Cá vốn là thực phẩm giàu dinh dưỡng hỗ trợ bộ não và trái tim nhưng nếu nhiễm độc sẽ gây nguy hiểm cho con người, Medical Daily đưa tin.
"Khi ăn cá bị nhiễm độc, các hệ thống bảo vệ của cơ thể sẽ suy yếu rõ rệt", giáo sư Amro Hamdoun từ Viện Hải Dương Học San Diego (Mỹ) cho biết.
Con người có một loại protein quan trọng là P-glycoprotein hoặc P-gp. Nó chống lại nhiều chất hóa học cùng một lúc để loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể.
Thiếu P-gp, chất độc sẽ tự do xâm nhập vào tế bào; từ đó ảnh hưởng đến não, tuyến giáp, da, gan, thận, chất lượng tinh trùng ở nam giới và sức khỏe thai nhi cùng kinh nguyệt ở phụ nữ.
Trong nhiều năm, các chuyên gia nghi ngờ một nhóm hợp chất được gọi là chất ô nhiễm hữu cơ bền (POPs) không an toàn, có khả năng vượt qua P-gp để gây hại nhưng chưa rõ cơ chế cụ thể như thế nào.
Vì lý do này, Hamdoun cùng cộng sự đã phân tích 10 loại POPs khác nhau và phát hiện thay vì "trượt" qua P-gp, các chất ô nhiễm bám vào protein, ngăn cản chúng bảo vệ cơ thể.
Các nhà nghiên cứu đề nghị những hóa chất thải ra môi trường cần tiếp tục được thử nghiệm để xác định mức độ tác động đến cá và con người. Ngoài ra, không chỉ cá, POPs còn hiện diện trong thịt và sữa.
"Chúng ta là loài duy nhất ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi thức ăn và môi trường", Jacob James, giám đốc quản lý của Quỹ Waitt nhấn mạnh.
"Chúng ta cần hành động có trách nhiệm hơn việc thiết kế, sử dụng chất hóa học đồng thời đo lường và nắm rõ tác hại của chất đó đến hải sản cũng như chính bản thân".