Mặc dù hầu hết người mắc Covid-19 đều hồi phục hoàn toàn trong vòng vài ngày hoặc vài tuần kể từ khi nhiễm bệnh, nhưng không ít người gặp phải các triệu chứng hậu Covid kéo dài rất lâu sau đó.
Thống kê cho thấy trong số 100 bệnh nhân Covid-19, 78% gặp triệu chứng liên quan đến tim mạch. Hai đến ba tháng sau khi khỏi bệnh, 60% trong số những bệnh nhân này vẫn bị tổn thương tim.
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, những triệu chứng tim mạch thường gặp ở bệnh nhân sau khi khỏi Covid-19 bao gồm chóng mặt, nhịp tim nhanh, đau ngực, hồi hộp, khó thở, mệt mỏi,…
Ai có nguy cơ gặp vấn đề về tim mạch sau khi khỏi Covid-19?
Theo BVĐK Tâm Anh cho biết, mỗi ngày, phòng khám Nội Tim mạch của bệnh viện đón tiếp hàng chục lượt bệnh nhân đến khám do những bất thường tim mạch sau khi khỏi Covid-19. Chị Thanh Nhàn (32 tuổi, ở Q. Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh) có cảm giác khó thở, mệt mỏi, đánh trống ngực, được bác sĩ chẩn đoán bị hội chứng “trái tim tan vỡ” (bệnh Takotsubo).
Anh Hoàng Khánh (41 tuổi, Bình Dương) có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường nhiều năm, đi khám vì thấy tim đập nhanh bất thường, thỉnh thoảng kèm cơn đau thắt ngực. Từ kết quả thu được sau khi đo điện tim, siêu âm tim, bác sĩ chẩn đoán anh Khánh bị rung nhĩ, viêm ngoài màng tim – hội chứng tim mạch do Covid-19.
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa TP.HCM cho biết, ai cũng có nguy cơ gặp phải các triệu chứng tim mạch sau khi khỏi Covid-19. Thậm chí, có những người còn trẻ (ở độ tuổi 20-40) và khỏe mạnh cũng không tránh khỏi bị tổn thương tim.
Tuy nhiên, nguy cơ này tăng lên ở những người có bệnh nền như đái tháo đường, tăng huyết áp, suy tim, bệnh mạch vành, bệnh thận mạn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh tuyến giáp… Ngoài ra, người thừa cân – béo phì và người hút thuốc lá lâu năm cũng có nguy cơ mắc hội chứng tim mạch hậu Covid.
“Khi virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể sẽ gây ra hiện tượng cơn bão Cytokine, dẫn đến tình trạng viêm đa cơ quan; đặc biệt là tình trạng tăng đông, tạo ra các cục máu nhỏ, làm tổn thương não, tim, gây nhồi máu cơ tim, ảnh hưởng màng ngoài tim, cơ tim… Người có sẵn bệnh nền tim mạch, khi mắc Covid-19 có thể khiến bệnh tiến triển nặng hơn”, PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh giải thích.
Cũng theo ThS.BS Huỳnh Thanh Kiều - Trưởng khoa Nội tim mạch 1, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Thành phố Hồ Chí Minh, vì lo ngại dịch bệnh, nhiều người có bệnh nền không đi tái khám đúng hẹn, ngay cả người khỏe mạnh cũng bỏ quên lịch khám sức khỏe định kỳ. Vì thế, một số người có vấn đề về tim mạch không được tầm soát và phát hiện bệnh sớm. Đến khi triệu chứng rõ rệt hơn sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2, họ mới nhận ra.
Điều này lý giải vì sao trong thời dịch, các trường hợp đột quỵ, nhồi máu cơ tim tăng cao đáng kể. Nguyên nhân là mọi người ngại đến bệnh viện tầm soát khiến bệnh tiến triển nặng lên.
Tầm soát sớm và điều trị hiệu quả hội chứng tim mạch hậu Covid-19
Hiệu quả điều trị tổn thương tim hậu Covid-19 phụ thuộc vào việc phát hiện sớm triệu chứng và điều trị kịp thời. BS.CKII Võ Ngọc Cẩm, Phó khoa Hồi sức Nội tim mạch BVĐK Tâm Anh Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Bên cạnh các vấn đề tim mạch như rung nhĩ, viêm cơ tim, viêm ngoài màng tim, loạn nhịp tim…, virus SARS-CoV-2 còn có thể để lại di chứng cục máu đông – căn nguyên của một số biến chứng nghiêm trọng như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, thuyên tắc phổi,…
Do đó, người bệnh không nên chủ quan với bất kỳ biểu hiện nào, đặc biệt là những dấu hiệu bất thường ở tim như khó thở, đau tức ngực, hụt hơi khi gắng sức…
Trường hợp xuất hiện triệu chứng cảnh báo cơn nhồi máu cơ tim (đột quỵ tim) như đau ngực đột ngột và dữ dội, khó thở, đổ mồ hôi lạnh, choáng váng…, cần đến bệnh viện cấp cứu ngay”.
Nếu được điều trị kịp thời và tích cực, hầu hết các bệnh nhân bị hội chứng tim mạch hậu Covid-19 đều kiểm soát được bệnh và hết hoàn toàn triệu chứng. Để duy trì hiệu quả điều trị cũng như phòng ngừa bệnh tái phát, người bệnh cần tuân thủ lối sống khoa học, có lợi cho sức khỏe tim mạch, cụ thể:
Có chế độ ăn uống tốt cho tim: hạn chế thịt đỏ, thức ăn nhanh, giảm muối và đường; tăng cường trái cây, rau củ, các loại đậu, cá, thịt trắng…
Tập thể dục đều đặn: tối thiểu 30 phút/ngày, 150 phút/tuần.
Duy trì cân nặng hợp lý: Tránh việc tăng hoặc giảm cân quá đột ngột. Giữ chỉ số BMI trong khoảng 18,5-23.
Không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia.
Kiểm soát căng thẳng, phân bổ thời gian làm việc – nghỉ ngơi hợp lý.