(GD&TĐ) - Những ngày thời tiết giá lạnh, đặc biệt là đợt rét đậm rét hại tại các tỉnh vùng cao đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới công việc dạy và học của thầy và trò nói chung và các trường học ở miền núi và vùng cao nói riêng. Không để cho học trò chịu cảnh “đầu trần chân đất” tới trường như nhiều năm trước đây, các địa phương và các trường học cùng các tổ chức đoàn thể đã bằng nhiều biện pháp giữ ấm cho học trò.
Học trò Trường THCS Nghĩa Đô (Bảo Yên - Lào Cai) nấu ăn trong những ngày giá lạnh |
Theo dõi và cập nhật thời tiết
Đó là cách làm được hầu hết các trường học ở vùng cao áp dụng và mang lại hiệu quả cao. Đây không phải là biện pháp chỉ có ở riêng vùng cao mà cả ở vùng thấp cũng được áp dụng song cách làm này đặc biệt quan trọng đối với các trường vùng cao bởi ở những địa phương này, thời tiết thường lạnh giá hơn rất nhiều so với vùng thấp và độ “nhạy cảm” để nhận biết được thời tiết có thể không chờ đến 6h30 phút sáng hôm sau mà chiều hôm trước đã có những tín hiệu nhận biết về thời tiết rồi. Do vậy, sự chủ động của lãnh đạo địa phương và các trường học vùng cao đã là điểm quan trọng để hạn chế mức tối đa trẻ đến trường trong những ngày giá lạnh.
Trong những ngày vừa qua thời tiết rét đậm, rét hại có ngày nhiệt độ giảm xuống dưới 100C, đã làm ảnh hưởng đến tỷ lệ học sinh ra lớp của huyện Bảo Yên, đặc biệt là các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tại trường mầm non và trường tiểu học Nghĩa Đô (Lào Cai), nhà trường đã phối hợp chặt chẽ với ban đại diện cha mẹ học sinh, với các phân hiệu và cán bộ hỗ trợ điểm trường để cập nhật thông tin thời tiết, thông báo lịch học hay nghỉ theo từng ngày cho học sinh. Vì con đường đến trường xa nên việc đi lại của học sinh rất khó khăn. Vì vậy, nhà trường đã chủ động để cập nhật về lịch học cho học sinh.
Tại xã vùng cao Xuân Hòa (Lào Cai), nơi mà mây mù và sương muối bao phủ những con đèo và dốc vào xã và đến các điểm trường trong những ngày giá lạnh. Hiện Xuân Hòa có 11 điểm trường mẫu giáo ở các thôn bản với 411 học sinh chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Mông, Tày, có điểm trường cách trung tâm trên 10 km. Trong những ngày trời mưa, giá rét nhiệt độ xuống thấp như hiện nay, học sinh ra lớp đạt rất thấp, chỉ có 118 trong tổng số 411 học sinh, tỷ lệ học sinh ra lớp đạt 71 %, trong đó các bản Gia Mải, Mo có số lượng học sinh nghỉ học chiếm khá cao. Tại điểm trường Gia Mải, chủ yếu học sinh là con em dân tộc Mông cách xa trường học, nên các bậc phụ huynh học sinh cho con nghỉ học, lớp 3 tuổi chỉ có 7/18 học sinh ra lớp, lớp 5 tuổi 16/21 học sinh ra lớp. Hầu hết các em học sinh nghỉ học là do trời quá giá rét và một phần các em do thời tiết bị ốm. Trước tình hình thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài, cấp ủy, chính quyền xã Xuân Hòa đã chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các bậc phụ huynh học sinh mua áo ấm để các em tới lớp đảm bảo sức khỏe, học tập. Các thầy cô giáo đi quyên góp ủng hộ quần áo ấm cho học sinh nghèo tới lớp.
Ở huyện vùng cao Tân Sơn (Phú Thọ), cái rét như cắt da, cắt thịt nhưng do ngày đầu tuần không mưa nên hầu hết các trường vẫn tổ chức cho học sinh học bình thường, chỉ có một số trường thông báo cho học sinh nghỉ học. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Sơn đã chỉ đạo các trường trong thời gian này, lớp học phải bật điện thắp sáng, luôn đóng cửa để tránh gió lùa, đảm bảo giữ gìn sức khoẻ cho học sinh, nếu nhiệt độ xuống thấp thì các trường thông báo cho học sinh nghỉ học. Tại Trường tiểu học Thu Ngạc thì nhà trường vẫn tổ chức cho học sinh học bình thường. Toàn trường chỉ vắng 10 học sinh trên tổng số 449 học sinh. Trong thời gian này, trường không tổ chức các hoạt động tập trung học sinh ngoài trời; chuẩn bị đủ các loại thuốc phục vụ công tác y tế học đường.
