Sáng nay (11/7), trong phiên chất Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao Huỳnh Thanh Nhân tại kỳ họp HĐND TPHCM thứ 20, vấn đề xử lý tiếng ồn karaoke trở thành chủ đề nóng với nhiều ý kiến trao đổi.
Cử tri TPHCM bức xúc với tiếng ồn karaoke
Đại biểu Tăng Hữu Phong, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM cho biết, đề xuất dừng hát karaoke bằng loa kẹo kéo của Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Tô Thị Bích Châu cách đây 2 ngày nhận được quan tâm và đồng tình của đông đảo cử tri. Ông Phong đặt câu hỏi, quan điểm của Sở Văn hoá - Thể thao về vấn đề này và khắc phục thế nào?
Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Huỳnh Thanh Nhân cho biết “liên quan đến tiếng ồn của karaoke, với trách nhiệm của ngành văn hoá, thể thao thành phố, vài năm qua Sở nhận được phản ánh của người dân, tất cả những phản ánh này Sở đều cho thanh tra và kết hợp các quận huyện tiến hành xử lý tiếng ồn”.
Về trách nhiệm xử lý, Sở Văn hoá - Thể thao có lực lượng thanh tra và làm trưởng đoàn kiểm tra liên ngành văn hoá xã hội, có phối hợp Sở Tài Nguyên - Môi trường để xử lý về mặt tiếng ồn. Tuy nhiên, ông Nhân cho rằng “hiện nay theo Nghị định 1155 của Chính phủ, Sở không có chức năng để đo tiếng ồn, chúng tôi phải ký hợp đồng với đơn vị chức năng đo mới xử lý theo quy định. Theo nghị định 167, Công an thành phố được xử lý vi phạm hành chánh về tiếng ồn này, nhưng quy định mức xử phạt còn thấp. Quy định theo nghị định 155 của Chính phủ thì trách nhiệm xử lý tiếng ồn là của ngành Tài nguyên - Môi trường”.
Trong tham mưu cho UBND thành phố, Sở có 2 văn bản tham mưu trong giao trách nhiệm của các ngành liên quan. Trong đó gồm trách nhiệm của Sở Văn hoá - Thể thao, công an thành phố, sở Tài nguyên - Môi trường và thứ 4 là trách nhiệm của UBND các quận huyện và cuối cùng là các đoàn thể phối hợp tuyên truyền người dân. Đặc biệt, hai văn bản này cũng nhấn mạnh trách nhiệm là chủ tịch UBND và trưởng công an khu vực phường, xã, thị trấn. Ngành văn hoá sẽ tiếp tục phối hợp các quận huyện tăng cường quản lý, xử lý kịp thời để không phát sinh mâu thuẫn khi xảy ra tiếng ồn, dẫn đến hành vi đáng tiếc.
Sau trả lời của Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao, Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Lệ đã chất vấn các sở, ban ngành về trách nhiệm xử lý vấn đề ồn karaoke. “Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao nói trách nhiệm chỉ có một khúc, còn lại là Công an thành phố, Sở Tài nguyên - Môi trường và chính quyền địa phương. Tài nguyên môi trường nói trách nhiệm của văn hóa, văn hóa nói của tài nguyên môi trường, công an. Vậy ai giải quyết vấn đề này?”, bà Lệ đặt câu hỏi.
Xử phạt tiếng ồn chỉ 100.000-300.000 đồng
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết “vấn đề phát sinh tiếng ồn do hiện nay người dân sử dụng micro và loa rời để giải trí, từ năm 2013 Chính phủ cũng đã ban hành nghị định 167 để kiểm soát tiếng ồn từ 22h-6h ở các khu dân cư. Trong 6 tháng đầu năm, chúng tôi đã lập biên bản 46 trường hợp và xử lý phạt từ 100.000-300.000 đồng, dù thấp nhưng cũng là giải pháp để chấn chỉnh ngay ban đầu việc gây ồn khu dân cư, ảnh hưởng đến hoạt động người dân”.
Cũng theo ông Thắng, với nguồn gây tiếng ồn lớn, năm 2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định 155 cho phép ngành tài nguyên, môi trường và cơ quan có thẩm quyền đo đạc, xử lý. Ông Thắng cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp thu đề xuất của UBMTTQ để tham mưu UBND tiến hành xử lý trên hướng thực hiện nghị định 167 và nghị định 155.
Phát biểu thêm, bà Tô Thị Bích Châu- Chủ tịch Uỷ ban MTTQ nêu: “Tại các cuộc họp tổ dân phố, khu phố, người dân thường xuyên phản ánh việc hàng quán, tiệc tùng mở karaoke làm phiền gia đình mình. Chúng ta không thể ép buộc người dân trong hoạt động tinh thần, ý kiến của MTTQ là cần có biện pháp để người dân nhận thấy không nên làm phiền người khác, đặc biệt tại các khu dân cư san sát nhau, chi phối hoạt động của người dân rất lớn”.
Theo bà Châu, vụ việc mới đây tại huyện Bình Chánh dẫn đến án mạng nguyên do xuất phát từ tiếng ồn karaoke. Điều này cho thấy có sự bức xúc âm ỉ kéo dài, liên tục , khiến người dân dễ bị ức chế. Bà Châu cho rằng, nghị định 167 chỉ nhắc nhở ban đêm, trong khi việc gây tiếng ồn kéo ban ngày cũng ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Để xử lý vấn đề này, chính quyền cần có sự đồng thuận của người dân, đưa quy định về sử dụng loa kéo hát karaoke vào Hương ước, Quy ước của khu dân cư để có sự tôn trọng nhau. Nếu người dân không chịu tuân thủ thì chính quyền các cấp mới xem xét xử lý hành chính theo quy định pháp luật.
Sau những ý kiến trả lời của lãnh đạo các sở, Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Lệ đã đề nghị giám đốc Sở Văn hoá thể thao làm thường trực đoàn kiểm tra liên ngành văn hoá xã hội rà soát các quy định pháp luật, xem xét đưa vào bộ tiêu chí xây dựng văn hoá cộng đồng. Chủ tịch HĐND TPHCM nhận định trách nhiệm giữa các đơn vị, cơ quan chưa liên kết với nhau, đùn đẩy trách nhiệm của các cán bộ. Bà Lệ đề nghị các sở, ngành cần hướng dẫn chính quyền cấp quận, huyện giải pháp để giải quyết vấn nạn trên.
Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao TPHCM tiếp thu và cho biết sắp tới sẽ về xây dựng tiêu chuẩn gia đình văn hoá với yêu cầu “gia đình không vi phạm về tiếng ồn”.