Ngôi trường đặc biệt
Trường Kỹ thuật nguyên tử El Dabaa, trường đầu tiên ở Ai Cập đào tạo chuyên ngành này, đã tuyển chọn được 75 sinh viên cho lớp đầu tiên chính thức học từ trung tuần tháng 11 tại trụ sở tạm thời tại một Trường kỹ thuật ở Madinat Nasr. Trường này sẽ đào tạo cán bộ cho Cơ quan Quản lí nhà máy điện hạt nhân và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Ai Cập (EAEA).
Sau học kỳ đầu, sinh viên sẽ chuyển tới khu trường chính (đang hoàn thiện khu nội trú) tại thành phố El Dabaa, bang Matrouh, để bước vào học kỳ 2 từ tháng 3.
“Cha đẻ” của ngôi trường đặc biệt này là Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi. Hồi tháng 2/2015, ông Sisi và người đồng cấp nước Nga, Tổng thống Putin, đã ký thoả thuận xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân cung cấp điện cho El Dabaa. Nhà máy điện đầu tiên dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2019, trong khi việc xây dựng lò phản ứng hạt nhân đầu tiên sẽ được hoàn thành và bắt đầu hoạt động vào năm 2025.
Việc xây dựng trường là để đáp ứng trực tiếp nhân lực làm việc tại Nhà máy điện hạt nhân El Dabaa.
Để được tuyển chọn làm sinh viên của trường, ứng viên phải đạt điểm tuyển tối thiểu 220/300 với ứng viên tại bang Matrouh (bang đã tình nguyện giao đất xây dựng lò phản ứng) và 250/300 với ứng viên tỉnh khác. Ngoài ra thí sinh còn phải qua kiểm tra y tế, phỏng vấn cùng với một bài kiểm tra khả năng tư duy sáng tạo…
75 sinh viên lớp đầu tiên được tuyển chọn từ 1.876 thí sinh.
Chương trình đào tạo dài 5 năm và được xây dựng khác hẳn các trường kỹ thuật khác. Giảng viên được lựa chọn từ những giảng viên giỏi nhất có bằng cử nhân trong các lĩnh vực cơ điện tử, khoa học, giáo dục và giáo dục công nghiệp…
Sự lãng phí lớn
Tuy nhiên, việc đầu tư lớn cho xây dựng trường đào tạo lĩnh vực hạt nhân cũng vấp phải ý kiến trái chiều từ giới khoa học. Nhà khoa học nguyên tử Abdel Naby nhìn nhận đây là sự lãng phí lớn.
Theo Naby, trường cũng có 3 khoa: Cơ, điện và điện tử - giống như tất cả các trường công nghệ của Ai Cập. Vì vậy, theo Naby nên đầu tư nâng cấp cho các trường kĩ thuật hiện tại để tạo nên sự cạnh tranh của 1 triệu sinh viên kĩ thuật ở 947 trường kĩ thuật ở 3 khoa này.
Sau đó lựa chọn những cử nhân xuất sắc nhất vào học tiếp một khoá học về năng lượng hạt nhân, phóng xạ, ảnh hưởng của phóng xạ và an toàn phóng xạ thay vì chính phủ phải tiêu tốn quá nhiều cho mô hình “như khách sạn” cho sinh viên và giáo viên.
Cũng theo Naby thì việc lập hẳn một trường đào tạo cũng sẽ dẫn tới thừa thãi cử nhân chuyên ngành này. Theo tính toán, Nhà máy điện hạt nhân El Dabaa gồm 4 lò phản ứng với công suất mỗi lò 1.200 megawatt.
Ở mức hoạt động tối đa, nhà máy cần 480 kĩ thuật viên, kỹ sư, cán bộ quản lí. Vậy mỗi năm theo kế hoạch có khoảng 400 sinh viên ra trường, nếu nhà máy điện không có nhu cầu lao động nữa thì số cử nhân hạt nhân này chỉ có thể học thêm chuyên ngành khác mới có thể xin việc.