Phân hiệu nơi đỉnh đèo cao này học trò vẫn ấm áp đến trường |
Chung tay giữ ấm cho học trò
Đó là khẩu hiệu không chỉ được thầy cô các trường học vùng cao thực hiện mà nó còn có sức lan tỏa đối với các tổ chức đoàn thể, hội và các nhà hảo tâm. Trong những ngày giá lạnh, các trường học vùng cao đã luôn nhận sự hướng về bằng những hành động và những chương trình cụ thể như “Tình nguyện mùa đông”, “Áo ấm cho em tới trường”.... Hàng triệu bộ quần áo rét được đưa về vùng cao, đến tận tay các em học sinh tại các điểm trường đang hứng chịu liên tiếp những đợt rét đậm rét hại.
Điều quan trọng là, ngay tại các điểm trường, các trường học, các thầy cô giáo không để cho các em chịu giá lạnh như những năm trước đây mà đã chủ động sử dụng nhiều biện pháp giữ ấm như đốt đống lửa to ngay cổng trường hay ngay cửa lớp học để học sinh có thể sưởi ấm trước khi vào lớp và giờ ra chơi. Đồng thời, các nhà trường cũng chủ động phát động quyên góp tiền để mua mũ len, tất đeo chân tay, áo rét để tặng cho các em có hoàn cảnh khó khăn. Hơn nữa, các bếp ăn tại các điểm trường và trường bán trú dân nuôi cũng nhận được những sự quan tâm đặc biệt về chế độ ăn, khẩu phần và độ nóng sốt của bữa ăn. Thầy giáo Lục Tiến Vinh - Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tân Tiến (Lào Cai) cho biết, ở trường 96 học sinh bán trú đều được giữ ấm và được ăn đầy đủ khẩu phần nên các em không phải nghỉ học và không bỏ về nhà.
Trong những ngày giá lạnh nhất của đợt rét hại, tại Trường tiểu học Vĩnh Yên (Lào Cai), đoàn tình nguyện tại Hà Nội đã không quản đường xa ngược Lào Cai và phối hợp với Huyện Đoàn Bảo Yên tặng hàng ngàn bộ quần áo rét cho học sinh tại Vĩnh Yên và các điểm trường như Tổng Kim, Lùng Ác, Nặm Bó…Đây là nguồn động viên lớn và kịp thời đối với thầy và trò nơi đây. Những tấm áo ấm này sẽ chắp thêm niềm tin cho học trò đến trường trong những ngày giá lạnh.
Đồng lòng hướng về quê hương, Hội đồng hương sinh viên Phú Thọ tại Hà Nội trong những ngày giá rét tràn về đã tổ chức chuyến đi “Mùa đông ấm” về Thanh Thủy (Phú Thọ) và trao hàng trăm bộ quần áo ấm cho những học sinh nghèo vượt khó tại các điểm trường miền núi. Vì vậy, học trò nghèo nơi đây đã nhận được một “Mùa đông ấm” trong những ngày giá rét.
Trong những ngày rét đợt 2, chúng tôi có dịp đi qua đỉnh đèo Mã Yên Sơn, con đèo cao nhất trên con đường 279 thuộc địa phận xã Bảo Hà (Bảo Yên- Lào Cai), mây mù bao phủ trắng đường, lạnh thấu xương nhưng tại điểm trường bản Bông nơi có phân hiệu mầm non và tiểu học, chúng tôi ngạc nhiên khi học sinh vẫn đến trường học bình thường, tiếng đọc bài vẫn vang lên giữa núi rừng giá lạnh. Chúng tôi thầm nghĩ, bằng mọi biện pháp và sự quan tâm đặc biệt của các địa phương, các thầy cô giáo, mùa đông năm nay, học trò vùng cao không còn chịu cảnh rét mướt, mà luôn ấm áp bước chân tới trường.
Nguyễn Thế Lượng