Ngôi nhà ấm áp nghĩa tình
Giám đốc Nguyễn Sỹ Lương cho tôi biết: Trung tâm đã bước sang tuổi 61. Thương - bệnh binh tại trung tâm đều có thương tật từ 81% trở lên có vết thương đặc biệt nặng, trong đó có 80% thương binh bị vết thương cột sống, dẫn đến liệt hoàn toàn hai chi dưới, mọi sinh hoạt, di chuyển hàng ngày phải bằng xe lăn, xe lắc. 20% thương bệnh binh có vết thương tổng hợp như cụt 2 tay, cụt chân, hỏng mắt, chấn thương sọ não...
Tại trung tâm có tới gần 10 thương binh tuổi đời từ 80 - 87, đại đa số thương binh ở độ tuổi 65 - 75. Tuổi cao, thương tật nặng, đặc biệt khi trái nắng trở trời vết thương cũ hay tái phát khiến cho sức khỏe của thương binh vốn đã suy giảm lại càng suy giảm. Nhiều đồng chí mất khả năng tự chủ trong sinh hoạt đại, tiểu tiện; phải đeo dây sonde dẫn lưu nước tiểu. Hàng chục thương bệnh binh phải chấp nhận sống chung với lở loét, hàng ngày cần sự chăm sóc, giúp đỡ 24/24 giờ của tập thể y bác sỹ, hộ lý.
Những năm gần đây do tuổi cao, diễn biến thương tật ngày càng phức tạp, thương bệnh binh còn mắc thêm tiểu đường, huyết áp, gan nhiễm mỡ, mỡ máu. Nhiều đồng chí do di chứng của vết thương phải đi nằm viện tuyến Trung ương dài ngày hoặc nằm bất động trên giường.
Trung tâm thường xuyên tổ chức tốt các hoạt động giải trí, giao lưu văn hóa, văn nghệ với các đơn vị, nhà trường, địa phương. Trung tâm cũng đã thành lập đội văn nghệ, nòng cốt là thương bệnh binh nặng. Mặc dù đi lại chủ yếu bằng xe lăn nhưng các cô bác thương bệnh binh vẫn tích cực tham gia các cuộc Hành trình Về nguồn lịch sử do đơn vị tổ chức hàng năm.
Người thương binh lạc quan, yêu đời
Vui vẻ và lạc quan với nụ cười luôn thường trực trên môi, thương binh Nguyễn Đình Cường, thương tật 97%, bị liệt, sinh năm 1959, quê ở Yên Mô (Ninh Bình), đã kể cho tôi nghe câu chuyện của mình. Năm 1978, khi vừa bước sang tuổi 19, theo tiếng gọi của Tổ quốc, chú tình nguyện lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu ở mặt trận Tây Nam. Thực ra trước đó một năm, chú Cường đã đăng ký nhập ngũ nhưng cân nặng chỉ có 39kg, không đủ tiêu chuẩn nên bị loại.
Ngày 17/7/1978 cùng đồng đội từ ga Ninh Bình chú Cường lên tàu vào Nam chiến đấu. Sau một tuần, chú vào đến đơn vị nhưng ngày 31/7 đã bị thương lần đầu tiên nhưng là vết thương phần mềm. Sau một tháng điều trị, chú lại quay trở lại chiến trường Tây Ninh tiếp tục tham gia chiến đấu. Trong một trận đánh ác liệt, một mảnh đạn pháo đã găm vào lưng, gây đa vết thương cột sống, khiến chú bị liệt nửa người.
Qua câu chuyện kể, tôi nhận thấy chú là người rất lạc quan, yêu đời, vui vẻ, hoạt bát, thẳng tính và chân thành. “Chú chấp nhận sống một mình. Thiệt thòi rồi thì thiệt thòi luôn, không có mơ mộng gì nữa. Mình vẫn còn may mắn hơn các đồng đội bởi được trở về. Trong khi đó nhiều đồng đội chưa được tìm thấy cốt, vẫn chưa có ngày trở về quê hương” - chú Cường tâm sự với tôi như vậy.
Nhà chú Cường có 6 anh em trai và một em gái. Chú là con cả. Hiện giờ chú Cường còn mẹ già đã 86 tuổi, bố mất đã 7 năm. Ngày Tết chú vẫn được trung tâm đưa về quê ăn Tết cùng gia đình. Phần nhiều thời gian là sống tại trung tâm, hàng ngày chú liên lạc với người thân qua điện thoại.
Hiện chú Cường vẫn còn một mảnh đạn trong phổi. Hơn chục năm nay mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao, chú tự đi chợ nấu ăn và coi đây là niềm vui. Mọi việc sinh hoạt cá nhân như vệ sinh, thay quần áo... trừ những ngày ốm đau phải nhờ đến nhân viên điều dưỡng còn bình thường chú tự mình làm được.
Thắm tình đồng đội giữa thời bình
Cặp thương binh “Song Mai” ở trung tâm là một đôi bạn thân tri kỷ, như hình với bóng. Bác Hà Tiến Mai tham gia chống Pháp, tuổi ngấp nghé 90. Còn bác Nguyễn Xuân Mai kém bạn 5 tuổi, tham gia kháng chiến chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Cả hai đều là thương binh nặng. Mỗi người đều mất một chân nhưng có đôi giày lại sử dụng được cùng nhau bởi người mất chân trái, người mất chân phải.
