Ấm ức vì bị bà thông gia soi cách ăn mặc

GD&TĐ - Ngày Thu đi lấy chồng cũng là ngày bà Điệp khóc gần cạn nước mắt. Gia đình bà sống ở ngoài Bắc, từ nhỏ Thu chưa bao giờ xa nhà quá một tuần, ai ngờ đùng một cái, cô quyết định Nam tiến để ổn định sự nghiệp và chẳng bao lâu sau cô đã tìm được một người đàn ông để gửi gắm cả đời.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

2 gia đình đều không thích cầu kì nên đám cưới chỉ được tổ chức một lần trong Nam, đó cũng là lần đầu tiên sui gia gặp nhau. Hôm đó bà Điệp mặc chiếc áo dài màu đỏ, còn bà sui gia "diện" áo dài màu vàng, khách đến dự đám cưới không ngớt lời khen 2 bà mẹ "nổi" hơn cả nhân vật chính của đám cưới.

Đám cưới kết thúc tốt đẹp, lần đầu tiếp xúc nhưng bà Điệp có ấn tượng tốt với ông bà sui gia, họ có vẻ là người tốt bụng, tạm yên tâm sau này con gái bà sẽ không vất vả.

Nỗi buồn của bà Điệp dần nguôi ngoai, cu Tin - cháu ngoại của bà năm nay đã vào lớp 1, hè nào thằng bé cũng được ba mẹ cho về thăm ông bà và dì út. Năm nay Thu gọi điện báo không về vì cả 2 vợ chồng đều không thu xếp được công việc nên gợi ý bà ngoại vào Nam chơi với cháu một tháng.

Bà Điệp ngần ngừ: "Mẹ sống ở nhà con làm sao được, còn ông bà sui gia nữa, bất tiện lắm con ạ". "Không sao đâu mẹ ơi, con đặt vé máy bay cho mẹ rồi". Sự quyết đoán của Thu làm bà Điệp hơi hẫng: "Mày ép mẹ thế thì còn nói chuyện gì nữa".

Bà Điệp vừa bước vào nhà đã hỏi con gái: "Ông bà sui gia đâu rồi?". Thu cười hớn hở: "Bố chồng con đi du lịch với hội cựu chiến binh, còn mẹ chồng con đang đi chợ, bữa nay mẹ chồng con sẽ chiêu đãi mẹ ra trò đấy".

Quả nhiên Thu không nói đùa, ngày hôm đó bà Điệp được sui gia "thết" đủ thứ đặc sản Nam Bộ: Hủ tiếu, canh cá lóc, bún bò giò heo..., chưa kể các món tráng miệng cầu kì khác nữa. Bà Điệp có thói quen ăn kiêng nhưng vì không muốn sui gia phật ý nên bà đành nhắm mắt "phá lệ".

Tuy nhiên, những ngày sau đó thái độ niềm nở của bà sui gia biến mất hút. Các bữa ăn vẫn được chuẩn bị khá cầu kì nhưng cuộc đàm thoại giữa 2 bà chỉ dừng ở mức độ "xã giao".

Thấy sui gia kém "nhiệt tình" nên bà Điệp phật ý, tối đó bà bảo Thu: "Hay là con đổi vé cho mẹ về sớm đi, ở đây 1 tháng mẹ thấy sốt ruột lắm". "Ơ hay, mẹ ở với con gái và cháu ngoại không thấy vui ạ? Mẹ về sớm làm gì?".

Sui gia ngày càng quá đáng, bà ta chẳng những thiếu nhiệt tình mà còn "săm soi" bà Điệp với ánh mắt rất thiếu lịch sự. Bà Điệp cố nín nhịn đến tuần thứ 2 thì không thể chịu được nữa.

Không giữ được mẹ, Thu tỏ ra hậm hực: "Chán mẹ thế, mẹ ở lại đây lâu hơn thì cả nhà mình đi Phú Quốc rồi".

Bà Điệp thở hắt ra khi về đến nhà, cô con gái út không khỏi tò mò: "Sao mẹ không ở lại thêm? Chị Thu vừa gọi điện trách con đây này, chị ấy tưởng con xui mẹ về sớm đấy". Chỉ chờ có thế, bà Điệp "xả" một tràng: "Mẹ không thể hiểu nổi bà sui gia, không biết mẹ làm gì sai mà ngày nào bà ấy cũng nhìn mẹ với ánh mắt rất khó chịu...".

Bà Điệp chưa "xả" xong thì con gái út cười ha hả: "Á à, con hiểu rồi, chắc chắn bà ấy không thích kiểu thời trang ở nhà của mẹ". "Thế là sao? Quần áo của mẹ có vấn đề gì đâu? Ở nhà thì mặc bộ lanh quần dài áo cộc tay vừa thoải mái vừa lịch sự mà".

"Ôi mẹ ơi, mẹ chồng chị Thu khó tính lắm, bà ấy nghĩ phụ nữ thì phải ăn mặc kiểu kín cổng cao tường cơ, nếu mặc váy thì nhất định phải dài đến mắt cá chân, còn nếu mặc áo thì cũng phải là kiểu áo dài tay. Lần trước con đi công tác, chị Thu rủ con đến nhà chị ở, con mặc quần dài và áo cộc tay mà bà ấy còn nghĩ con là loại phụ nữ không đứng đắn đấy mẹ ạ, hihi. Mẹ không thấy chị Thu toàn phải mặc váy dài đến mắt cá chân à?"

Nghe đến đấy bà Điệp ức không chịu nổi, thế hóa ra lâu nay bà ta nghĩ mình là kiểu phụ nữ không ra gì? Bực quá là bực!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...