Ai đang chiếm đoạt hàng chục ngàn tỷ đồng từ đất đai?

GD&TĐ - Sự kiện trái chiều về bản đồ quy hoạch tỷ lệ 1/5.000 khu đô thị mới Thủ Thiêm là cơ sở để cơ quan quản lý Nhà nước đánh giá một cách nghiêm túc quá trình biến động nhà đất tại các dự án phát triển đô thị được triển khai ồ ạt trong thời gian qua.

Khu nhà tái định cư nhưng qua bàn tay biến hóa đã biến thành dự án với giá giao dịch thấp nhất khoảng 2 tỷ/căn.
Khu nhà tái định cư nhưng qua bàn tay biến hóa đã biến thành dự án với giá giao dịch thấp nhất khoảng 2 tỷ/căn.

Lợi ích hợp pháp của người dân chưa được bảo đảm, cơ quan chức năng loay hoay giải quyết hậu quả từ việc chiều lòng chủ đầu tư, còn doanh nghiệp và một số cán bộ thoái hóa biến chất vô tư hưởng lợi bất chính.

Trái luật, vô lý

Chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đã phân định rõ tính chất dự án sử dụng vốn ngân sách cho mục tiêu công ích thì cơ quan chuyên môn ban hành quyết định, thông báo thu hồi nhà đất. Những dự án không sử dụng vốn ngân sách, có mục đích kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở thì chủ đầu tư phải thỏa thuận với người dân về giá trị quyền sử dụng đất. Ngoài ra, chủ đầu tư còn có thể tham gia đấu giá quyền sử dụng đất đối với các khu đất công sản, hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện kinh doanh bất động sản.

Thế nhưng mục tiêu cao đẹp này đã bị biến dạng trong thực tế khi một số địa phương đã lấy lý do phải tạo điều kiện sớm triển khai dự án để ban hành bằng được các quyết định trái thẩm quyền, vi phạm Hiến pháp.

Dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm dù sử dụng ngân sách để bồi thường cho người dân nhưng quá trình thực hiện đã bị lệch hướng. Lý do là sau khi có 930ha đất sạch được thu hồi trái thẩm quyền thì số tiền bồi thường mà hàng chục ngàn hộ dân nhận được đã không đủ để họ có nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ.

Thay vì phải chọn phương án sửa sai là Ban Quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm cần hoàn chỉnh hạ tầng của toàn bộ dự án, rồi tiến hành đấu giá các lô đất một cách công khai minh bạch nhằm có nguồn thu cho ngân sách để có thêm nguồn lực hỗ trợ nhân dân thì phần lớn các diện tích đất đã được giao thẳng cho doanh nghiệp.

Ngoài hàng chục dự án được giao trái thẩm quyền trên diện tích 160ha đất tái định cư, thì việc cố tình giao hàng loạt lô đất theo kiểu đi đêm này đã giúp cho nhiều doanh nghiệp thu lợi hàng chục ngàn tỷ đồng.

Điều vô lý này đã kéo dài hơn 20 năm qua và lan sang hàng loạt dự án khác nên không khó hiểu khi hiện tượng công dân tiếp khiếu, tiếp tố về nhà đất luôn là vấn đề đau đầu của các cơ quan quản lý Nhà nước.

Vì rằng, cán bộ ban bồi thường giải phóng mặt bằng, hoặc có nơi là trung tâm phát triển quỹ đất vẫn luôn cho rằng quyền lực Nhà nước là phải ban hành quyết định thu hồi đất, áp giá theo bảng giá đất do Nhà nước ban hành bất kể đó là dự án sân golf, dự án biệt thự biển, dự án kinh doanh nhà ở…

Chỉ đến khi sai phạm được Thanh tra Chính phủ phát hiện qua kiểm tra, rà soát các vụ việc phức tạp, kéo dài thì nhiều địa phương lấy lý do sợ dắt dây, sợ phát vỡ chính sách bồi thường chung để thoái thác trách nhiệm giải quyết đúng pháp luật.

Ngoài ra, Nghị định 93/2001/NĐ-CP ngày 12/12/2001 của Chính phủ về phân cấp quản lý một số lĩnh vực đã cho UBND TP Hồ Chí Minh đã được viện dẫn để giải thích cho hành vi thu hồi đất khu vực quy hoạch xây dựng dự án mà không phân biệt mục đích của dự án, sau đó giao hoặc cho thuê đất cho chủ đầu tư.

Nhưng Hiến pháp 1992, Luật Đất đai 1993, cùng nhiều Nghị định hướng dẫn Luật Đất đai, đã quy định rõ về các dự án mà UBND các cấp không được ban hành quyết định thu hồi đất, quyết định áp giá bồi thường vì không thuộc mục đích thu hồi đất cho an ninh quốc phòng, cho lợi ích công cộng.

Nhiều hậu quả xấu

Sự việc Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận chuyển nhượng cho Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai hơn 30ha đất tại xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè chỉ là một trong nhiều vụ việc đất công bị hóa kiếp thành đất tư nhân với nhiều đường đi lắt léo, khó ngờ.

