99,57% học sinh cả nước đến trường học trực tiếp

GD&TĐ - Hiện 63 tỉnh/thành phố (705/705 huyện/quận/thành phố/thị xã) đã tổ chức cho học sinh các cấp học tập trực tiếp. Tỷ lệ học sinh đi học trực tiếp tính đến 11 giờ ngày 18/4/2022 đạt 99,57%.

Học sinh Trường tiểu học Ái Mộ B, quận Long Biên, Hà Nội trong ngày đầu quay trở lại trường học trực tiếp.
Học sinh Trường tiểu học Ái Mộ B, quận Long Biên, Hà Nội trong ngày đầu quay trở lại trường học trực tiếp.

Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ báo cáo tại giao ban báo chí thường kỳ của Ban tuyên giáo Trung ương sáng 19/4.

Thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 4726/BGDĐT-GDTC ngày 15/10/2021 hướng dẫn tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục. Ngày 24/1/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 283/BGDĐT-GDTC về việc tổ chức dạy học trực tiếp.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, ngay sau chỉ đạo mở cửa trường học, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đi kiểm tra tình hình triển khai tại các địa phương. Qua những chuyến kiểm tra, có thể thấy, được đi học trở lại là mong muốn rất lớn của học sinh, giáo viên, phụ huynh. Các địa phương cũng rất quan tâm xây dựng kịch bản, lộ trình, tổ chức diễn tập, chuẩn bị các điều kiện với quyết tâm đưa học sinh trở lại trường học tập.

Chia sẻ về giải pháp bù đắp kiến thức cho học sinh khi trở lại học trực tiếp, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết: Để thích ứng với điều kiện dịch bệnh, ngay từ đầu năm học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm học 2021-2022 ứng phó với dịch Covid-19.

Trong đó xác định rõ mục tiêu hoàn thành chương trình theo kế hoạch năm học. Thực hiện dạy học theo mức độ cần đạt của chương trình và hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học các môn học. Theo đó dạy những nội dung cốt lõi của chương trình kết hợp với việc tổ chức ôn tập, củng cố kiến thức cơ bản đã học cho các nhóm đối tượng học sinh một cách linh hoạt, phù hợp với tình hình kiểm soát dịch bệnh tại địa phương.

Khi học sinh trở lại trường học tập, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo trong Công văn số 4808/BGDĐT-GDTrH ngày 21/10/2021, cụ thể như sau:

Cơ sở giáo dục chủ động rà soát, đánh giá, phân loại kết quả học tập trực tuyến, qua truyền hình của các nhóm đối tượng học sinh để điều chỉnh kế hoạch giáo dục của nhà trường phù hợp điều kiện thực tế và tình hình kiểm soát dịch Covid-19 tại địa phương.

Khi học sinh mới trở lại trường học, nhà trường tổ chức tư vấn, hỗ trợ tâm lí, hướng dẫn thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh chuyển trạng thái từ học trực tuyến, học qua truyền hình sang học tập trực tiếp tại trường.

Tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh có điều kiện học trực tuyến. Dạy bổ sung những nội dung kiến thức còn thiếu kết hợp với ôn tập, củng cố nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh không có điều kiện học trực tuyến, nhất là đối với các học sinh không tiếp cận được truyền hình, học sinh chuyển trường do phải di chuyển nơi cư trú để phòng, tránh dịch bệnh.

Sử dụng hiệu quả thời gian học sinh được đến trường để tiếp tục tổ chức dạy học trực tiếp các nội dung cơ bản, cốt lõi theo các văn bản hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ Giáo dục và Đào tạo phù hợp với điều kiện của nhà trường và đối tượng học sinh, tránh gây áp lực, quá tải đối với học sinh.

Việc kiểm tra, đánh giá định kì theo hình thức trực tiếp tại trường cần được thực hiện sau một thời gian học sinh đã được ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.