(GD&TĐ) - Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2013 - 2018 sẽ được tổ chức từ ngày 27-30/7 tại Cung Văn hóa Lao động Hữu ngh (Hà Nội). Tham dự Đại hội có 950 đại biểu, trong đó có 253 đại biểu nữ, 37 đại biểu là người dân tộc ít người và có 696 đại biểu là Đảng viên.
Đại hội lần này được đông đảo công nhân viên chức lao động quan tâm và kỳ vọng sẽ mang lại nhiều quyết sách góp phần xây dựng tổ chức công đoàn ngày càng vững mạnh, để trên cơ sở đó thể hiện tốt vai trò đại diện chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động.
Kết quả nổi bật hoạt động CĐ nhiệm kỳ 2008 - 2013 thể hiện trong các nhóm vấn đề: Tham gia xây dựng chính sách pháp luật, đặc biệt là tập trung nghiên cứu, xây dựng dự thảo Luật CĐ, Bộ luật Lao động năm 2012 và sửa đổi Hiến pháp 1992. Hoạt động Tháng Công nhân gắn với kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao Động 1/5 đã thu hút hàng triệu lượt người tham gia, đánh dấu bước phát triển trong đổi mới hình thức tập hợp đoàn viên, CNVCLĐ. Chương trình “Tấm lưới nghĩa tình” vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa, “mái ấm CĐ”, phát triển đoàn viên…đều mang lại hiệu quả thiết thực cho CNVCLĐ và tổ chức CĐ.
Trong 4 ngày đại hội, các đại biểu sẽ nghe báo cáo tổng hợp kiến nghị của đoàn viên, CNVC - LĐ và tổ chức CĐ với Đảng, nhà nước; báo cáo sửa đổi bổ sung Điều lệ CĐ Việt Nam; thảo luận các chương trình hành động; bầu Ban Chấp hành khóa XI và thông qua nghị quyết đại hội.
Đại hội sẽ xác định một số chỉ tiêu phấn đấu và 4 chương trình hành động trong nhiệm kỳ 2013 - 2018. Bốn chương trình hành động tập trung vào nội dung phát triển hệ thống Công đoàn, gồm: Chương trình phát triển đoàn viên giai đoạn 2013- 2018; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ CĐ; nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả thỏa ước lao động tập thể và nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho đoàn viên và NLĐ. Trong đó, mục tiêu quan trọng là phát triển đoàn viên để đến hết năm 2018 cả nước có 10 triệu đoàn viên.
Nét mới của ĐH XI CĐVN là lần đầu tiên giới thiệu Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá Lý Sơn (Quảng Ngãi) tham gia BCH Tổng LĐLĐVN. Điều này có ý nghĩa chính trị và xã hội sâu sắc, bởi nhiều năm Tổng LĐLĐVN đã thí điểm xây dựng nghiệp đoàn nghề cá để hỗ trợ ngư dân gặp khó khăn khi hành nghề trên biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Việc giới thiệu Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá Lý Sơn tham gia BCH Tổng LĐLĐVN sẽ đại diện tiếng nói của ngư dân, đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá trong nước và quốc tế, từng bước gây dựng tổ chức công đoàn nghiệp đoàn nghề cá hoạt động mạnh mẽ, trở thành điểm tựa vững chắc cho ngư dân.
Lan Anh