ trong việc đầu độc giới trẻ. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, vai trò của cảnh sát vẫn là dấu hỏi lớn. Vào giữa tháng 1/2013, cảnh sát New Dehli ra thông báo rằng nhân viên của họ sẽ trực tại 300 bến xe công cộng để đề phòng tội phạm tình dục. Tuy nhiên, ngay cả khi ở cạnh cảnh sát, phụ nữ Ấn Độ vẫn bất an. Hàng ngàn vụ hiếp dâm bị ỉm đi, trong đó không ít vụ là do cảnh sát. Nguyên nhân chính dẫn đến thái độ thờ ơ với nạn hiếp dâm là do lực lượng cảnh sát quá mỏng và... lương rất thấp. Với một đất nước gần 1,3 tỷ dân mà chỉ có 1,5 triệu cảnh sát. Mức lương trung bình của cảnh sát chỉ được 100 USD. Vì vậy, tham nhũng đang là vấn đề nan giải trong ngành cảnh sát ở Ấn Độ. Theo các nhà phân tích, nạn tham nhũng, thiếu chuyên nghiệp của cảnh sát Ấn Độ có thể giải quyết được trong tương lai gần, nhưng sự mất cân bằng giới tính thì còn lâu. Trong bối cảnh... thiếu vợ trầm trọng, những người đàn ông giàu có có thể bỏ tiền ra mua, còn với những người đàn ông nghèo khó thì chọn giải pháp cưỡng hiếp rồi hy vọng có thể lấy ngay cô ấy về làm vợ. Mạo hiểm đấy nhưng có lẽ là giải pháp duy nhất đối với người nghèo.
Duy Long (TH)