(GD&TĐ) - Chỉ trong vòng nửa tháng, đồng bào miền Trung phải oằn mình hứng chịu hai cơn bão lớn. Tình đồng nghiệp, tình người trong bão lũ đã trở thành sức mạnh đoàn kết chống lại thiên tai, nỗ lực khắc phục hậu quả bão lũ để nhanh chóng đưa cuộc sống, sinh hoạt trở lại bình thường.
Lớp học bị bão gió cuốn phăng mái |
Trong khoảng thời gian này, không sao giấu được nỗi buồn, sự bồn chồn lo lắng hiện rõ trên từng khuôn mặt, và đi đâu cũng bắt gặp câu hỏi đong đầy nghĩa tình: Nhà có bị làm sao không? Các cụ có an toàn không? Các cháu nhỏ có bị đói rét không?…tưởng chừng rất bình dị trong chuỗi ngày bình yên, nhưng trong hoàn cảnh khó khăn này bỗng hoá thành sức mạnh gắn kết để vượt qua bão lũ.
Ngay sau khi cơn bão vừa ngớt, Hội Chữ thập đỏ và Uỷ ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố cũng như các cấp lãnh đạo đã nhanh chóng triển khai thăm hỏi và cứu trợ khẩn cấp đối với nhân dân vùng bị thiệt hại. Những đêm không điện, trong ánh đèn dầu tù mù chẳng sáng soi mặt người, mọi người tề tựu bên nhau để sẻ chia, động viên tinh thần và bàn bạc cách khắc phục hậu quả.
Trên các tuyến đường, ngõ xóm, lực lượng xung kích, các đoàn viên thanh niên đến những hộ gia đình neo đơn, già yếu, có công cách mạng…kéo giúp nguyên vật liệu để sửa chữa lại nhà ở nhằm sớm ổn định cuộc sống. Những người lính Cụ Hồ bất chấp hiểm nguy, không quản gian lao, đã toả về các địa phương, tận lòng giúp dân trong khó khăn hoạn nạn. Ở các trường học, buổi đầu sau khi đến lớp, các thầy cô giáo kiểm tra sĩ số học sinh, đồ dùng học tập, sách vở rồi hỏi thăm sức khoẻ từng em như chính những đứa con ruột thịt của mình.
Với những người xa xứ, họ cũng không kém âu lo và nhanh chóng vận động hội đồng hương chung tay góp sức để gửi về quê nhà những phần quà kèm theo lời nhắn nhủ, dù sống nơi đất khách quê người, nhưng trái tim của họ vẫn dõi theo, hướng về nguồn cội. Còn những sinh viên sống xa gia đình, mỗi lần nghe tin bão đổ bộ vào đất liền lại đứng ngồi không yên đến mất ăn mất ngủ.
Em Phan Thị Tường Vân - Sinh viên năm 1 Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng (quê ở Quảng Nam) - cho biết: “Nhà em sống chủ yếu bằng việc bán trái cây trong khu vườn. Năm nay, toàn bộ cây cối bị ngã đổ la liệt, bật gốc, chẳng biết bố mẹ xoay xở ra sao. Chắc rồi đây em phải bươn chải để tự lo cho mình”.
Ngay sau khi nhận được thông tin hai cô giáo Nguyễn Thị Đinh Hương và Nguyễn Thị Lộc - Trường Tiểu học Liên Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) - thiệt mạng do lũ cuốn, lãnh đạo Bộ GD&ĐT lập tức chỉ đạo đoàn công tác về tận nơi để thăm hỏi, động viên và hỗ trợ gia đình hai cô giáo. Sự sẻ chia kịp thời, ân tình đó đã khiến gia đình các cô giáo cảm thấy không đơn độc, vững tin hơn trước tình cảm chân thành từ những đồng nghiệp của người thân.
Dũng cảm và đáng biểu dương là trường hợp em Nguyễn Trường Giang, học sinh lớp 10A6, trường THPT số 4 Bố Trạch (Quảng Bình) một mình vật lộn giữa mênh mông biển nước để đưa hai em Nguyễn Trung Thành (9 tuổi) và Nguyễn Thành Công (8 tuổi) đang chới với giữa dòng nước vào nơi an toàn.
Tất cả những nghĩa cử, những hành động đó góp phần làm ấm nồng tình người trong gian khó, mà ngẫm ra là sự tiếp nối truyền thống đạo lý cao đẹp “thương người như thể thương thân”.
Thế mới biết, “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”. Hãy hướng về khúc ruột miền Trung bằng cả nước mắt và tấm lòng rộng mở, góp phần xoa dịu, phục hồi nhịp sống cho dải đất đang chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Và cùng một lời thỉnh cầu tha thiết, xin đừng đến nữa bão ơi.
Thiên Thu