Theo quy định pháp luật, các khu đất công hoặc đất được Nhà nước giao đất không thu tiền thì phải tiến hành đấu giá nếu phục vụ mục đích kinh doanh bất động sản. Đây là cơ chế cứng để phát huy nguồn lực nhà đất cho phát triến kinh tế - xã hội, hạn chế hiện tượng tham nhũng, chống lợi ích nhóm trong kinh doanh bất động sản, là giải pháp khóa chặt tình trạng rửa tiền qua mua bán nhà đất.

Tuy vậy, hàng chục khu đất công có vị trí đắc địa đã lần lượt thay tên, đổi chủ. Thậm chí, có những doanh nghiệp kinh doanh bất động sản còn “cao tay” hơn khi chọn cách liên doanh, liên kết với doanh nghiệp Nhà nước có quỹ đất lớn để phân lô bán nhà, hoặc xây dựng cao ốc với doanh thu hàng ngàn tỷ đồng tại các khu vực đô thị vốn đã bị quá tải về hạ tầng giao thông.

Nếu tính đúng, tính đủ thì hàng chục ngàn tỷ đồng đã được đổ vào các dự án nhà cao tầng theo hình thức “anh có tiền, tôi có đất” của nhiều tập đoàn lớn… cùng hàng chục doanh nghiệp đầu tư cấp 2 khác. Điều quan trọng là chỉ có giới đầu cơ và một số cán bộ được hưởng lợi từ các dự án không minh bạch này, còn đa số nhân dân, cùng nhiều cán bộ, công chức vẫn không được thụ hưởng quỹ nhà đất hàng chục ngàn căn này dù về bản chất hầu hết quỹ đất của các dự án là đất công, là tài sản chung của cộng đồng đã được chuyển hóa thành đất kinh doanh bất động sản không qua đấu giá.

Một trong nhiều điểm đen của vấn đề này là phần đất được phê duyệt là khu nhà tái định cư tại phường Tân Hưng, quận 7, nhưng qua bàn tay biến hóa của doanh nghiệp cuối cùng đã biến thành dự án với giá giao dịch thấp nhất khoảng 2 tỷ/căn.  

Nhìn rộng hơn thì các cơn sốt đất tại Kiên Giang, Quảng Ninh, Khánh Hòa thời gian qua cũng đều có nguyên nhân chính là đất công, đất rừng không được đấu giá công khai, đấu thầu chọn nhà đầu tư mà được giao thẳng cho doanh nghiệp thực hiện các siêu dự án biệt thự biển, dự án sân golf.

Nhưng thực tế phần lớn đây là đất chỉ sạch trên giấy. Nhiều người dân vẫn đang giữ đất để khiếu nại vì giá bồi thường nhà đất không đủ để họ tái tạo cuộc sống. Khi thấy các dự án vô tư xây dựng, vô tư ký hợp đồng góp vốn thì nhiều nhà đầu tư cũng mua gom đất nông nghiệp rồi phân lô, bán nền bất chấp quy hoạch, làm giá đất sôi sùng sục.

Dự án khu du lịch Lan Anh tại ấp Cửa Lấp, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc vẫn bất động vì TAND đã tuyên hủy một số quyết định thu hồi đất sai thẩm quyền.
 Dự án khu du lịch Lan Anh tại ấp Cửa Lấp, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc vẫn bất động vì TAND đã tuyên hủy một số quyết định thu hồi đất sai thẩm quyền.

Hàng trăm dự án biệt thự biển tại huyện đảo Phú Quốc với vốn đầu tư hàng chục tỷ USD, vẫn tiềm ẩn nguy cơ phải tạm ngừng thi công vì thẩm quyền thu hồi đất, thẩm quyền giao đất đã không được thực hiện đúng quy định pháp luật.

Thực trạng đáng lo ngại này đang ngày càng trở thành sự thật tại khu vực Bãi Trường khi TAND các cấp đã tuyên hủy các quyết định thu hồi đất, quyết định bồi thường của UBND huyện Phú Quốc, quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang.

Khi bản án có hiệu lực pháp luật thì mọi tổ chức, cá nhân đều phải tuân thủ nghiêm túc trách nhiệm thi hành án. Khi đó sẽ phát sinh trách nhiệm là chủ đầu tư phải thương lượng với người dân về giá trị quyền sử dụng đất, hoặc sẽ tồn tại hiện tượng trong ranh dự án biệt thự biển sẽ có những ngôi nhà tạm với tấm bảng nền đỏ, chữ vàng có nội dung rất thời sự là “đất tranh chấp ranh, hay đất chờ thi hành án”.

Tất cả những điểm đen này sẽ lần lượt được các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, trong đó chủ công là Thanh tra Chính phủ xác minh, làm rõ. Vì rằng, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi trao quyết định cho Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái đã xác định “kết luận thanh tra phải kiên quyết, đúng sai phải rõ ràng, không biến trắng thành đen, biến đen thành trắng, xử lý chặt chẽ, có lý có tình, đúng pháp luật. Đừng để sau kết luận thanh tra, nhân dân, cán bộ nhân viên nơi thanh tra mất niềm tin vào đoàn thanh tra. Khi vào là con voi, làm một lúc thành con chuột, cây kim”.

Theo Thanhtra.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