TS Ngũ Duy Anh – Vụ trưởng Vụ công tác HS, SV (Bộ GD&ĐT) chủ trì Hội nghị.
Cùng dự Hội nghị có đại diện Cục Quản lý Nước (Bộ Y tế) và đông đảo các cán bộ quản lý GD, giáo viên của các tỉnh thành cả nước...
94% cơ sở GD, trường học có công trình nước sạch
Tại hội nghị, các đại biểu nghe các tham luận, báo cáo về công tác nước sạch vệ sinh môi trường trong trường học giai đoạn 2012 - 2015 và định hướng giai đoạn 2016-2020; Kiến thức truyền thông thay đổi hành vi về nước sạch vệ sinh môi trường trong trường học; thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch, vệ sinh môi trường trong trường học; ảnh hưởng của nước sạch - vệ sinh môi trường đến sức khoẻ của HS, SV…
Tính hết năm 2015 toàn ngành GD có 94% các điểm trường, trường học có công trình nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh (tăng 2% mỗi năm).
Đặc biệt, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường, Bộ GD&ĐT đã luôn nhận được sự hỗ trợ từ phía Đại sứ quán Úc và cơ quan phát triển quốc tế Úc cả về tài chính và chuyên môn. Hai Dự án hỗ trợ kỹ thuật đã hoàn thành từ năm 2012 - 2014 đã góp phần rất lớn trong việc hỗ trợ và thúc đẩy ngành GD đạt được hiệu quả cao hơn trong thực hiện Chương trình.
Tiếp nối những kết quả của giai đoạn 1 và 2, Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ GD&ĐT triển khai giai đoạn 3 với Dự án “Tăng cường năng lực cho công tác truyền thông về VSMT và VSCN trong các cơ sở GD ĐH, CĐ, TCCN, THPT, trường nội trú và KTX ở khu vực nông thôn VN”; Dự án “Đánh giá tác động của chương trình NS,VSMT trong trường học đối với sức khoẻ HS giai đoạn 2012-2015”. Các dự án có vai trò quan trọng không chỉ trong công tác quản lý mà còn thúc đẩy đạt được các mục tiêu của ngành GD...
Cần sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành
Phát biểu tại Hội nghị, TS Ngũ Duy Anh - Vụ trưởng Vụ công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) - nhấn mạnh: Để tiếp tục thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường trong nhà trường giai đoạn 2015-2020, ngoài nỗ lực, cố gắng của ngành GD cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tham gia của Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế, các Bộ, ngành có liên quan và đặc biệt là sự hỗ trợ của các nhà tài trợ, như Cơ quan Phát triển quốc tế Úc, Cơ quan phát triển quốc tế Đan Mạch, Bộ Phát triển Quốc tế Vương quốc Anh, Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNICEF), Ngân hàng thế giới (WB)..., cũng như các tổ chức phi chính phủ khác.
Cùng đó, cần đa dạng hoá truyền thông GD; mở rộng phạm vi, chú trọng kiến thức và kỹ năng sử dụng; tích hợp lồng ghép nội dung GD về vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân vào chương trình GD chính khoá và ngoại khoá; phát triển hệ thống y tế trường học; bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán về nước sạch - vệ sinh môi trường...+
Bên cạnh đó, TS Ngũ Duy Anh cũng chỉ ra một số tồn tại, khó khăn trong việc thực hiện công tác cấp nước sạch và vệ sinh môi trường ở một số nơi như: công tác GD truyền thông chưa được quan tâm đúng mức; việc quản lý và sử dụng các công trình nước sạch và vệ sinh hiệu quả chưa cao, nhiều công trình xuống cấp, hư hỏng, gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khoẻ của HS, các thầy cô giáo.
Ở một số địa phương các công trình nước và nhà tiêu trong trường học được xây dựng không đồng bộ, chưa đúng quy cách, chưa thật phù hợp với độ tuổi của trẻ, chưa đảm bảo vệ sinh và an toàn cho trẻ. Công tác truyền thông về giữ gìn vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường còn gặp nhiều khó khăn do phong tục, tập quán của người dân ở một số nơi, nhất là miền núi, vùng cao, vùng sâu vùng xa còn lạc hậu...