Ám ảnh 'việc nhẹ lương cao' ở miền đất hứa

GD&TĐ - Tin vào lời mời gọi, dụ dỗ 'việc nhẹ lương cao' ở xứ người, nhiều lao động đã không ngần ngại xuất ngoại để tìm công việc mơ ước…

Lực lượng chức năng giải cứu đưa 36 nạn nhân về nước qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Ảnh: CAHT
Lực lượng chức năng giải cứu đưa 36 nạn nhân về nước qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Ảnh: CAHT

Tuy nhiên, khi đặt chân đến “miền đất hứa” họ mới sực tỉnh rằng, việc xuất ngoại của mình không phải là những chuỗi ngày sống ở chốn “thiên đường” mà thực tế bị hành hạ, lao lực. Nhiều nạn nhân từ chỗ bị lừa đảo đã phải “ép” mình thành kẻ lừa đảo để tránh những trận đòn roi và tìm cơ hội được giải cứu đưa về nước.

Sa chân “địa ngục”

Năm 2019, khi học hết lớp 7, hai em gái N.T.T. (SN 2005) và L.T.H. (SN 2005, người dân tộc Phù Lá, đều trú tại xã Tả Phời, TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai) bị nhóm buôn người lừa bán sang Trung Quốc, rồi sau đó qua Myanmar. Đến tháng 12/2023 thì bị bán sang đặc khu Bò Kẹo (Lào).

Quá trình 5 năm lưu lạc ở xứ người, hai cô gái trẻ bị ép buộc làm việc, bị đánh đập, ngược đãi thể xác, tinh thần và không được trả tiền công. Các nạn nhân sau đó đã làm đơn cầu cứu đến Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Hà Tĩnh.

Ngày 30/5/2024, BĐBP Hà Tĩnh phối hợp với Cục Phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh BĐBP), Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh tiến hành giải cứu thành công T. và H. để đưa về Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.

Nguyễn Văn Phúc (33 tuổi, trú tại ấp 6, xã Ba Sao, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) do không có việc làm ổn định nên đã lên mạng kiếm thông tin, rồi từ đó những chuỗi ngày đen tối đã tìm đến với cuộc đời của Phúc.

Tháng 7/2023, qua tìm hiểu trên mạng xã hội, Phúc liên hệ với một tài khoản tuyển dụng lao động “việc nhẹ lương cao” làm việc trong casino tại Campuchia. Theo hướng dẫn của người tuyển dụng, Phúc bắt xe khách lên khu vực cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và được một người đàn ông dẫn qua Campuchia theo đường tiểu ngạch.

Đến Campuchia, Nguyễn Văn Phúc không được đưa đến casino như hứa hẹn ban đầu mà bị đưa đến một địa điểm khác. Phúc được giao nhiệm vụ sử dụng mạng xã hội lập tài khoản để kết bạn, lừa đảo người ở Việt Nam.

Sau 1 tháng làm việc, Phúc không lừa đảo được ai nên nhóm người nước ngoài yêu cầu Phúc nộp 70 triệu đồng mới cho về nước. Do không có tiền nộp nên Phúc bị bán sang Myanmar và tiếp tục bị ép thực hiện các hành vi lừa đảo.

Tại Myanmar, Phúc cũng không đáp ứng được yêu cầu công việc nên nhóm người buộc Phúc phải nộp 370 triệu đồng để được tự do. Vì không có tiền nên Phúc lại bị chuyển đến đặc khu tại tỉnh Bò Kẹo (Lào) để tiếp tục làm “nhiệm vụ” lừa đảo. Để Phúc và các lao động khác phải lệ thuộc, và giảm thời gian ngủ, nhóm người quản lý đã ép họ dùng ma túy.

Làm việc được 20 ngày, do bị bệnh ngoài da, nhóm người quản lý sợ lây nhiễm nên cho Phúc đi chữa bệnh. Lợi dụng việc này, Phúc đã mang theo tư trang, trong đó có chứa hồng phiến trốn về Việt Nam.

