1. Voi
Voi cái là những bà mẹ “mang nặng đẻ đau” nhất trong thế giới động vật, bởi khi vừa ra đời voi con đã nặng xấp xỉ một tạ. Voi mẹ cũng giành luôn một giải về thời gian mang thai kéo dài suốt 22 tháng trời.
Voi con sinh ra chưa mở mắt, phải dùng vòi để cảm nhận và khám phá thế giới. Nó thật may mắn vì chẳng những được mẹ chăm sóc và bảo vệ hết mình mà còn có bà nội bà ngoại, có các cô, các dì, các chị … sẵn sàng giúp đỡ, trông nom.
2. Gấu túi
Gấu túi con khi ra đời cực kỳ yếu ớt: không tai, không mắt, không lông. Gấu túi mẹ chăm sóc con từng li từng tí, bao bọc con trong chiếc túi trước bụng trong 6 tháng liền, nuôi con bằng sữa cho đến khi hoàn thiện những bộ phận trên cơ thể. Lớn lên chút nữa, khi có thể bò ra khỏi túi, gấu con lại được gấu mẹ nuôi bằng chính… phân của mình.
3. Cá sấu
Cá sấu cái là một bà bầu “xanh nhất” trong việc ấp trứng mà không làm hại tầng ozon. Ổ đẻ trứng của nó chất đầy lá mục, khi lên men tự sinh nhiệt nên cá sấu mẹ không cần nằm đè lên trứng để ấp.
Các nhà khoa học đã giấu vào các ổ trứng chiếc nhiệt kế đo nhiệt độ theo dõi từ xa trong suốt 2 tháng từ khi trứng được đẻ ra cho đến khi nở và phát hiện một điều thú vị: Nhiệt độ mới chính là yếu tố xác định giới tính cá sấu con.
Nếu nhiệt độ dưới 88 độ F, trứng nở ra “công chúa” và từ 89 đến 91 độ F, nở thành “hoàng tử”. Khi những quả trứng nở ra, cá sấu mẹ dành phần lớn thời gian để nuôi dạy con mình, dạy chúng tập săn mồi và cả cách chiến đấu.
4. Gấu Bắc cực
Con người luôn phải lo lắng về cân nặng của mình, nhưng đối với gấu Bắc cực, cuộc sống của chúng lại xoay quanh mỡ, theo nhà nghiên cứu Mỹ Eline Lorenzen. Chuyên gia này cho biết: "Gấu Bắc cực sơ sinh sống nhờ vào sữa chứa tới 30% là chất béo.
Các con gấu Bắc cực trưởng thành ăn chủ yếu là mỡ của con mồi là những động vật có vú ở biển. Loài động vật này có lượng mỡ tích tụ cực lớn dưới da.
Vì chúng về cơ bản sống ở vùng băng tuyết Bắc cực và không được tiếp cận nước sạch gần như suốt cả năm, nên gấu Bắc cực sống dựa vào nước chuyển hóa, một sản phẩm phụ của quá trình phân hủy chất béo".
5. Báo hoa mai
Báo hoa mai nhiều khi sinh ra đến 6 đứa con mà lũ con lại thiếu những bản năng sinh tồn. Chúng hoàn toàn dựa dẫm vào mẹ. Vậy là báo mẹ phải dạy chúng từng động tác để săn mồi, từng miếng võ để tự vệ.
Cuộc dạy dỗ kéo dài không dưới 2 năm. Khi các con đã trưởng thành, báo mẹ từ giã đàn con, để tìm "hạnh phúc riêng" trong một gia đình mới. Bầy báo con ở lại sống cùng nhau.
Thế nhưng các cậu thì trung thành ở lại bầy. Còn các cô, sáu tháng sau lại bỏ bầy ra đi “theo tiếng gọi của tình yêu”. Hình như báo giống cái không chịu được sự cô đơn.
