Cứ thế theo hai ngả đường như thể là kình địch của nhau.
Tôi và Tùng yêu nhau chóng vánh chỉ vỏn vẹn trong 6 tháng đã đi đến kết hôn. Để chuẩn bị “về chung một nhà” chúng tôi đã phải vượt qua rất nhiều rào cản. Mặc cho gia đình nhà chồng có những người gièm pha vì tôi là người theo đạo, họ sợ sau này việc thờ cúng ông bà không được chu toàn.
Ngày cưới, họ nhà trai cũng chỉ đưa những đồ lễ cho có lệ, với lý do người công giáo không cần quá câu nệ. Mọi cái đơn giản cho đỡ tốn tiền. Họ hàng nhà tôi nhìn vào ai cũng ngán ngẩm...
Nhà Tùng có hai anh em trai, anh là con trai thứ. Nhà tôi vốn thuần nông, sau khi học xong cấp 3, tôi không học tiếp mà ở nhà đi làm công nhân tại khu công nghiệp gần nhà. Anh cách nhà tôi khoảng ba cây số, anh có mở một tiệm hớt tóc nam nhưng khách lúc có lúc không, thu nhập cũng không ổn định. Cưới xong, chúng tôi cũng dự định sẽ xin ra ở riêng cho tiện vì anh của Tùng đã kết hôn hơn hai năm rồi vẫn còn đang ở với ông bà.
Cưới nhau được một năm thì chúng tôi có em bé. Đứa con trai kháu khỉnh coi như là điểm tựa để vợ chồng tôi phấn đấu. Thế nhưng mọi sự rắc rối cũng bắt đầu khi em bé chào đời. Tôi chỉ là công nhân, nghỉ sinh nên đồng ra đồng vào lo cho con cũng khó, chồng thu nhập bấp bênh.
Cứ thế những trận cãi vã ngày một nhiều, lời qua tiếng lại giữa hai bên gia đình càng thêm ồn ào. Những lúc hai vợ chồng cãi vã, gia đình chồng không thèm can ngăn khuyên nhủ mà mẹ chồng còn đổ thêm dầu vào lửa, bênh con trai bà ra mặt.
Thậm chí, bà còn nói thẳng trước mặt tôi và Tùng rằng không ở được với con tao thì mày cút về “cái ổ” nhà mày đi! Cái loại “khác máu tanh lòng”! Uất ức không chịu nổi những lời ra tiếng vào tôi quyết định bế con về nhà ngoại.
Ngày tôi bế con về anh không hỏi han lấy một câu. Thậm chí anh còn nghe lời mẹ viết đơn ly dị rồi nhờ người đưa đến cho gia đình tôi. Sau một thời gian suy nghĩ lại cuộc hôn nhân của mình, tôi cũng đưa ra quyết định.
Ly hôn, ừ thì ly hôn! Coi như giải thoát cho mình. Tôi nghĩ, Nếu cố níu kéo thì cũng chẳng thể hòa hợp được. Một người đàn ông không lo nổi cho vợ con thì níu kéo cũng chỉ như chuốc thêm đau khổ. Tôi tự nhủ.
Trước khi ra tòa tôi chỉ đề nghị anh cho tôi được quyền nuôi con. Anh đồng ý ngay tắp lự mà không chút do dự.
Khi thủ tục ly hôn xong, tôi bế con về nhà ngoại chờ cho con cứng cáp thêm chút nữa rồi tính tiếp. Sau một thời gian lấy lại thăng bằng, tôi đi làm công ty trở lại để lo cho con. Thế nhưng, sau mỗi lần tan ca về tôi đều bị anh chặn lại giữa đường, anh dùng những từ ngữ bẩn thỉu mạt xát tôi cộng với những lời đe dọa.
Sau nhiều lần như vậy, tôi không dám đi làm một mình mà phải đi nhờ cùng một số chị em ở công ty. Lý do anh chặn xe đe dọa tôi là anh đòi lại con của mình.
Tìm hiểu ra tôi mới biết được rằng vì anh trai của Tùng sau nhiều năm chạy chữa, vừa rồi đi khám về mới biết được anh ta bị vô sinh vì thế mà mẹ chồng lại xúi anh đi đòi con về để lấy người nối dõi tông đường.
Tôi không bao giờ chấp nhận giao con cho gia đình anh. Biết được sự cương quyết ấy của tôi, anh ra sức phá hoại bằng cách đêm đêm anh quẳng những thứ xú uế vào trong nhà, hôm thì mắm tôm, hôm thì dầu luyn pha lẫn mắm tôm... Chịu không nổi, ông bà ngoại báo chính quyền anh mới dừng việc làm của mình.
Để giữ sự thanh bình cho gia đình, tôi quyết định đưa con vào miền Nam để mưu sinh. Mặc cho phía trước còn nhiều chông gai, nhưng tôi vẫn thấy mình sáng suốt vì đã thoát khỏi ám ảnh cuộc hôn nhân của mình, trả lại sự bình yên cho bố mẹ.