Đến khoảng 9 giờ 30 phút ngày 3/1/2024, khi Phúc đang làm thủ tục nhập cảnh tại khu vực Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, thuộc địa phận huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh thì bị lực lượng chức năng bắt giữ.

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Hương Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Nguyễn Văn Phúc về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”.

Nhóm người cầm đầu trong đường dây tội phạm mua bán người vừa bị bắt giữ. Ảnh: CAHT

Nhóm người cầm đầu trong đường dây tội phạm mua bán người vừa bị bắt giữ. Ảnh: CAHT

Nỗ lực đấu tranh, giải cứu

Theo lãnh đạo Công an tỉnh Hà Tĩnh, qua triển khai đấu tranh với tội phạm mua bán người, thời gian gần đây, đơn vị nhận được đơn cầu cứu của nhiều gia đình nạn nhân bị lừa sang Lào, Thái Lan với chiêu thức “việc nhẹ lương cao” rồi bán cho các tổ chức tội phạm người Trung Quốc đang hoạt động tại Lào.

Tiếp nhận các nội dung trên, Ban Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự xác lập chuyên án, huy động tối đa lực lượng, phương tiện, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh.

Sau gần 1 tháng triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp, ngày 22/5/2024, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan và Công an Lào bắt giữ 4 đối tượng cầm đầu đường dây tội phạm. Giải cứu, đưa 36 người Việt Nam từ Đặc khu kinh tế Bò Kẹo (Lào) về nước an toàn.

Các đối tượng bị bắt giữ gồm Lê Xuân Thành (SN 1989), Lê Anh Tuấn (SN 1990, trú xã Kỳ Lợi), Dương Anh Điện (SN 1986, trú phường Kỳ Thịnh, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh), Lê Thanh Trầm (SN 1978, trú tại huyện Yên Thành, Nghệ An).

Bước đầu cơ quan điều tra xác định, từ cuối năm 2023, Lê Xuân Thành và Lê Anh Tuấn sang Lào làm việc cho một tổ chức tội phạm người Trung Quốc tại Đặc khu kinh tế Bò Kẹo (Lào). Thành, Tuấn có nhiệm vụ thông qua mạng xã hội lừa đảo người Việt Nam đầu tư vào các app lừa đảo để chiếm đoạt tài sản.

Từ tháng 11/2023 đến 4/2024, Thành và Tuấn được giao nhiệm vụ quản lý, tìm kiếm người từ Việt Nam đưa sang hoạt động. Vì đó, hai đối tượng trên thông qua mạng xã hội tuyển dụng người sang Thái Lan lao động với chiêu bài “việc nhẹ lương cao”.

Với phương thức, thủ đoạn đó, Thành và Tuấn đã đưa 22 người Hà Tĩnh qua cửa khẩu Tây Trang (Điện Biên) đến Đặc khu kinh tế Bò Kẹo, Lào giao cho các đối tượng Trung Quốc.

Số người này khi sang được cung cấp máy tính, điện thoại và hướng dẫn, đào tạo để lập tài khoản mạng xã hội nhắn tin, gọi điện lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người Việt Nam. Họ bị thu hộ chiếu, bị giam lỏng, đánh đập, không được trả lương.

Trung tá Phan Văn Yên, Phó Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm (BĐBP Hà Tĩnh) cho biết, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã trực tiếp chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan và tiếp nhận 11 vụ giải cứu các nạn nhân là người Việt Nam bị lừa bán ra nước ngoài, đưa 84 công dân về nước an toàn. Các nạn nhân chủ yếu đang bị giam giữ tại Đặc khu kinh tế Bò Kẹo. Đây là địa điểm rất phức tạp gồm hàng loạt công ty với ông chủ là người Trung Quốc. Ở đó tập trung nhiều đối tượng cộm cán, trốn truy nã nên quá trình tiếp cận các nạn nhân để giải cứu cần vạch ra những phương án hợp lý để đảm bảo an toàn cho nạn nhân”, Trung tá Yên nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.