Ám ảnh khôn nguôi

GD&TĐ - Lở núi kinh hoàng tại thôn 3 xã Phước Lộc vào trưa ngày 28/10 mãi để lại vết cắt trong trái tim của cậu bé sớm mồ côi cha. Bà ngoại và em gái của Lan đã vĩnh viễn nằm lại trong ngôi nhà nhỏ sụp đổ bởi bùn đất…

Một HS Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Leng được đưa đi cấp cứu trong vụ sạt lở vùi lấp 11 căn nhà ở nóc Ông Đề (xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, Quảng Nam).
Một HS Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Leng được đưa đi cấp cứu trong vụ sạt lở vùi lấp 11 căn nhà ở nóc Ông Đề (xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, Quảng Nam).

Hồ Văn Lan - HS lớp 10/2, Trường THPT Dân tộc nội trú Phước Sơn (thị trấn Khâm Đức, Phước Sơn, Quảng Nam) vừa trải qua những ngày cùng cực, tuyệt vọng để rồi vỡ òa hạnh phúc khi nhận được tin mẹ em đã được tìm thấy sau 5 ngày lạc trong rừng. Nhưng trận lở núi kinh hoàng tại thôn 3 xã Phước Lộc vào trưa ngày 28/10 mãi để lại vết cắt trong trái tim của cậu bé sớm mồ côi cha. Bà ngoại và em gái của Lan đã vĩnh viễn nằm lại trong ngôi nhà nhỏ sụp đổ bởi bùn đất…

Mồ côi tội lắm 

Chiều 28/10, Hồ Văn Lan nhận được tin từ anh chị ruột của mình, đang ở Khâm Đức, rằng cả bà ngoại, mẹ và em gái bị vùi lấp trong vụ sạt lở núi. Chưa biết tình hình cụ thể thế nào, cậu học trò nhỏ tưởng chừng như cả khối đất đá đổ ập xuống người mình. Nước mắt ầng ậc, Lan không thể trả lời bất cứ câu hỏi nào, từ bạn bè. Chỉ biết khóc và khóc. Đầu óc trống rỗng. Đêm 28/10 và những đêm sau đó là khoảng thời gian dài đối với Lan bởi em không thể trở về làng, những cơn mưa triền miên, đường vẫn sạt lở. 6 năm trước, anh chị em của Lan đã mồ côi cha. Rồi em nhận được tin báo đã tìm thấy xác của cô em gái. Bà ngoại và mẹ thì chưa biết thế nào. 

Cách đây hai tháng, Hồ Văn Lan về nhà vào cuối tuần. Em nhớ mãi nụ cười rạng rỡ của đứa em gái khi nhận được món quà nhỏ từ anh trai đi học xa. Lan ở nhà với bà ngoại, mẹ và em gái được 1 ngày đêm rồi trở lại trường. Thế rồi mưa bão liên tục đã giữ chân Lan ở trường. Giờ thì em không còn nhà để về. Lan như cây non héo rũ đi từng ngày, cho đến khi nhận được tin báo đã tìm thấy mẹ em, sau 5 ngày lạc trong rừng, kiệt sức và người đầy những vết thương. Lan vừa cười vừa khóc, vì hạnh phúc, sung sướng vỡ òa. Dù trong niềm vui còn có những nỗi đau không gì bù đắp được. 

Mới học lớp 6, cô học trò nhỏ Đinh Thị Kim Hằng (nóc Ông Sinh, xã Trà Vân, Nam Trà My, Quảng Nam) trở thành trụ cột, chỗ dựa của hai đứa em nhỏ,  khi bỗng chốc mất cả cha lẫn mẹ và 2 người em ruột trong vụ sạt lở kinh hoàng vào đêm 28/10. Ba mẹ và 2 em của Hằng, một em đang học mẫu giáo, một em bé mới sinh bị vùi lấp sâu dưới đống đổ nát. Đinh Thị Kim Hằng, dù vẫn còn chưa hết bàng hoàng, ở lại thôn lo hậu sự cho ba mẹ theo phong tục của làng. Em trai của Hằng, bé Đinh Hoàng Thái bị gãy chân được chuyển về Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam và vẫn đang nằm điều trị với nhiều dư chấn của vụ sạt lở kinh hoàng để lại. Đinh Hoàng Thái vẫn chưa hết hoảng sợ, ngơ ngác. Mặc dù đã đeo khẩu trang nhưng Thái vẫn lấy tay che mặt vì không muốn nói chuyện khi được hỏi. “Ba mẹ và 2 em của con mất rồi”. Em bé 2 tuổi Đinh Vũ Thượng Thiên, sau 2 ngày được chăm sóc, theo dõi tại bệnh viện huyện, đã được người chị họ đón về chăm sóc. 

