Afghanistan: Nữ sinh hoài nghi cam kết của Taliban

GD&TĐ - Giáo dục đã trở nên phổ biến tại Afghanistan trong hai thập kỷ qua, giúp bồi đắp tương lai cho nhiều phụ nữ, trẻ em gái nước này. Khi Taliban cầm quyền, con đường giáo dục của nữ giới có thể khác đi rất nhiều.

Nữ sinh đi học tại Herat sau khi Taliban tiếp quản đất nước.
Nữ sinh đi học tại Herat sau khi Taliban tiếp quản đất nước.

Sau khi giành quyền kiểm soát Afghanistan, phát ngôn viên của Taliban, Zabihullah Mujahid, cho biết, phụ nữ có thể làm việc và học tập trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, y tế, tư pháp, trong khuôn khổ luật Hồi giáo. Các bé gái được phép đi học, phụ nữ được phép làm giáo viên.

Tuy nhiên, quy định về việc học tập của nữ sinh trong trường học Afghanistan chưa được nêu rõ. Nhiều người nghi ngờ trước phát ngôn của Taliban và hành động thận trọng.

Tại Herat, thành phố lớn thứ ba của Afghanistan, nữ sinh vẫn được phép đến trường cùng các nam sinh. Trước khi vào lớp, chiến binh Taliban sẽ phát khăn trùm đầu cho các em.

Nữ sinh đeo khăn trùm đầu màu trắng, mặc trang phục màu đen. Trong giờ nghỉ giải lao, các em chuyện trò dưới sân trường, hành lang. Khung cảnh yên bình hoàn toàn đối lập với tình trạng hỗn loạn nhấn chìm đất nước trong hai tuần qua.

Nữ sinh Roqia bày tỏ: “Chúng em muốn Afghanistan tiến bộ như các quốc gia khác. Chúng em không muốn chiến tranh, muốn hòa bình trên đất nước này. Thật mong Taliban có thể duy trì an ninh”.

Bà Basiratkha, hiệu trưởng một trường phổ thông tại Herat, bày tỏ lạc quan xen lẫn thận trọng khi được phép mở cửa trở lại. “Học sinh thân yêu của chúng tôi đang trở lại trường học với số lượng lớn. Nữ sinh tuân thủ quy tắc đeo khăn trùm đầu. Kỳ thi vẫn sẽ được tổ chức như bình thường”, bà Basiratkha chia sẻ.

Với vị trí gần biên giới Iran, từ lâu, Herat đã là ngoại lệ trước các chính sách có phần hà khắc của Taliban. Phụ nữ, trẻ em gái được phép đi bộ tự do hơn trên đường phố, theo học phổ thông, đại học hay theo đuổi thơ ca, nghệ thuật.

Tình hình chung trên cả nước có phần ảm đạm hơn. Tại Kabul, đường phố hầu như vắng bóng phụ nữ. Hàng trăm sinh viên Afghanistan, chủ yếu là nữ giới, đã sơ tán đến các quốc gia Ả Rập khác.

Một nữ sinh rời đến Qatar cho biết: “Qua những câu chuyện nghe kể từ cha mẹ, ông bà về thời kỳ cai trị của Taliban, tôi hiểu rằng cơn ác mộng đang trở lại. Thời điểm đó, phụ nữ, trẻ em gái bị đối xử rất khắc nghiệt”.

Người này không tin vào cam kết của Taliban, cho rằng, trường học sẽ không có chỗ cho nữ sinh hay giáo viên nữ. Việc học của cô có thể chấm dứt bất cứ lúc nào nếu tiếp tục ở lại Afghanistan.

Nhiều nữ sinh khẳng định chính quyền do Taliban kiểm soát là khái niệm rất xa lạ. Họ sẽ không trở lại Afghanistan chừng nào các tay súng còn nắm quyền hay dưới một chính phủ chia sẻ quyền lực.

“Tôi cảm thấy mình không còn thuộc về đất nước này nữa. Chúng tôi đã mất 20 năm để xây dựng đất nước nhưng bây giờ, mọi thứ đã sụp đổ”, nữ sinh khác bày tỏ. Cô chưa biết sẽ định cư ở đâu nhưng quyết tâm tìm kiếm nơi ở mới và hoàn thành việc học của mình.

Bà Torunn Wimpelmann, nhà nghiên cứu chính trị và cải cách tư pháp Afghanitstan, làm việc tại Na Uy, phân tích: Không cần sử dụng bạo lực, Taliban có nhiều cách để hạn chế hoặc kiểm soát số lượng nữ sinh trong trường học.

Ở cấp đại học, họ có thể đóng cửa trường với lập luận “chỉ tái mở cửa khi nào thuê được giảng viên nữ”. Một cách khác là phạt tiền gia đình để con gái ra khỏi nhà. Những quy định này có thể hạn chế quyền tiếp cận giáo dục của bé gái, phụ nữ bất kể cam kết trước đó của các tay súng.

Theo Reuters, CNN, Al

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.