Ấm nồng sắc xuân biên giới

GD&TĐ - Nơi biên giới xa xôi, khi mọi người, mọi nhà đã sum vầy đón Tết thì những chiến sỹ biên phòng vẫn thầm lặng gác lại niềm vui đoàn tụ với gia đình để cùng đồng đội ngày đêm chắc tay súng bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. 

Ấm nồng sắc xuân biên giới

Qua bao năm tháng đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực hết mình của tất thảy người dân thôn La Lay (xã A Ngo, Đa Krông, Quảng Trị) cùng sự “trợ lực” đặc biệt của những người lính Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay. La Lay hôm nay đang ngày càng khởi sắc trên nhiều lĩnh vực, tưng bừng đón một mùa xuân no ấm...

Dấu chân người lính...

Chúng tôi đến Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế (BPCKQT) La Lay những ngày cuối cùng của năm Bính Thân. Dọc đường biên giới, những bông lau cuối mùa, những nụ đào chớm nở khẽ rung rinh theo làn gió và mưa xuân lất phất bay... Tất cả mang đến một không khí xuân rất riêng nơi biên cương Tổ quốc.

Thượng tá Nguyễn Thanh Tiềm - Chính trị viên Đồn BPCKQT La Lay - cho biết: “Thôn La Lay được thành lập ở khu vực biên giới với xuất phát điểm rất thấp, điều kiện KT - XH còn kém phát triển, trình độ dân trí thấp, tồn tại nhiều tập tục, hủ tục lạc hậu, sản xuất chủ yếu là nông nghiệp gắn liền với tập quán đốt nương làm rẫy, đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn… Xác định thôn La Lay có vị trí hết sức quan trọng trong việc đảm bảo an ninh biên giới và mong muốn đời sống người dân được nâng lên về mọi mặt, Đồn BPCKQT La Lay đã quyết định nhận đỡ đầu cho thôn”.

Thượng úy Nguyễn Văn Anh - Đội trưởng Đội vận động quần chúng - tâm sự: “Hạnh phúc lớn nhất đối với người lính đó là cống hiến hết sức mình để nhân dân có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc, bản làng thay da đổi thịt. Vận động được bà con thay đổi những phong tục, tập quán lạc hậu hay triển khai những chính sách mới là một nhiệm vụ hết sức khó khăn. Nhưng bao nhiêu khó khăn, trở ngại thậm chí là hiểm nguy trên con đường “mang làn gió mới” cho bản làng không làm chúng tôi chùn bước, trái lại, còn là động lực để chúng tôi vượt qua, xứng đáng là người lính Cụ Hồ được dân bản tin yêu”.

Hành trình khoác lên La Lay tấm áo mới về KT - XH, QP - AN là một chặng đường dài với bao gian khó, thách thức. Đó là những lần các chiến sĩ biên phòng băng rừng, vượt suốt để lắp ống dẫn nước, mang nước sạch về cho bản làng. Khi nước sạch về tận bản, những người lính lại trực tiếp xây dựng các bể chứa nước, dự trữ nguồn nước sạch cho nhân dân. Đó là những kỷ niệm không thể nào quên khi anh em trong đồn tìm tòi, nghiên cứu tiềm năng, thế mạnh địa phương để thí điểm xây dựng mô hình kinh tế mới V-A-C,

R-V-A-C ngay trên thôn và “cầm tay, chỉ việc” tất tần tật mọi khâu cho người dân, từ khâu chọn giống, bón phân, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật… Sau bao tháng ngày chờ đợi, những người lính biên phòng đã đạt được thành quả hơn mong đợi. Bởi không chỉ mô hình thí điểm đem lại hiệu quả kinh tế cao, mà hơn thế, người dân đã ứng dụng, sáng tạo thành công thêm các mô hình kinh tế mới nâng cao đời sống. Bên cạnh phát triển kinh tế, những chiến sỹ mang quân hàm xanh cũng không quản mưa rừng hay nắng cháy, lặn lội đến từng nhà để khám, chữa bệnh và phát thuốc miễn phí, chăm sóc sức khỏe cho dân làng. Rồi người lính trở thành người thầy khi họ mở những lớp học xóa mù chữ, đưa đường dây điện hàng chục cây số vào tận từng nhà, thắp sáng buôn làng.

Xuân về trên bản La Lay

Sau hơn 10 năm nhận được sự “trợ lực” đặc biệt từ bộ đội biên phòng, La Lay đã đổi thay diện mạo với một cuộc sống no đủ, khấm khá, cơ sở vật chất với điện đường trường trạm, những tiềm năng thế mạnh sẵn có được đánh thức.

Kể từ khi phong trào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo do Đồn Biên phòng khởi xướng đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thay đổi nhận thức người dân, đó là thay đổi tập quán canh tác lạc hậu trước đây bằng cách ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình kinh tế tổng hợp cho thu nhập trên 70 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Điển hình như mô hình kinh tế tổng hợp gồm của anh Hồ Văn Reo với 2 ha sắn, 2 ha rừng tràm, 4 ha chuối, 0,5 ha nuôi cá, gần 10 con bò, 20 con lợn và hàng chục con gia cầm. Anh Reo cho biết: “Kể từ khi được sự hướng dẫn và học tập từ cán bộ biên phòng về xây dựng mô hình kinh tế, chúng tôi đã làm theo và đạt được kết quả như hôm nay. Tôi cảm ơn cán bộ biên phòng nhiều lắm, nhờ có sự giúp đỡ về mọi mặt của các đồng chí, cuộc sống gia đình tôi cũng như bản làng mới có ấm no như hôm nay”.

Một thành quả to lớn khác là trong hơn 10 năm qua, người dân thôn La Lay khi đau ốm, không còn tìm đến những hủ tục mà trực tiếp đi về Trạm quân - dân y kết hợp của Đồn BPCKQT La Lay để được cán bộ khám, phát thuốc. Tỷ lệ sốt xuất huyết, dịch tả, suy dinh dưỡng... cũng giảm mạnh. Một sự đổi thay khác dễ dàng nhận thấy đó là lối sống “làm đồng nào xào đồng nấy”, hưởng lạc, rượu chè, bạo lực gia đình đã chuyển sang thói quen tích lũy, phát triển kinh tế, chăm lo gia đình hạnh phúc, xây dựng, mua sắm các trang thiết bị sinh hoạt trong nhà. Dân bản nay cũng ý thức được việc không sinh con thứ ba để nuôi dạy cho tốt, thành lập nhiều bản không có hộ sinh con thứ ba trở lên…

Một năm mới đang về, trong tình quân dân nồng thắm, chúng tôi cảm nhận rõ ràng sắc xuân tươi đẹp thấm đượm trong ánh mắt người, trên cây lá La Lay. Đó chính là những tín hiệu vui báo một mùa xuân trọn vẹn nơi biên giới, mùa xuân đổi thay, mùa xuân của tình quân dân keo sơn gắn bó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bệnh nhân chỉ uống nước đường phèn pha chanh gừng trong 10 ngày liên tiếp rồi chuyển sang ăn tinh bột. Ảnh: BVCC

Nguy kịch do nhịn ăn gián đoạn

GD&TĐ - Theo bác sĩ ở Bệnh viện Nội tiết Trung ương, việc nhịn ăn gián đoạn và ăn uống mất cân đối không thể hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường.