Afghanistan hồi sinh âm nhạc qua những bài hát thiếu nhi

GD&TĐ - Từ một cuốn sách bài hát thiếu nhi xuất bản cách đây vài thập kỉ, di sản âm nhạc Afghanistan tưởng như đã thất truyền đang được hồi sinh. Thậm chí sách bài hát còn được kỳ vọng đóng vai trò xoá mù chữ ở đất nước từng điêu tàn văn hoá dưới chế độ Taliban…

Afghanistan hồi sinh âm nhạc qua  những bài hát thiếu nhi

Cuốn sách vô giá

Khi Louise Pascale, một giáo viên âm nhạc Mỹ, rút cuốn sách bài hát dành cho trẻ em Afghanistan cũ mèm ra khỏi giá sách của mình, cô nhận ra mình đang nắm giữ một kho báu. Các bài hát thiếu nhi tại Afghanistan coi như đã thất truyền do quy định cấm âm nhạc của Taliban. Chơi nhạc cụ cũng bị cấm trong giai đoạn Taliban nắm quyền vào cuối những năm 1990 tại Afghanistan, và thậm chí hiện nay, nhiều người Hồi giáo bảo thủ loại bỏ mọi hình thức âm nhạc.

“Các nhạc công thực tế phải giấu nhạc cụ dưới những chồng củi khô, họ chỉ có thể “luyện chay” trong đầu để khỏi quên” – Pascale nói – “Khi tôi quay lại Afghanistan năm 2009, có những thiếu nữ nói rằng lớn lên mà không hiểu âm nhạc là gì. Điều này rất khó tưởng tượng với tôi bởi tôi không thể thiếu âm nhạc trong 5 phút”. Một số bà mẹ Afghanistan còn nhớ âm điệu vài bài hát trong đầu nhưng không dám hát cho con nghe vì nhỡ đâu đứa trẻ nhập tâm và bất thần hét toáng lên ngoài đường – thì tính mạng cả nhà họ có thể nguy hiểm.

Cuốn sách bìa màu xanh lá cây, cũ và rách nhiều chỗ, được Pascale thu lượm khi làm giáo viên tại Afghanistan vào những năm 1960, trong đó có 16 bài hát dành cho thiếu nhi mà Pascale tin là đã thất truyền cho thế hệ sau. 3 thập kỉ sau khi thu lượm cuốn sách, Pascale nhận ra đây là tài sản vô giá mà cô cần trả lại cho người dân Afghanistan.

Góp vai trò trong cuộc chiến xoá mù chữ

 Với sự giúp đỡ của một nhạc công Afghanistan, Pascale viết lại cuốn sách này, 5.000 cuốn tái bản có sửa chữa được gửi tới các trường học và trại mồ côi tại Afghanistan năm 2007, cùng với một băng cassette hoặc đĩa CD hát mẫu.

Thông tin về cuốn sách những bài hát cho trẻ em tưởng như đã thất truyền – đến tai phu nhân đại sứ Afghanistan tại Mỹ, và bà đã quyết định tổ chức một buổi giới thiệu sách tại toà đại sứ ở Washington.

Khoảng 200 người Mỹ gốc Afghanistan đã tham gia buổi ra mắt, nhiều người rơi nước mắt nghe bản ghi âm những bài hát mà họ đã hát khi còn thơ bé. Cuốn sách thực sự đã khiến dư luận trong nước chú ý và Pascale không bỏ lỡ cơ hội này để đưa cuốn sách vượt khỏi không gian âm nhạc thuần tuý.

Năm 2013, trong lần tái bản có sửa chữa thứ hai, cuốn sách có cả phần hướng dẫn giúp giáo viên dùng những bài hát để cải thiện kĩ năng đọc viết của trẻ. Sách được phát kèm với một cuốn vở và 2 chiếc bút chì – những thứ rất quý giá với những trẻ thất học.

Khoảng 50.000 bản sách đã được phân phát trên cả nước với sự giúp đỡ của các tổ chức giáo dục địa phương. Tuy nhiên với Pascale thì những nỗ lực của cô vẫn là “giọt nước giữa biển khơi”. Pascale hy vọng sẽ gây quỹ đủ để phát hành tái bản có sửa chữa lần thứ ba, kèm với hướng dẫn giáo viên, có thể gắn kèm bộ truyện dân gian Afghanistan cũng đang biến mất khỏi văn hoá Afghanistan.

“Phản hồi của những người dân Afghanistan sau khi tôi trả cuốn sách cho họ đều giống nhau: Họ rưng rưng nước mắt nói rằng, chúng tôi sẽ bằng mọi giá hồi sinh những bài hát này” – Pascale chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.