Cuối thế kỷ 19, một sinh viên Y khoa người Pháp tên là Ernest Duchesne đã trình luận án Tiến sĩ mang tính đột phá về sự đối kháng giữa nấm mốc và vi khuẩn. Những gì ông khám phá chính là Penicillin kháng sinh tự nhiên, một thành tựu thường được ghi nhận là của bác sĩ người Scotland, Alexander Fleming. Công trình của Duchesne bị lãng quên mãi hơn nửa thế kỷ sau mới được nhìn nhận lại.
Phát hiện đột phá
Ernest Duchesne sinh tại Paris vào năm 1874 là con trai của một kỹ sư hóa học. Sau khi hoàn thành chương trình giáo dục trung học, ông được nhận vào trường Quân y ở Lyon vào năm 1894. Hai năm sau, Duchesne trở thành nghiên cứu sinh dưới sự hướng dẫn của Gabriel Roux - Giáo sư vi sinh vật kiêm Giám đốc Cơ quan Vệ sinh đô thị ở Lyon.
GS Gabriel Roux từng quan sát một hiện tượng thú vị: Bào tử nấm rất nhiều trong không khí, có thể phát triển trong nước cất, nhưng không có trong nước máy và nước ở đài phun. Điều này khiến ông nghi ngờ một số vi sinh vật trong nước có khả năng ức chế sự phát triển của nấm mốc.
Được GS Gabriel Roux gợi ý dùng ý tưởng này làm nền tảng cho luận án, Duchesne tiến hành một loạt thí nghiệm, bao gồm nuôi cấy Penicillium glaucum trong nước luộc thịt, sau đó đưa một lượng nhỏ vi khuẩn, Salmonella typhi và Escherichia coli, vào các quần thể nấm.
Mỗi lần như vậy, bào tử nấm đều chết, cho thấy trong cuộc đấu tranh sinh tồn, vi khuẩn đã chiếm ưu thế. Tuy nhiên, Duchesne suy đoán, trước khi Penicillium chết, nó đã làm suy yếu vi khuẩn, do đó giảm độc lực và đặc tính gây bệnh của chúng.
Để kiểm tra giả thuyết này, Duchesne tiêm vào chuột lang một dung dịch chứa lượng Penicillium glaucum và E.coli bằng nhau. Ban đầu, những con chuột ốm nặng nhưng rồi hồi phục nhanh chóng. Hai ngày sau, ông tiêm thêm liều tương tự, chuột thí nghiệm không có dấu hiệu bị ốm, chứng tỏ chúng phát triển sức đề kháng với E.coli.
Mặc dù Duchesne không xác định được loại kháng sinh do nấm mốc Penicillium glaucum sản sinh, nhưng ông đã kết luận đúng về công dụng điều trị bệnh của nấm.
Luận án của Duchesne đã giúp ông có được học vị Tiến sĩ, nhưng nghiên cứu mang tính đột phá này không được cộng đồng y khoa chú ý. Vào cuối năm 1898, Duchesne được bổ nhiệm làm bác sĩ ở Trung đoàn Hussars số 2 đóng tại Senlis.
Ông kết hôn vào năm 1901, nhưng người vợ qua đời hai năm sau đó vì bệnh lao. Bản thân ông cũng mắc bệnh và được xuất ngũ vào năm 1907. Ông đã dành những năm cuối đời tại nhiều viện điều dưỡng khác nhau ở miền Nam nước Pháp và Thụy Sĩ, trước khi qua đời vào năm 1912 ở tuổi 38.
Vai trò của Fleming
16 năm sau, vào năm 1928, bác sĩ Alexander Fleming cũng có một khám phá tương tự như của Duchesne, khi quá trình nuôi cấy Staphylococcus aureus của ông vô tình bị nhiễm nấm mốc Penicillium. Fleming, cũng như Duchesne, đã quan sát thấy nấm mốc giải phóng một chất ức chế sự phát triển của vi khuẩn.
Mặc dù phát hiện này có ý nghĩa quan trọng, bài báo công bố của Fleming trên Tạp chí Experimental Pathology của Anh năm 1929 đã không thu hút được nhiều sự chú ý - giống như luận án của Duchesne nhiều năm trước đó khiến ông từ bỏ việc nghiên cứu thêm về nó.
Một thập niên sau, vào cuối những năm 1930, nhà sinh hóa người Anh gốc Đức, Ernst Boris Chain đã tình cờ phát hiện bài báo của Fleming. Nhận ra tiềm năng của nó, Chain đã gợi ý với nhà khoa học người Australia, Howard Florey, rằng việc nghiên cứu các chất kháng khuẩn do vi sinh vật tạo ra có thể là một hướng đi đầy hứa hẹn trong y học. Florey tập hợp một nhóm các nhà sinh học tại Đại học Oxford cùng làm việc, cuối cùng họ đã phân lập thành công và sản xuất hàng loạt Penicillin, biến nó thành một loại kháng sinh cứu người.
Sau khi các đặc tính chữa bệnh của Penicillin được công chúng biết đến, nhờ một bài báo trên tờ The Times, Alexander Fleming trở thành tâm điểm của sự chú ý, làm lu mờ Howard Florey. Các phương tiện truyền thông đã gán ghép gần như hoàn toàn công lao phát minh ra Penicillin cho Fleming.
Năm 1945, Fleming, cùng với Florey và Ernst Boris Chain, được trao giải Nobel Y học do “phát hiện ra Penicillin và tác dụng chữa trị của nó trong nhiều bệnh truyền nhiễm”. Mặc dù giải thưởng được chia đều cho cả ba người, nhưng Fleming vẫn tiếp tục nhận được sự công nhận rộng rãi của công chúng, trong khi vai trò quan trọng của Florey và Chain trong việc phát triển Penicillin thành một phương pháp điều trị khả thi thường bị bỏ qua.
Nhìn nhận muộn màng
Công trình của Duchesne được tái khám phá vào năm 1949, nhờ Justin Godart, người đã trình bày một báo cáo trước Viện Hàn lâm Y khoa Quốc gia vào tháng 2 năm đó. Sự kiện này đánh dấu sự khởi đầu của một sự công nhận muộn màng về những đóng góp của Duchesne.
Trong những năm tiếp theo, ý kiến về di sản của Duchesne rất khác nhau. Một số người khẳng định Duchesne thực sự phát hiện ra Penicillin và ghi chép lại các đặc tính kháng khuẩn của nó nhiều thập niên trước Fleming. Những người khác cho rằng, Duchesne là người đầu tiên quan sát thấy mối quan hệ đối kháng giữa Penicillium và vi khuẩn, nhưng ông không chứng minh đầy đủ tiềm năng sử dụng trong điều trị.
Trong sách giáo khoa dành cho sinh viên năm nhất chuyên ngành Kỹ thuật Hóa học và Chế biến sinh học, hai nhà khoa học Ricardo Simpson và Sudhir K. Sastry lập luận rằng, “theo bối cảnh lịch sử, người đầu tiên nhận thấy sự hiện diện của Penicillin không phải là Alexander Fleming, mà là sinh viên y khoa người Pháp, Ernest Duchesne, vào năm 1896”.
Cuộc tranh luận về việc ai thực sự phát hiện ra Penicillin có thể ít quan trọng hơn việc công nhận những người đã đưa Penicillin vào ứng dụng thực tế. Công lao này thuộc về các nhà khoa học Howard Florey, Ernst Boris Chain và nhóm của họ, đã phân lập thành công và phát triển nó thành một loại thuốc cứu mạng con người.