Ấm lòng nhà giáo

GD&TĐ - Mới đây, Bộ GD&ĐT có dự thảo Tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo.

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Dự thảo đề xuất phụ cấp nhà giáo ở mức 25 - 100% tùy đối tượng. Thông tin này được đội ngũ giáo viên và dư luận đồng tình, hoan nghênh.

Nhiều người kỳ vọng, nếu Chính phủ ban hành Nghị định trên sẽ cơ bản khắc phục những khó khăn, vướng mắc, giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà giáo, tạo sự công bằng, minh bạch trong việc xem xét, chi trả chế độ phụ cấp; đồng thời bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật, trong đó có Luật Giáo dục năm 2019.

Hiện nay, chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo được quy định tại một số văn bản quy phạm pháp luật như: Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg ngày 6/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ ưu đãi đối với nhà giáo; Thông tư liên tịch số 01/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC ngày 23/1/2006 hướng dẫn thực hiện Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg…

Sau hơn 17 năm thi hành Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg và Thông tư liên tịch số 01/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC, chính sách về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đã mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao thu nhập và bảo đảm điều kiện cần thiết để nhà giáo thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình. Qua đó chất lượng giáo dục cũng được cải thiện. Tuy nhiên, các phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp thâm niên của nhà giáo còn thấp so với thực tiễn đời sống, chưa tương xứng với đặc thù của nghề. Phần lớn nhà giáo chưa thể sống được bằng lương.

Từ thực tiễn nêu trên, các chuyên gia trong và ngoài ngành Giáo dục đều cho rằng, việc Bộ GD&ĐT trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo theo trình tự, thủ tục rút gọn để thay thế cho Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg là cần thiết, phù hợp với thực tiễn khách quan và “hợp lòng dân”. Đây cũng là nhiệm vụ mà Chính phủ giao Bộ GD&ĐT rà soát, sửa đổi quy định về phụ cấp ưu đãi giáo viên phù hợp với yêu cầu nghề nghiệp và cân đối chung với các ngành nghề khác.

Ai cũng hiểu, lao động của nhà giáo có tính đặc thù, khó có thể cân đong, đo đếm và định lượng được. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà từng chia sẻ, lương của viên chức sự nghiệp giáo dục so với mặt bằng các viên chức khác có thể cao hơn nhưng với đặc thù nghề nghiệp thì chưa đáp ứng được yêu cầu; các quy định từ năm 2004 đến nay dường như đã “lỗi thời”.

Tại Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã lưu ý, cần rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến đội ngũ giáo viên phù hợp với thực tiễn, tương xứng với lao động đặc thù của nhà giáo. Chăm lo tốt nhất cả về vật chất và tinh thần, nhất là cho giáo viên mầm non, giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn; giáo viên giảng dạy các ngành nghề đặc thù, nặng nhọc, độc hại… để đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác và cống hiến.

Không ai có thể thay thế người thầy trong việc chăm lo, nuôi dưỡng ước mơ và hình thành các giá trị cơ bản cho học trò. Đó vừa là trọng trách, là vinh quang của nghề giáo. Thiết nghĩ, dù Nghị định có được ban hành thì cũng là khung quy định cơ bản; điều quan trọng là các bộ, ban, ngành, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần tiếp tục đồng hành, dành cho ngành Giáo dục sự quan tâm sâu sắc và những hỗ trợ hiệu quả, thiết thực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Ghi chép: Sự hy sinh thầm lặng

GD&TĐ - Từng cơn gió Thu mát lạnh, mỏng manh thổi nhẹ qua cánh cửa sổ, luồn vào lớp học im ắng, trầm lặng khác với vẻ nhộn nhịp sôi động của mọi ngày.