Trong phòng ở thương binh, tôi đã được trò chuyện với bác Nguyễn Quốc Khương sinh năm 1952. Bác bị hỏng hoàn toàn hai mắt, thương tật 97%. Quê ở thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh, bác gắn bó với trung tâm từ năm 1976 đến nay. Trong trận đánh lấn chiếm, bác Khương bị thương tại điểm cao Sơn La 300, thuộc A Lưới. “Quân địch mạnh, chốt trên điểm cao, quân ta đánh từ dưới lên. Ngay loạt pháo nổ lượt đầu tôi bị thương vào mắt. Đồng đội rút hết, tôi nằm ở đó một đêm, mọi người tưởng đã chết. Sau một đêm ngất đi, tỉnh lại thấy tiếng chim rừng hót, mắt bên phải hỏng hẳn, mắt trái bị sưng, vạch ra còn nhìn thấy ánh sáng mặt trời đo đỏ nhưng không rõ, tôi lấy hai cuộn băng bên mình tự băng vào mắt. Vai khoác súng, cứ lom khom men theo đường rừng trong trí nhớ để quay trở ra. Máu từ vết thương chảy ra thấm ướt hết quần áo. Bỗng thấy loạt tiểu liên AK nổ, bị thương sượt qua vai, thì ra, đây là lính mới của mình. Chỉ kịp hỏi xin ngụm nước, thì cả người đổ gục xuống, lúc đó, mấy anh bộ đội trẻ chạy ra cõng vào. Tôi được sơ cứu vết thương và đưa về tuyến sau điều trị”, bác Khương đã tâm sự như vậy.
Bác Nguyễn Quang Đào sinh năm 1956, tham gia quân đội tháng 2/1974, thuộc Binh chủng công binh, hưởng chế độ bệnh binh nặng hạng 1 và chế độ da cam, cho biết: “Năm 1978, đang công tác tại Ba Tơ, tôi bị sốt rét, trọc hết đầu, được điều trị và quay trở lại bảo vệ sân bay Đà Nẵng. Được hai tháng, bị sốt rét lại, thấy hai mắt mờ dần và không nhìn được nữa. Trở về quê xây dựng gia đình, 4 con lành lặn nhưng giờ có một cháu ngoại bị nhiễm chất độc da cam. Năm nay bé được 10 tuổi. Lúc sinh bé hoàn toàn bình thường, sau hai tháng thì cháu phát bệnh, tím tái hết người, quanh năm điều trị tại viện Nhi Trung ương”. Hai bác thương binh Khương và Đào cũng là đôi bạn thân, luôn hàn huyên tâm sự bên chén trà cùng nhau tại ngôi nhà trung tâm.
Những tổ ấm hạnh phúc
Những mối tình đã đơm hoa kết trái ngay tại trung tâm điều dưỡng đem lại cuộc sống hạnh phúc cho những thương bệnh binh nặng. Thậm chí, có ba thế hệ làm việc tại trung tâm.
Nữ y tá Đặng Thị Cẩm Vân làm việc tại trung tâm được 5 năm. Ba thế hệ gia đình cô gắn bó với ngôi nhà chung này. Ông ngoại là cán bộ trung tâm đã nghỉ hưu. còn bố cũng là nhân viên của trung tâm. Rồi mẹ của Vân theo cha vào làm hộ lý, chăm sóc cho các thương bệnh binh. Nữ y tá Nguyễn Thu Hà mẹ cũng là y tá, đã bén duyên với một anh thương binh Nguyễn Văn Lục quê Bà Vì, Hà Nội, thương tật hạng 1/4, họ nên nghĩa vợ chồng. Khi con gái 12 tuổi, họ mới chuyển về nhà riêng ở. Giờ đây Thu Hà lại nối nghề của mẹ, chăm sóc cho các bác, cô chú thương binh.
Tôi tới thăm khu gia đình riêng của thương bệnh binh với 20 ngôi nhà hạnh phúc ngay trong trung tâm. Một căn hộ khép kín diện tích 50 m2 là tổ ấm của vợ chồng bác thương binh nặng Trương Đình Huy. Bác Huy sinh năm 1948, quê xã An Ninh, Bình Lục, Hà Nam, đang hưởng chế độ thương binh hạng 1/4, tỷ lệ thương tật 100%.
Vợ bác Huy tâm sự: “Gia đình tôi đồng ý cho tôi lấy chồng là thương binh chứ không ngăn cản. Cưới năm 1972, vợ chồng tôi có 4 người con, nay có 8 cháu nội ngoại. May mắn là các con cháu đều khỏe mạnh”.
Nhờ sự chăm sóc của bác gái, của trung tâm, bác Huy vẫn khỏe mạnh, tuy hơn chục năm nay phải ngồi xe lăn. Mọi sinh hoạt cá nhân bác đều trông chờ vào đôi bàn tay của người vợ hiền, đồng hành gắn bó với chồng đằng đẵng như vậy.
thương binh Duy Tiên (Từ 2012 đến nay):
* 3 lần được tặng Cờ thi đua xuất sắc của Bộ LĐ-TB&XH (2012, 2014, 2016)
* 2 lần được Chính phủ tặng Cờ thi đua (2015; 2017)
* Năm 2012, được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì
* Năm 2017, kỷ niệm 60 năm thành lập, trung tâm vinh dự
đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.