Thỏa thuận quân sự Ai Cập - Nga: Cú sốc đối với nước Mỹ

GD&TĐ - Như một cú sốc đối với chính quyền Trump, Ai Cập đã đạt được một thỏa thuận sơ bộ cho phép các máy bay quân sự Nga sử dụng không phận và không gian của mình. 

Thỏa thuận quân sự Ai Cập - Nga: Cú sốc đối với nước Mỹ

Nếu được hoàn tất, thỏa thuận này sẽ cho phép Nga hiện diện ở Ai Cập một cách mạnh mẽ nhất, kể từ năm 1973, khi Cairo trục xuất quân đội Liên Xô và trở thành đồng minh của Washington.

Sự suy yếu ảnh hưởng Mỹ

Các nhà phân tích của Ai Cập và Mỹ gọi thỏa thuận sơ bộ nói trên là dấu hiệu gần đây nhất về sự suy yếu ảnh hưởng của Mỹ dưới thời Tổng thống Trump, khiến dấu ấn quân sự và ngoại giao của Mỹ trong khu vực và trên thế giới ngày càng mờ nhạt.

Matthew Spence, nguyên Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về chính sách Trung Đông dưới thời ông Obama, cũng từng bị chỉ trích về chính sách khu vực này, cho biết: “Quyền lực vốn căm ghét sự trống trải, và khi Mỹ rút lui, chúng ta không thể còn tin tưởng rằng thế giới sẽ đứng đó mà chờ đợi chúng ta”. “Sự nguy hiểm, và cũng là thực tế, là các nước khác sẽ tận dụng cơ hội để thay thế khi nước Mỹ rút lui”.

Trong thực tế, sự hiện diện của máy bay phản lực Nga ở Ai Cập sẽ làm tăng mối quan ngại về an ninh hoạt động của các nhân viên quân sự Mỹ cũng như gây khó khăn trong các yêu cầu phối hợp với máy bay quân sự Mỹ trong cùng một không phận. Andrew Miller, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, hiện đang tham gia Dự án Dân chủ Trung Đông, phát biểu: “Đây là một vấn đề lớn đối với quan hệ quốc phòng Mỹ - Ai Cập”.

Không rõ Washington được thông báo về thỏa thuận này đến mức độ nào, bởi hiện nay, chính quyền ông Trump vẫn chưa thay thế Đại sứ Mỹ ở Cairo, vốn đã kết thúc nhiệm kỳ 3 năm của mình hồi tháng 7 vừa qua. Edgar Vasquez, Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ, chỉ nói một cách đơn giản: “Chúng tôi biết các báo cáo này và đang theo dõi tình hình”.

“Bạn lên tôi xuống”…

Tin tức về thỏa thuận sơ bộ nói trên được tiết lộ đúng vào thời điểm lực lượng ngoại giao Mỹ đang suy giảm nghiêm trọng, các chính sách ngoại giao của Mỹ cũng phải đối mặt với các thách thức từ khắp nơi. Triều Tiên đã thử tên lửa tầm xa nhất, bất chấp lời cảnh báo của Mỹ, đồng thời các vị trí trợ lý Ngoại trưởng Đông Á và vị trí Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc vẫn đang bỏ trống.

Thủ tướng và Quốc hội Anh, đồng minh thân thiết nhất của Washington, cũng công khai trách móc ông Trump vì đã quảng bá một video trực tuyến của một nhóm cực hữu người Anh quấy nhiễu người Hồi giáo. Ở Trung Đông, chính quyền Mỹ không có các trợ lý ngoại trưởng về các vấn đề Cận Đông, thiếu các đại sứ tại Ả-rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan, Ai Cập hoặc Qatar.

Thứ Năm vừa qua, Tổng Thư ký Rex W.Tillerson đã bị mất chức. Ông chính là người chủ trì việc thoái xuất hàng loạt các nhà ngoại giao cao cấp, trong khi phải tận mắt chứng kiến quyền lực của mình bị xói mòn bởi các mâu thuẫn lặp đi lặp lại với Phòng Bầu dục.

Chính quyền Obama đã bị các đồng minh chỉ trích vì rút khỏi Trung Đông, đặc biệt là việc không can thiệp đủ mạnh để chống lại chính phủ Iran và chính phủ Syria thân Nga của Tổng thống Bashar al-Asaad trong cuộc chiến chống quân nổi dậy ở nước này.

Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã giảm bớt sự ủng hộ cho quân nổi dậy của Syria, gạt lại sau mục tiêu loại bỏ ông Asaad và đẩy Moscow về phía sau trong tiến trình hòa bình Syria.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimia V.Putin đã mở rộng ảnh hưởng của Moscow ở Trung Đông và lấy lại ảnh hưởng mất đi sau hàng loạt sự kiện như Liên Xô tan rã, chấm dứt Chiến tranh Lạnh và sự mở rộng hiện diện quân sự của Mỹ quanh Vịnh Ba Tư và các nơi khác. Nga đã thực hiện một chiến dịch không quân ở Syria và củng cố quyền lực của ông Asaad, đồng thời bảo vệ căn cứ hải quân của Nga trên bờ biển Địa Trung Hải của Syria.

Nga cũng thâm nhập vào các đồng minh Mỹ, với các chương trình như bán 2 tỷ USD tên lửa tiên tiến cho Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO; bán 3 tỷ USD tên lửa cho Ả-rập Xê-út, một đồng minh thân cận của Mỹ…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Tản văn: Trâu và Tre

GD&TĐ - Đồng lúa tựa như một tấm thảm xanh, ngả dần về màu vàng xuộm, óng ánh dưới nắng mặt trời.