6. Rận biển
Rận biển thuộc loài giáp xác sống dưới nước. Rận cái bị rận đực tán tỉnh rồi dụ dỗ vào một hang sâu để xây tổ ấm. Nàng thuận tình, nhưng vừa vào trong thì - ngạc nhiên chưa! – đó là một hậu cung của gã sở khanh đã có sẵn 25 nàng khác bụng mang dạ chửa ở sẵn trong đó chờ ngày sinh đẻ. Nhưng điều tồi tệ ở chỗ này cơ: lũ rận con nở trong bụng rận mẹ sẽ tìm lối ra ngoài bằng cách ăn thịt chính mẹ của chúng. Và quả thật phải có sự hi sinh cao cả lắm, những con rận cái này mới chấp nhận mang nặng đẻ đau đến thế.
7. Khỉ đột
Khỉ đột là loài động vật linh trưởng lớn nhất thế giới, theo Sở thú Bronx. Các con khỉ đột trưởng thành thường nặng tới hàng trăm kg, với nhiều con cao như các vận động viên bóng rổ của chúng ta. Khỉ đột sơ sinh chỉ nặng khoảng 1,8 - 2,3kg, nhưng chúng lớn rất nhanh.
Cũng giống như con của các động vật linh trưởng khác, khỉ đột con cũng có các chân và bàn tay cầm nắm được từ lúc mới chào đời, cho phép chúng bám vào bộ lông của mẹ.
Tuy nhiên, khỉ đột mẹ vẫn phải chăm bẵm thêm, không rời các con cho cho tới khi bàn tay và bàn chân bé nhỏ của chúng trở nên mạnh mẽ hơn.
8. Nhện sói
Chẳng có con vật nào muốn gây hấn với một con nhện sói cái vừa đẻ trứng. Bà mẹ động vật này vô cùng hung hăng khi bảo vệ túi trứng gắn chặt vào bộ phận nhả tơ của nó.
Khi các quả trứng ấp nở, hàng trăm con nhện con trèo lên lưng của mẹ chúng. Nhện mẹ sẽ phải đưa chúng đi cùng suốt nhiều ngày trước khi các con phát triển hoàn thiện và có thể tự mình di chuyển đây đó.
9. Linh ngưu
Linh ngưu con tận hưởng giấc ngủ thỏa thuê trên lưng mẹ, vốn đóng vai trò như một cái chăn lớn, ấm áp và an toàn. Theo Sở thú San Diego, các linh ngưu con có thể trèo núi đá và dùng đầu húc khi mới 2 tuần tuổi, cũng như phát triển sừng lúc 6 tháng tuổi, đồng nghĩa với việc có khả năng tự sống độc lập. Tuy nhiên, hầu chúng đều sống bám lấy mẹ cho đến khi bị mẹ tách ra để chuẩn bị cho sự chào đời của em chúng.
10. Bạch tuộc
Sắp sửa có con, bạch tuộc cái dọn hang ổ thật kỹ càng đến sạch bóng rồi đẻ vào đó 50.000 chiếc trứng tròn vo. Phải mất 80 ngày, đám trứng mới nở ra một đàn bạch tuộc con lúc nhúc. Bạch tuộc mẹ ở ngay bên cạnh lũ con mới nở, bảo vệ chúng khỏi bọn cá lảng vảng đến gần để nhăm nhe ăn thịt.
Nó dùng vòi làm xáo trộn cả vùng nước để đưa oxy đến cho con thở. Tám chiếc vòi linh hoạt ấy, ngoài việc làm vũ khí bảo vệ “sắp nhỏ”, khi có cơ hội lại vươn ra bắt mồi.
Tình mẫu tử như một ngọn lửa bất diệt, cũng giống như loài người, thế giới động vật cũng tồn tại thứ tình cảm thiêng liêng và sâu sắc ấy.
Chúng cũng biết dìu dắt đàn con của mình bước những bước đi đầu tiên, nâng đỡ khi con vấp ngã và dang vòng tay ôm ấp khi trời trở lạnh. Đó chính là bản năng của bất kì "bà mẹ" nào. Thế giới động vật cũng có nhiều điều thú vị đúng không nào?