Ông Hà Thanh Quốc – Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam động viên em Hồ Văn Lan có người thân gặp nạn trong vụ sạt lở ở Phước Thành.
Ông Hà Thanh Quốc – Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam động viên em Hồ Văn Lan có người thân gặp nạn trong vụ sạt lở ở Phước Thành. 

Còn ai ở đây không, có ai không?

11 căn nhà quây quần ở Nóc Ông Đề (xã Trà Leng, Nam Trà My) giờ chỉ còn là đống đổ nát đầy ám ảnh, hoang tàn. Nhưng trước đó, 17 ngôi nhà khác, nằm gần trung tâm xã Trà Leng bị xóa sổ hoàn toàn trước những dòng thác ầm ầm đổ xuống trong vụ sạt lở núi đầu tiên ở Trà Leng trong chiều 28/10. Thầy Bùi Quang Ngọc - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học (PTDTBT TH) Trà Leng, giọng đầy mệt mỏi và buồn bã, kể: “Chiều 28/10 là nỗi ám ảnh và kinh khủng nhất cho đến tận bây giờ, người dân trong xã vẫn còn chưa hết sợ hãi”. 150 người của 17 hộ gia đình bị vùi lấp trong vụ sạt lở đầu tiên đã kịp sơ tán đến Trường PTDTBT TH trước khi vụ lở núi xảy ra. 

“Lũ quét kinh hoàng khiến tầng 1 của trường bị ngập sâu trong bùn đất. Chừng đấy con người, già có, con nít có, hoảng loạn chạy thoát thân lên dãy phòng học ở tầng 2 để trú ẩn” – thầy Ngọc kể.

Chỉ mấy tiếng đồng hồ sau, 4 thầy giáo của trường cùng ông Hồ Quốc Khánh, Phó Ban dân tộc HĐND huyện Nam Trà My, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Trà Leng mò mẫm trong đêm tối, lội bộ đến nóc Ông Đề với nỗi kinh hoàng đến tột cùng. Họ vừa dọi đèn pin quét khắp nơi, vừa kêu gào trong nước mắt: “Có ai không”, “Còn ai không”. Họ cứu được 2 cháu bé bị thương khá nặng và phát hiện 5 thi thể. Sáng hôm sau, ông Khánh nghe được tin một số người ở nóc ông Đề kịp thoát thân đã chạy lên dãy núi Tak Pa Rak nằm phía sau nóc. Sau 1 giờ đồng hồ băng rừng, ông lên đến nơi, thấy nhiều người trong tình trạng đói khát, rét run vì không có quần áo mặc, vừa trải qua một đêm kinh hoàng dài hơn một đời người. Ông Khánh chạy xuống núi nhờ người tiếp tế lương thực lên cho người dân ăn tạm rồi tìm đường đưa người bị thương xuống để đi cấp cứu. Chiều hôm đó, lực lượng cứu hộ đã cắt rừng, tiếp cận hiện trường để tìm kiếm nạn nhân. Vụ sạt lở Trà Leng  khiến nhiều HS mất đi người thân, mồ côi cha mẹ, không còn một mái nhà để trở về. 

Cô Phạm Thị Thứ - Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú Phước Sơn ngậm ngùi: Trong vụ sạt lở núi ở Phước Thành, căn nhà vừa mới xây của cô Hồ Thị Dung bị cuốn trôi toàn bộ. Gom góp bao nhiêu năm, hai vợ chồng cô Dung vay thế chấp lương thêm 150 triệu đồng để xây nhà, chưa kịp ở ngày nào trong căn nhà mới thì lũ quét ập đến, chỉ còn lại đống đổ nát. Gia đình thầy Hồ Văn Hiền cũng bị cuốn trôi toàn bộ tài sản, vật nuôi. “Dù công đoàn các cấp, đồng nghiệp gom góp hỗ trợ nhưng cũng chỉ mang tính chất động viên là chủ yếu” – cô Thứ chia sẻ.

Sau thảm họa, nhiều GV trong trường có tâm lý hoang mang và vô cùng lo lắng. Trong số 33 giáo viên, nhân viên của trường chỉ có 3 người địa phương, còn lại từ các xã khác và phần lớn từ miền xuôi lên. Dù nhà trường đã động viên, trấn an tâm lý nhưng sự lo sợ là không thể tránh khỏi. - Thầy Bùi Quang Ngọc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

“Yêu chay” không có nghĩa là mối quan hệ thiếu tình yêu. (Ảnh: ITN)

Vì sao 'yêu chay' ngày càng phổ biến?

GD&TĐ - Có tới 40 triệu người Mỹ đang trong các mối quan hệ lãng mạn không quan hệ tình dục. Đáng nói,phần lớn những người này hoàn toàn hài lòng với điều đó.