Ai “đạo diễn” giúp Qatar giành quyền đăng cai World Cup 2022?

Sau khi cựu Chủ tịch UEFA Michel Platini bị cảnh sát Pháp tạm giữ thẩm vấn, dư luận bóng đá thế giới bắt đầu hoài nghi về việc Qatar đã hối lộ số tiền “khủng” cho cựu Chủ tịch FIFA Sepp Blatter để giành quyền đăng cai World Cup 2022.

Ông Sepp Blatter (trái) và Michel Platini được cho là những nhân vật chính giúp Qatar đăng cai World Cup 2022
Ông Sepp Blatter (trái) và Michel Platini được cho là những nhân vật chính giúp Qatar đăng cai World Cup 2022

Ông Blatter nhận hối lộ 100 triệu USD?

Sau khi ông Platini được thả hôm 19.6 sau hơn 15 giờ thẩm vấn, báo giới quốc tế tiết lộ huyền thoại này chỉ là bề nổi trong nghi án Qatar hối lộ tiền và cả lợi ích kinh tế để “mua” quyền đăng cai World Cup 2022. Trong đó, “đạo diễn” chính được cho là cựu Chủ tịch FIFA Sepp Blatter khi vị quan chức người Thụy Sĩ này bị nghi nhận hối lộ lên đến 100 triệu USD từ Qatar.

Nghi án này được dấy lên sau khi tờ Sunday Times của Anh ngày 10.3.2019 đăng tải về sự tồn tại của một thỏa thuận ngầm được ký giữa ông Blatter và kênh truyền hình Al Jazeera (Qatar) ngay trước thời điểm cuộc bỏ phiếu đăng cai World Cup 2022 diễn ra vào ngày 2.12.2010. Bản thỏa thuận được biết có giá trị 400 triệu USD về việc mua bản quyền truyền hình World Cup 2022, nhưng trong đó 100 triệu USD được thống nhất là “tiền thưởng” nếu Qatar giành quyền đăng cai.

Theo tạp chí L’espresso, “phần thưởng 100 triệu USD cho chiến thắng” trái với đạo luật của FIFA (đề nghị về kinh tế bị cấm trong quá trình vận động chạy đua đăng cai) và nó nghiễm nhiên sẽ thuộc về ông Blatter khi Qatar sau đó bất ngờ vượt qua các ứng cử viên nặng ký như Mỹ, Úc để giành quyền đăng cai ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Yếu tố này trùng khớp với tiết lộ của Platini với truyền thông về việc FIFA âm thầm chỉ định Qatar nên các thành viên bỏ phiếu chỉ có một lựa chọn ủng hộ cho đất nước vùng Vịnh bất chấp những khó khăn về thời tiết, cơ sở hạ tầng và vấn đề nhân quyền.

Số tiền “thưởng” được chuyển không lâu sau cuộc bỏ phiếu, và trước thời điểm ông Blatter ký duyệt chi cho Platini 2 triệu USD (vào tháng 2.2011) được hợp thức hóa thành tiền cố vấn FIFA của cựu danh thủ Pháp từ năm 1998 - 2002. Theo tờ Sunday Times, khoản tiền trên được cho là phần chia chác hối lộ mà Blatter chuyển cho Platini. Bởi danh thủ Pháp cùng với cựu quan chức người Qatar Mohamed bin Hamman (người giữ chức Chủ tịch AFC và Phó chủ tịch FIFA thời điểm bỏ phiếu vào năm 2010) chính là những người đóng vai trò quan trọng trong việc tác động các thành viên BCH FIFA (nay là Hội đồng FIFA) bỏ phiếu giúp đất nước vùng Vịnh đăng cai sự kiện nói trên.

Số phận hẩm hiu của thành viên bỏ phiếu ủng hộ Qatar

Theo tờ France Football, nghi án về việc Qatar hối lộ “mua” quyền đăng cai World Cup 2022 được cơ quan tư pháp Thụy Sĩ và Mỹ phối hợp điều tra từ năm 2011. Trong đó, cuộc điều tra chủ yếu nhắm vào 24 thành viên BCH FIFA tham gia bỏ phiếu giúp Qatar đánh bại Mỹ ở vòng bỏ phiếu quyết định. Chính cuộc điều tra này đã phanh phui một hệ thống tham nhũng quy mô lớn trong lòng tổ chức quyền lực nhất bóng đá thế giới, trong đó 40 quan chức và giám đốc của FIFA bị truy tố, kết án hoặc bị loại trừ khỏi môn thể thao “vua”.

Theo tạp chí L’espresso, trong số 24 thành viên BCH FIFA tham gia bỏ phiếu vào năm 2010 có 16 người bị cách chức, bỏ tù hoặc vẫn đang bị điều tra. Theo đó, chỉ vài tháng sau cuộc bỏ phiếu, ông Bin Hammam bị cách chức và cấm hoạt động bóng đá suốt đời, trong khi ông Blatter và Platini lần lượt từ chức vào năm 2015 kèm theo án phạt cấm tham gia hoạt động bóng đá từ 6 - 8 năm.

Các thành viên khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự như 3 cựu Phó chủ tịch FIFA là Jack Warner, Chung Mong-joon, Julio Grondona (đã qua đời); Nicolas Leoz (cựu Chủ tịch LĐBĐ Nam Mỹ); Ricardo Terra Teixeira (cựu Chủ tịch LĐBĐ Brazil)... Theo báo giới quốc tế, cuộc điều tra trên hiện vẫn đang tiếp diễn và nhiều khả năng ông Blatter, huyền thoại bóng đá Đức Franz Beckenbauer... sẽ bị “sờ gáy”.

Theo Thanh Niên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